Nỗ lực phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, tình hình tội phạm lợi dụng triệt để việc sử dụng công nghệ cao nhằm thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) cũng ngày một gia tăng với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó nhận biết, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và các tầng lớp nhân dân.

Ngày 11/5/2024, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh và các đơn vị chức năng triệt phá nhóm 20 đối tượng có hành vi lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee tại Cao Bằng và Thái Nguyên. Qua đấu tranh, nhóm đã khai thác trái phép 2 triệu dữ liệu data của người dùng trên địa bàn cả nước; thực hiện trên 1,9 triệu cuộc gọi giả mạo sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee, dụ dỗ 50.000 người dùng ứng dụng Shopee tại Việt Nam trở thành “con mồi” để LĐCĐTS.

Trước đó, qua nắm tình hình, ngày 15/3/2024, Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 5 người mang quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh và tạm trú tại thành phố Cao Bằng có dấu hiệu sử dụng thiết bị điện tử, máy tính, điện thoại di động có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Bước đầu các đối tượng khai nhận gửi thư điện tử có đính kèm mã độc cho các tài khoản mạng xã hội QQ bên Trung Quốc nhằm chiếm quyền sử dụng tài khoản để thực hiện các hành vi tiếp theo. Quá trình khám xét, Công an tỉnh thu giữ gần 8.000 tập tin có chứa mã độc, ước tính nhóm “đánh cắp” trên 3.650.000 thông tin của các doanh nghiệp, cá nhân phía Trung Quốc, có dấu hiệu của tội phạm LĐCĐTS. Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành trao trả 5 công dân Trung Quốc cho lực lượng chức năng Trung Quốc xử lý theo quy định.

Công an thị trấn Bảo Lạc kịp thời tuyên truyền, ngăn chặn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Ảnh: Lê Nam

Công an thị trấn Bảo Lạc kịp thời tuyên truyền, ngăn chặn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Ảnh: Lê Nam

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2023 đến nay, có 114 vụ, việc người dân bị LĐCĐTS trên không gian mạng, thiệt hại trên 55,5 tỷ đồng, trong đó có 26 vụ việc các ổ, nhóm, đối tượng mạo danh cán bộ các cơ quan nhà nước để LĐCĐTS. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh phát hiện 9 vụ lừa đảo bằng hình thức giả danh các cơ quan công an, ngân hàng, thuế… với số tài sản bị thiệt hại trên 2 tỷ đồng, trong đó ngăn chặn thành công 5 vụ với tổng số tài sản được bảo vệ hơn 600 triệu đồng. Đặc biệt, phát hiện, bắt giữ 2 vụ/25 đối tượng đến địa bàn tỉnh đặt thiết bị phục vụ cho hành vi phạm tội trên không gian mạng, đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông nhằm LĐCĐTS của nhiều người dân trên địa bàn trong nước và nước ngoài.

Dự báo tội phạm LĐCĐTS trên không gian mạng sẽ có những diễn biến phức tạp, gia tăng, Công an tỉnh tiếp tục áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để rà soát, truy vết, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh kịp thời các băng nhóm, đường dây tội phạm LĐCĐTS trên không gian mạng hoạt động trên địa bàn. Tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng và hệ thống các ngân hàng để nhanh chóng áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền, thu hồi tài sản cho người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, khuyến cáo rộng rãi về hành vi, thủ đoạn hoạt động LĐCĐTS trên không gian mạng để người dân đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến LĐCĐTS trên không gian mạng.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý tội phạm LĐCĐTS trên không gian mạng, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, quản lý chặt chẽ các hoạt động đăng ký, mở tài khoản, chuyển tiền; phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan công an để xác minh kịp thời các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn LĐCĐTS, ngăn chặn tối đa thiệt hại tài sản cho người dân. Mỗi người cần nâng cao cảnh giác, trang bị những kiến thức để bảo vệ bản thân trước cạm bẫy của tội phạm LĐCĐTS trên không gian mạng. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nghi vấn, người dân cần bình tĩnh, liên hệ với người thân, bạn bè hoặc cơ quan công an để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động LĐCĐTS kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc gửi tố giác tội phạm thông qua ứng dụng VNelD.

Giám đốc Công an tỉnh Vũ Hồng Quang khẳng định: Cơ quan công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp khi xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ cử cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, giấy mời, giấy triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, thân nhân gia đình để mời người mà cơ quan chức năng muốn làm việc đến trụ sở cơ quan công an để làm việc trực tiếp. Các cơ quan chức năng tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Trường hợp thu giữ tiền hoặc đồ vật, tài sản có liên quan vụ án, cơ quan công an sẽ thực hiện tại trụ sở và việc tạm giữ tài sản phải được lập biên bản trực tiếp; không nhận chuyển tiền qua chuyển khoản ngân hàng. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Bảo Bình

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/no-luc-phong-ngua-dau-tranh-voi-toi-pham-cong-nghe-cao-3171168.html