Nỗ lực sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng

Năm 2024, tác động của lạm phát, sự biến động mạnh của thị trường quốc tế, ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song với nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất cùng chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành, hoạt động của doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh có những khởi sắc.

Sản xuất gạch men tại Công ty CP Tasa Group (KCN Thụy Vân, TP Việt Trì).

Sản xuất gạch men tại Công ty CP Tasa Group (KCN Thụy Vân, TP Việt Trì).

Không chỉ góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu, các KCN còn đóng vai trò thu hút vốn đầu tư, phát triển lực lượng lao động chất lượng cao. Toàn tỉnh hiện có 4 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút gần 170 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, trong đó có trên 80 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2024, doanh thu của các doanh nghiệp ước đạt hơn 80.000 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so vời cùng kỳ năm trước, tạo việc làm cho 60.000 lao động với thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng.

Công ty CP Tasa Group (KCN Thụy Vân, TP Việt Trì) chuyên sản xuất gạch ốp lát, sản lượng sản xuất năm 2024 ước khoảng 24 triệu m2. Bà Tạ Thị Minh Thu- Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty cho biết: “Công ty đa dạng hóa các sản phẩm gạch ốp lát Ceramic, Granite với các sản phẩm gạch khổ lớn, hiệu ứng đặc biệt, ngói gốm tráng men... Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty định hướng phát triển đa dạng thị trường, mở rộng tiêu thụ ở nước ngoài; chú trọng chăm sóc tốt khách hàng cũ và đẩy mạnh công tác khai thác, tìm kiếm thị trường mới; nắm bắt diễn biến của thị trường để có những phương án đảm bảo về chất lượng, giá cả”.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, tỉnh triển khai kịp thời các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là về giải phóng mặt bằng, năm 2024 đã hoàn thành xây dựng KCN Phú Hà giai đoạn I, giải phóng mặt bằng cơ bản KCN Cẩm Khê. Cùng với đó, chính sách tiền tệ được nới lỏng, lãi suất cho vay giảm... đã giúp doanh nghiệp tăng thêm khả năng phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Những tháng cuối năm tình hình sản xuất của doanh nghiệp dần được cải thiện, tận dụng được các cơ hội, có thêm nhiều đơn hàng mới.

Công ty TNHH Shinsung Vina (KCN Cẩm Khê) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, đi vào hoạt động năm 2019 với ngành nghề sản xuất chính là sợi PP và dây đai. Doanh thu năm 2024 của Công ty ước đạt trên 180 tỷ đồng. Ông Shin Chun Ki - Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Công ty chúng tôi chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, từ các loại dây đai tiêu chuẩn đến các sản phẩm dây đai đặc biệt phục vụ cho các ngành công nghiệp khác nhau. Nhu cầu sử dụng dây đai của các đối tác cuối năm khá cao, vì thế, để bảo đảm chất lượng, thời gian giao hàng, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất năm 2024, Công ty đã dự trù các nguyên liệu thô, chú trọng bảo dưỡng máy móc”.

Các KCN đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hút đầu tư của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang tập trung huy động, khuyến khích nguồn lực xã hội hóa đầu tư, kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp với hệ thống giao thông huyết mạch đảm bảo thông suốt, đồng bộ, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng. Để phát triển bền vững, bản thân các doanh nghiệp trong KCN cần tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường; tăng cường cập nhật các quy định mới và thực hiện đầy đủ các chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/no-luc-san-xuat-kinh-doanh-duy-tri-tang-truong-225280.htm