Nỗ lực tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông ngay từ đầu năm

Để bảo đảm hoàn thành tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, các đơn vị ngành Giao thông đã khẩn trương thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới 2023.

Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 94.000 tỷ đồng.

Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 94.000 tỷ đồng.

Khẩn trương phê duyệt các dự án còn lại

Về tình hình triển khai các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 ngành Giao thông Vận tải, ông Lê Quyết Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, có 57/63 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong 57 dự án kể trên, có 39 dự án đã được phê duyệt đầu tư, 18 dự án còn lại tiến độ phê duyệt đang được lập kế hoạch điều chỉnh, dự kiến hoàn thành trong quý III-2023.

Cụ thể, 3 dự án dự kiến được phê duyệt đầu tư trong tháng 2-2023, gồm: Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam.

Một dự án dự kiến được phê duyệt trong tháng 3-2023 là tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn; 14 dự án khác sẽ được phê duyệt trong quý II và III-2023.

Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công 94.161 tỷ đồng. Để bảo đảm hoàn thành tiến độ giải ngân, ngay từ đầu năm, Bộ đã ban hành chỉ thị đẩy nhanh tiến độ giải ngân và kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đầy đủ thủ tục (đạt 99,97%).

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu toàn ngành thực hiện 4 nguyên tắc theo hướng thi công nhanh nhất, khởi công càng sớm càng tốt và chủ động, sáng tạo.

Các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện mọi giải pháp nhanh chóng khởi công, thi công các dự án càng sớm càng tốt; giải phóng mặt bằng càng nhanh càng tốt, giải phóng đến đâu tăng tốc thi công cuốn chiếu đến đó, bảo đảm quyết liệt, chủ động, bám sát hỗ trợ địa phương để hoàn thành sớm nhất; các dự án thi công nhanh nhất, nhiều nhất có thể.

Riêng các dự án giao thông trọng điểm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II có quy mô gói thầu lớn, phải thực hiện theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, triển khai song song vừa thiết kế bản vẽ thi công, thi công trên cơ sở bản vẽ được duyệt, vừa xây dựng phương án mua vật liệu ở các mỏ thương mại, bảo đảm vật liệu thi công trong thời gian đầu, đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép mỏ vật liệu mới.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu và nhiệm vụ nói trên, các đơn vị liên quan đã khẩn trương thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.

Đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với hiệu quả giải ngân

Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, để bảo đảm tiến độ dự án gắn với hiệu quả giải ngân, ngay sau khi tổ chức khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II, đơn vị này đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng ngay kế hoạch chi tiết, từ việc huy động thiết bị, nhân lực để tổ chức thi công ngay.

Các ban quản lý dự án được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với hiệu quả giải ngân.

Các ban quản lý dự án được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với hiệu quả giải ngân.

Đặc biệt, các chủ đầu tư đều đặt ra mục tiêu năm 2023 phải đưa sản lượng thi công dự án đạt 30 - 35% giá trị hợp đồng. Đây là tỷ lệ khá lớn trong giai đoạn đầu chủ yếu thi công nền, giá trị sản lượng thấp. Tuy nhiên, phải đạt được kết quả này, việc giải ngân khối lượng vốn lớn của các chủ đầu tư mới có thể hoàn thành.

Đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, các khó khăn về mỏ vật liệu cũng được tháo gỡ, các nhà thầu cần tập trung nguồn lực tài chính để triển khai thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi, thi công “3 ca, 4 kíp” để lấy lại tiến độ bị chậm.

Là một trong những ban quản lý dự án được giao kế hoạch vốn tăng vọt (gấp gần 2,1 lần so với năm 2022), ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, năm 2023, tổng số vốn đơn vị được giao là 10.587 tỷ đồng, tập trung ở 3 dự án lớn: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (900 tỷ đồng), cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (2.802 tỷ đồng) và đoạn Hậu Giang - Cà Mau (4.337 tỷ đồng).

Đứng trước yêu cầu giải ngân nguồn vốn lớn, từ thời điểm khởi công đến nay, tại dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, đơn vị đã huy động triển khai 6 mũi thi công; đoạn Hậu Giang - Cà Mau huy động 4 mũi thi công. Mục tiêu lũy kế giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 2-2023 của đơn vị là 2.357 tỷ đồng (đạt 22,26% kế hoạch vốn năm 2023).

Lương Ninh Giang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1054643/no-luc-tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-cac-du-an-giao-thong-ngay-tu-dau-nam