Nỗ lực tạo việc làm cho hội viên người mù

Thực hiện chương trình hành động việc làm, giảm nghèo bền vững, trong 15 năm qua, Hội Người mù huyện Hải Lăng đã có nhiều nỗ lực giúp hội viên có việc làm để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Lê Sương, Chủ tịch Hội Người mù xã Hải Định, huyện Hải Lăng đã vươn lên phát triển kinh tế hiệu quả -Ảnh: Đ.V

Ông Lê Sương, Chủ tịch Hội Người mù xã Hải Định, huyện Hải Lăng đã vươn lên phát triển kinh tế hiệu quả -Ảnh: Đ.V

Thực hiện cuộc vận động với chủ đề “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên bình đẳng, hòa nhập cộng đồng” do Trung ương Hội Người mù Việt Nam phát động, qua 15 năm triển khai, Hội Người mù huyện Hải Lăng đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên.

Đến nay, tập thể cán bộ, hội viên đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, tích cực tham gia vào các hoạt động trong tổ chức hội cũng như ngoài xã hội; chủ động vươn lên trong cuộc sống, từng bước hòa nhập với cộng đồng. Bà Lê Thị Ngọc Dung, hội viên Hội Người mù xã Hải Sơn là một ví dụ điển hình.

Từ khi tham gia hội, với sự quan tâm tạo điều kiện của Hội Người mù huyện, năm 2018 bà Dung được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển mô hình chăn nuôi gia súc tại hộ gia đình. Đến nay, cuộc sống gia đình bà đã ổn định, hòa nhập tốt với cộng đồng xã hội.

Bà Dung vui mừng cho biết: “Thời gian qua, được sự quan tâm giúp đỡ của Huyện hội và các tổ chức từ thiện xã hội, gia đình tôi đã được hỗ trợ vốn vay ưu đãi đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò và heo sinh sản. Sau 5 năm thực hiện, tôi vui mừng vì mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo được thu nhập để gia đình cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo vươn lên hòa nhập tốt với cộng đồng”.

Cùng với việc thực hiện tốt cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên bình đẳng, hòa nhập cộng đồng”, Hội Người mù huyện Hải Lăng cũng chú trọng thực hiện chương trình hành động việc làm, giảm nghèo bền vững; tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động gắn liền với nhiệm vụ chính trị của địa phương, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua xóa đói giảm nghèo.

Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, hội viên vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. Ông Lê Sương, Chủ tịch Hội Người mù xã Hải Định là một trong những điển hình, “đầu tàu” trong phong trào phát triển kinh tế. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Huyện hội, ông Sương được tập huấn, đào tạo nghề và tham gia sản xuất tập trung tại Hội Người mù huyện.

Ngoài ra, ông còn được vay nguồn vốn ưu đãi thông qua kênh của Hội Người mù để phát triển kinh tế tại gia đình, nhờ vậy cuộc sống gia đình ông đỡ vất vả so với trước đây rất nhiều. Ông Sương chia sẻ: “Trong những năm qua, gia đình tôi được Hội Người mù huyện, chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện hỗ trợ một số vốn để làm ăn. Từ số vốn này, gia đình tôi đã thực hiện mô hình chăn nuôi gia cầm, mỗi lứa nuôi trên 200 con gà, vịt. Gia đình tôi làm thêm 6 sào ruộng. Từ chỗ khó khăn, đến nay gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống khá lên và có điều kiện nuôi con cái ăn học đầy đủ”.

Cùng với bà Dung, ông Sương, nhiều cán bộ, hội viên khác ở huyện Hải Lăng nhờ được vay vốn ưu đãi đã cần cù, tự tin phát triển kinh tế và vươn lên thành hộ khá giả, xây được nhà kiên cố, mua sắm nhiều loại phương tiện sinh hoạt đắt tiền. Đặc biệt, trong thời gian qua, nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân từ thiện, các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là tổ chức Renew nên việc sản xuất của Hội Người mù huyện Hải Lăng có những bước tiến đáng kể.

Đến nay, việc sản xuất của hội được đầu tư nhà xưởng rộng rãi, kiên cố và các thiết bị, máy móc. Chủng loại sản phẩm phát triển đa dạng hơn; đến nay thu nhập bình quân của hội viên được nâng lên 1,5-2 triệu đồng/tháng. Một số hội viên có tay nghề khá và chịu khó trong lao động như: ông Phan Thanh Hương, Lê Thanh Vận, Nguyễn Đạo Trai, Lê Thị Thanh, Phạm Thị Hạnh…

Mặc dù đạt được một số kết quả, nhưng hoạt động sản xuất của Hội Người mù huyện Hải Lăng những năm gần đây bị sụt giảm do ảnh hưởng của lũ lụt và COVID-19, nên từ năm 2020 đến nay hiệu quả sản xuất không đạt được chỉ tiêu đề ra. Đây là một trong những vấn đề khó khăn mà Hội Người mù Hải Lăng đang mong muốn sự quan tâm của các ngành, các cấp và toàn xã hội chung tay cùng tháo gỡ.

Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Hải Lăng Lê Thanh Dũng trao đổi: “Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm, nhà tài trợ quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ về vốn để nâng cấp nhà xưởng sản xuất, mua sắm thêm máy móc, tạo thêm việc làm cho hội viên; mở thêm các lớp học nghề để những hội viên chưa được học có nghề nghiệp tham gia lao động sản xuất, có thu nhập ổn định. Thời gian tới, chúng tôi phấn đấu nâng tổng số lượng hội viên được tham gia lao động sản xuất trực tiếp cũng như nhận sản phẩm của hội về nhà sản xuất lên khoảng từ 100 đến 150 hội viên”.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/no-luc-tao-viec-lam-cho-hoi-vien-nguoi-mu/179484.htm