Nỗ lực tạo việc làm cho người lao động
ĐBP - Hai năm trở lại đây, dịch Covid-19 đã khiến nhiều lao động cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng mất việc làm, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống người dân. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động.
Lãnh đạo huyện Mường Nhé khảo sát cơ hội việc làm cho người lao động tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Huyện Mường Nhé có hàng nghìn lao động phổ thông đi làm ăn xa, nhất là ở các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… Khi dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều người thất nghiệp, phải trở về địa phương mưu sinh. Huyện Mường Nhé xác định, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người lao động sau đại dịch không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là vấn đề quan trọng, lâu dài góp phần nâng cao đời sống người dân. Từ tháng 9/2021, huyện đã khớp nối với một số công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh đưa người lao động của huyện đi làm việc tại đây. Điều đáng nói, việc khớp nối giữa huyện, doanh nghiệp được tổ chức bài bản, khoa học và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu xây dựng kế hoạch cho đến công tác triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Văn Liên, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Trước khi tổ chức cho người lao động đi làm việc tại các công ty ngoài tỉnh, lãnh đạo huyện và các phòng chuyên môn đã tổ chức khảo sát thực tế tại một số công ty, doanh nghiệp tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Nhận thấy tiềm năng, cơ hội việc làm tại 2 địa phương này, huyện đã mời một số doanh nghiệp đến Mường Nhé để tuyển dụng lao động. Qua các đợt tuyển dụng, đến nay, đã có trên 200 lao động được đưa đi làm việc tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Những lao động này được huyện và công ty tuyển dụng đứng ra cam kết đảm bảo việc làm cũng như nguồn thu nhập ổn định khi làm tại công ty; được công ty chi trả tiền lương, phụ cấp và đóng các loại bảo hiểm, các khoản thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến nhiều lao động phổ thông trên địa bàn huyện Nậm Pồ phải nghỉ việc tạm thời hoặc mất việc. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2022, cấp ủy, chính quyền huyện đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội được giao phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã thường xuyên rà soát, nắm bắt số lao động đi làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương để tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các chuyên mục việc làm trên trang thông tin điện tử của huyện để kết nối các đơn vị, doanh nghiệp với người lao động; trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc phối hợp, kết nối các công ty, doanh nghiệp, trường chuyên nghiệp ngoài tỉnh để vừa học nghề và tìm kiếm việc làm. Điển hình như Công ty TNHH TEXHONG Ngân Long (tỉnh Quảng Ninh); Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam… Ông Trần Văn Vũ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Hiện nay, tổng số lao động phổ thông của huyện đi làm ngoài tỉnh hơn 3.000 người. Đặc biệt, với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có gần 500 người đi lao động ngoại tỉnh.
Không chỉ quan tâm kết nối, hỗ trợ người lao động tìm việc làm tại các công ty ngoại tỉnh, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong tỉnh khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới, từ đó đảm bảo việc làm, tiền lương và các chế độ chính sách khác cho người lao động địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.300 đơn vị, doanh nghiệp. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, song các đơn vị đã tăng cường nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ổn định việc làm cho gần 30.000 lao động. Có thể nói, với nhiều giải pháp cũng như những hành động cụ thể, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng đã tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong tỉnh; qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.