Nỗ lực 'tháo ngòi nổ' căng thẳng ở Trung Đông

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa khép lại chuyến công du kéo dài 1 tuần với 9 điểm dừng chân gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Jordan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Israel, Bờ Tây, Ai Cập nhằm tìm cách tháo ngòi nổ căng thẳng ở Trung Đông.

Chuyến đi được đánh giá là có đột phá, nhưng chưa đủ để xoa dịu căng thẳng khu vực khi chiến sự ở Gaza vẫn diễn ra ác liệt, gây ra những lo ngại về nguy cơ lan rộng xung đột.

Sứ mệnh chưa thể hoàn thành

Theo giới quan sát, thành quả lớn nhất trong chuyến thăm là nhóm 5 nước gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Jordan, Qatar và UAE đã nhất trí lập kế hoạch và cân nhắc khả năng tham gia vào tái thiết và quản lý Dải Gaza hậu xung đột. Đây được xem là diễn biến mang tính đột phá vì các quốc gia này trước đây từng tuyên bố phải có lệnh ngừng bắn và sự đảm bảo của Israel trong việc giảm thiểu thương vong cho dân thường, trước khi bàn về kế hoạch cho Gaza hậu xung đột.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc gặp ngày 9/1 ở Tel Aviv.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc gặp ngày 9/1 ở Tel Aviv.

Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán đã thành công trong việc thuyết phục Israel cho phép đoàn thanh tra của Liên hợp quốc (LHQ) đến khu vực miền Bắc Gaza để đánh giá xem liệu người dân có an toàn để quay trở lại hay không. Chìa khóa của kế hoạch là cải cách Chính quyền Palestine (PA). Đây cũng là trọng tâm Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra hồi giữa tuần tại TP Aqaba của Jordan với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Ai Cập, Jordan và Palestine. Tuy nhiên, những mục tiêu khác của chuyến công du có vẻ chưa đạt được.

Phía Mỹ khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào về tương lai ở Gaza cũng đều phải tính đến hòa bình và an ninh ở Israel, đồng thời phải bao gồm một Chính phủ Palestine thống nhất ở Bờ Tây và Gaza, nỗ lực hướng tới sự hội nhập trong tương lai của Israel với khu vực và mở đường cho một Nhà nước Palestine độc lập. Lãnh đạo các nước cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tạm dừng các hoạt động quân sự, tăng cường các nỗ lực nhân đạo và nỗ lực tạo điều kiện cho sự ổn định, đảm bảo các quyền hợp pháp của người dân Palestine và đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài.

Chính quyền Mỹ hiện vẫn tiếp tục chính sách ngoại giao để giải quyết xung đột Trung Đông, vừa công khai vận động, gây sức ép Israel thay đổi chiến thuật, giảm quy mô chiến tranh trong khi tiếp tục cam kết ủng hộ và hỗ trợ nước này. Trong thời gian tới, Washington có thể vận động quốc tế, đặc biệt là LHQ thông qua các nghị quyết về khu vực, tạo thuận lợi triển khai lực lượng quân sự tới Trung Đông để răn đe Iran cộng với tiêu diệt các nhóm vũ trang cực đoan.

Thêm nữa, việc Quân đội Mỹ và Anh trong các ngày 12-13/1 liên tiếp thực hiện các vụ không kích nhằm vào các cơ sở của phong trào Houthi ở Yemen, sau khi Houthi tấn công các tàu thuyền hoạt động trên Biển Đỏ, đang làm dấy lên lo ngại xung đột sẽ lan rộng tại khu vực này. Căng thẳng có dấu hiệu leo thang bởi Houthi tuyên bố sẽ đáp trả các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu và Washington tuyên bố sẵn sàng giải pháp quân sự để bảo đảm an ninh trên Biển Đỏ và tự do thương mại hàng hải. Bởi vậy, có thể nói, sứ mệnh chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông chưa thể hoàn thành.

Đâu là lựa chọn tốt nhất?

Đến một lúc nào đó, súng sẽ ngừng nổ, bom sẽ ngừng rơi, và cuộc chiến ở Dải Gaza sẽ kết thúc. Khi đó, sẽ cần có người quản lý dải đất này, nhưng các lựa chọn lại chẳng mấy khả quan. Hamas chắc chắn sẽ không được giao quyền kiểm soát, vì Israel đã thề rằng, họ sẽ không bao giờ cho phép nhóm này xây dựng lại năng lực quân sự và một lần nữa đe dọa Israel. Hoặc Israel cũng có thể tiếp quản dải đất này, nhưng họ có lẽ không muốn quản lý hơn hai triệu người Palestine thù địch, những người chắc chắn sẽ tiến hành một cuộc nổi dậy ngầm, trong khi tính chính danh quốc tế của Israel tiếp tục suy giảm.

Nhiều người đã đề xuất một lực lượng quốc tế, bao gồm chủ yếu quân đội từ các quốc gia Arab, nhưng các thành viên Arab tiềm năng đều đã tuyên bố rằng đó là điều không thể thành công. Do đó, lựa chọn tốt nhất, và cũng được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ưa thích nhất, là để PA - tổ chức đang kiểm soát khu vực Bờ Tây và từng điều hành Gaza trước năm 2007 - nắm quyền chỉ đạo. Sự quản lý của PA vẫn tốt hơn là sự chiếm đóng lâu dài của Israel, hoặc sự hỗn loạn, hoặc các lựa chọn khác, bởi vì PA chủ trương hòa bình với Israel và đang được phần lớn cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Tuy nhiên, để Gaza có thể ổn định lâu dài và được quản lý tốt hơn trong thời hậu chiến, cộng đồng quốc tế, trong đó đặc biệt là Israel và Mỹ, cần ủng hộ PA, đồng thời cũng cần hỗ trợ những người Palestine ôn hòa – một quá trình nên được bắt đầu ngay bây giờ, nhưng sẽ mất ít nhất vài năm để hoàn thành.

Một trong những thách thức lớn nhất sẽ là thuyết phục các nhà lãnh đạo Israel ủng hộ vai trò của PA ở Gaza, vì nhiều người, bao gồm cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đã mô tả tổ chức này là không đáng tin cậy, thậm chí là ủng hộ khủng bố. Thủ tướng Benjamin Netanyahu từng tuyên bố, việc mong đợi PA giải quyết các vấn đề của Gaza là “một giấc mơ viển vông”.

Nhiệm vụ này càng khó khăn gấp bội bởi thành công của PA ở Gaza phụ thuộc vào việc liệu Israel có chịu giúp tổ chức này xây dựng uy tín ở Bờ Tây bằng cách tháo dỡ các khu định cư, ngăn chặn những người định cư bạo lực tấn công láng giềng người Palestine và tôn trọng quyền tự trị của người Palestine nhiều hơn trong cuộc sống hằng ngày. Dù thế nào đi nữa, Gaza vẫn phải được quản lý và PA là sự lựa chọn ít tệ nhất cho nhiệm vụ này.

Giới chuyên gia đã đưa ra một số công đoạn có thể được thực hiện để làm cho việc này trở nên khả thi hơn ngay từ bây giờ. Trước hết, cần ngay lập tức bắt đầu một chương trình tuyển dụng và đào tạo lực lượng an ninh PA quy mô lớn. Tiếp đó, Israel, Mỹ, và các quốc gia ở châu Âu và Arab có quan tâm cần xác định các nhà kỹ trị Palestine bên ngoài PA, những người có thể đóng vai trò có giới hạn trong việc quản lý Gaza khi giao tranh dừng lại, hoặc chí ít là giảm bớt. Thứ ba, để thành công ở Gaza, PA cần có uy tín cao hơn, và điều đó đòi hỏi phải mang lại tiến bộ cho người Palestine ở Bờ Tây. Và cuối cùng, một PA với độ tin cậy cao hơn cũng đòi hỏi phải có sự thay đổi trong dàn lãnh đạo, một triển vọng mà các quan chức Mỹ đang gián tiếp gọi là PA “hồi sinh”.

Dường như vẫn còn quá sớm để suy nghĩ về vai trò của PA trong việc quản lý Gaza khi xung đột vẫn đang diễn ra ác liệt. Tuy nhiên, một bài học rút ra từ Afghanistan, Iraq và nhiều cuộc xung đột khác là việc loại bỏ một chế độ thù địch thường là nhiệm vụ dễ dàng. Nhiệm vụ khó hơn nhiều là xây dựng một chính phủ mới có thể hỗ trợ người dân và đảm bảo hòa bình lâu dài. Nếu Israel và các đối tác tiếp tục né tránh những quyết định khó khăn về quản trị cho đến khi cuộc chiến chấm dứt, lúc đó có lẽ đã quá muộn.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/no-luc-thao-ngoi-no-cang-thang-o-trung-dong-i720114/