Nỗ lực thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao
Hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, thông minh, Bình Dương tiếp tục tập trung vào những ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, kỹ thuật tiên tiến ngay từ bước mời gọi, thu hút đầu tư.
Bình Dương nỗ lực gọi vốn đầu tư vào các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường. Trong ảnh: Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến với các nhà đầu tư Pháp vừa được tỉnh tổ chức
Phát triển thông minh
Những tháng đầu năm 2022, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội, nhưng bằng những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, Bình Dương vẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện Bình Dương là địa phương đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số 4.042 dự án từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 39,4 tỷ đô la Mỹ.
Theo ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết quả này cho thấy Bình Dương đang đi đúng hướng, tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng đô thị thông minh với định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường, đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung thu hút vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp được quy hoạch, hình thành KCN - đô thị khoa học công nghệ.
Việc khởi công KCN VSIP III có diện tích 1.000 ha tiếp tục đánh dấu thêm một bước tạo lập hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao của tỉnh. Khi KCN này đi vào hoạt động, Bình Dương sẽ ưu tiên ngành nghề có công nghệ cao, ít thâm dụng lao động. Đây cũng là KCN được định hướng phát triển xanh và bền vững với các thiết kế mới, đồng bộ về việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải đến quản lý giao thông và an ninh.
Ông Teo Ban Seng, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore), đồng Chủ tịch VSIP Group, cho biết với kinh nghiệm phát triển công nghiệp thành công ở cả Singapore và Việt Nam, các nhà đầu tư từ Singapore muốn áp dụng những công nghệ mới cho VSIP III, biến nơi đây trở thành một trong những KCN đầu tiên trong cả nước công bố khái niệm KCN thông minh và bền vững.
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Theo PGS - TS. Hoàng Vĩnh Long (Văn phòng Trung ương Đảng), từ việc phát huy các yếu tố “thiên thời, địa lợi”, Bình Dương đã chủ động, mạnh dạn nắm bắt thời cơ, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng... tạo thương hiệu Bình Dương trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, các ngành công nghệ cao tại Bình Dương vẫn còn những gam màu trầm khi các quốc gia đầu tư vào tỉnh chủ yếu đến từ khu vực châu Á, có trình độ khoa học kỹ thuật không cao. Sản phẩm xuất khẩu của tỉnh chủ yếu vẫn là gỗ nội thất, hàng may mặc, da giày, dệt... là những sản phẩm thâm dụng về lao động, chưa có hàm lượng công nghệ cao. Chính vì vậy, Bình Dương cần bổ sung thêm những chính sách mới nhằm gia tăng hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghệ cao.
Hiện nay, các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á có tổng vốn đầu tư chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Điều này cho thấy Bình Dương cần có thêm những giải pháp hiệu quả hơn nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI đến từ khu vực phát triển hơn. Nhận thức rõ được điều này, thời gian gần đây, tỉnh liên tục tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư từ các nước phát triển, như: Mỹ, EU, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, là nền kinh tế phát triển hàng đầu khu vực, Pháp có rất nhiều thế mạnh về các lĩnh vực viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y sinh, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm, hạ tầng, dịch vụ logistics... những lĩnh vực rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Bình Dương. Với những lợi thế sẵn có của Bình Dương, ông Đinh Toàn thắng tin rằng thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp Pháp tới đầu tư tại Bình Dương cả về số lượng và chất lượng.
Tại hội thảo xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác từ châu Âu, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh thời gian tới Bình Dương ưu tiên thu hút FDI phục vụ chuyển đổi xanh như năng lượng bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn từ các nước phát triển, đối tác tiềm năng hàng đầu thế giới với trình độ quản trị hiện đại, trong đó có các đối tác châu Âu. Bình Dương tập trung thu hút vào các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là thu hút đầu tư vào KCN Khoa học Công nghệ với tầm nhìn trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, nguồn vốn FDI có một vị thế, vai trò hết sức quan trọng. Nhiệm vụ đặt ra là tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp FDI hiện hữu phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tỉnh sẽ hợp tác đầu tư có chọn lọc để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng và tạo năng lượng sạch, thân thiện môi trường; tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia. Từ đó, nhận chuyển giao công nghệ, xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ của tỉnh”.