Nỗ lực thực hiện Chỉ số 'Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất'
'Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất' là một trong 10 chỉ số thành phần của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Để nâng cao thứ hạng chỉ số thành phần này, thời gian qua, các sở, ngành của tỉnh, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai.
“Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất” là một trong 10 chỉ số thành phần của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Để nâng cao thứ hạng chỉ số thành phần này, thời gian qua, các sở, ngành của tỉnh, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai.
Nắm bắt được mong muốn của doanh nghiệp cũng như nhận diện rõ những khó khăn, bất cập còn tồn tại, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, đơn vị liên quan khắc phục khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai của tỉnh.
Cụ thể, bên cạnh việc công bố công khai thông tin, kế hoạch sử dụng đất giúp các nhà đầu tư có nhu cầu tra cứu thông tin về quy hoạch và địa điểm đầu tư có thể tiếp cận dễ dàng, Sở Tài nguyên và Môi trường còn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện, thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai; thực hiện liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết TTHC với các cơ quan; tăng cường phối kết hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã trong công tác thu hồi đất, chuyển mục đích, giao đất, định giá thuê đất theo đúng trình tự, thủ tục, hồ sơ yêu cầu; công khai các điều kiện, các dự án đủ điều kiện triển khai theo quy định pháp luật về đất đai…
Riêng với TTHC thuộc thẩm quyền Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, đến nay đã cắt giảm được khoảng 60% thời gian giải quyết so với quy định, từ 66 thủ tục hành chính ở 3 cấp đến nay giảm còn 44 thủ tục đang được thực hiện. Các TTHC lĩnh vực đất đai đều được công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của tỉnh, của cơ quan chuyên môn, trên phần mềm “một cửa” điện tử và niêm yết tại nơi tiếp nhận và giải quyết TTHC “một cửa” của 3 cấp.
Cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND thành phố Phủ Lý giải quyết hồ sơ về đất đai cho người dân. Ảnh: T.S
Các hình thức nộp và trả kết quả cũng được đa dạng hóa theo hình thức, cá nhân, doanh nghiệp có thể nộp trực tiếp tại bộ phận “một cửa” hoặc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, số TTHC đã đăng ký giải quyết sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 42/44 TTHC, chiếm tỷ lệ 95,4%. Bên cạnh đó, sở cũng chỉ đạo thực hiện niêm yết công khai rõ ràng, đầy đủ và chính xác các thủ tục, trình tự cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; các khoản thu, miễn giảm phí, lệ phí; giá dịch vụ thuộc phạm vi nhiệm vụ của đơn vị để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch.
Ông Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để nâng cao thứ hạng Chỉ số “Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất”, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát bộ TTHC thuộc thẩm quyền. Theo đó, bộ TTHC hiện nay đã đáp ứng tốt yêu cầu về cải cách hành chính, đặc biệt là cắt giảm giấy tờ không cần thiết, cắt giảm thời gian thực hiện. Bình quân hiện nay, các TTHC do Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận và giải quyết đã cắt giảm được 52,5% thời gian so với quy định. Chẳng hạn như thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ là 3 ngày nhưng Văn phòng đăng ký đất đai đang thực hiện tiếp nhận và giải quyết chỉ trong ngày. Việc công khai các TTHC liên quan đến đất đai đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, tạo niềm tin trong nhân dân, thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác giải phóng mặt bằng được triển khai thực hiện nhanh giúp chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Châu Giang (Duy Tiên) xây dựng các hạng mục bảo đảm tiến độ đề ra. Ảnh: Hân Hân
Với nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện, năm 2022, Chỉ số “Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất” của Hà Nam đạt 5,93 điểm, tăng 0,26 điểm so với năm 2015. Điểm số tuy không cao so với điểm bình quân của cả nước nhưng trong thực hiện chỉ số này, tỉnh Hà Nam lại ghi nhận nhiều tiêu chí thành phần đạt khá so với các tỉnh, thành trên cả nước. Cụ thể như, tiêu chí tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn vì thiếu quỹ đất sạch (có 13% doanh nghiệp đồng ý, thấp hơn so với bình quân cả nước là 17%); tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng chậm (13% doanh nghiệp đồng ý, thấp hơn so với bình quân cả nước là 14%); thông tin, dữ liệu về đất đai không được cung cấp thuận lợi, nhanh chóng (17% doanh nghiệp đồng ý, thấp hơn so với bình quân cả nước là 23%); cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết TTHC không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ (có 14% doanh nghiệp đồng ý, thấp hơn so với bình quân cả nước là 31%); các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian (có 20% doanh nghiệp đồng ý, thấp hơn so với bình quân cả nước là 29%); tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện các TTHC về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục (có 82% số doanh nghiệp được hỏi đồng ý, cao hơn so với bình quân cả nước là 80%)… Kết quả này cho thấy, trong những năm qua, công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ các dự án đầu tư, công khai thông tin về đất đai, công tác cải cách TTHC về đất đai đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả, được doanh nghiệp đánh giá cao.
Bên cạnh những “điểm sáng”, kết quả đánh giá năm 2022 cũng cho thấy, trong Chỉ số “Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất” vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt so với kỳ vọng và doanh nghiệp đánh giá thấp. Đó là, số doanh nghiệp đánh giá mức độ rủi ro khi bị thu hồi đất còn cao; số ngày chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (doanh nghiệp đánh giá là gần 33 ngày, trong khi bình quân của cả nước là 30 ngày); tỷ lệ doanh nghiệp tin sẽ được đền bù thỏa đáng trong trường hợp bị thu hồi đất (20% doanh nghiệp tin tưởng, thấp hơn bình quân cả nước là 26%); thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định.
Phát huy kết quả đạt được, đồng thời nhanh chóng khắc phục những hạn chế còn tồn tại để nâng cao thứ hạng Chỉ số “Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất” nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò là đòn bẩy thúc đẩy cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng hiệu quả, linh hoạt hệ thống văn bản pháp luật về đất đai; đơn giản hóa TTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ thực hiện tiếp nhận và trả kết quả để nâng cao sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC; chủ động tham mưu, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh… Từ đó, góp phần cải thiện môi trường, tạo điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.