Nỗ lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa phê duyệt sách giáo khoa (SGK) lớp 3, lớp 7 và lớp 10 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 áp dụng trong các cơ sở GDPT từ năm học 2022 - 2023. Đây là năm học thứ ba, ngành giáo dục và đào tạo triển khai chương trình mới. Hiện nay, đã có 48 SGK lớp 3; 40 SGK lớp 7; 44 SGK lớp 10 với đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục được Bộ GD&ĐT phê duyệt làm căn cứ để các địa phương lựa chọn sử dụng trong các nhà trường từ năm học tới.

 Từ năm học 2022 - 2023, môn Tiếng Anh và Tin học được triển khai dạy học bắt buộc từ lớp 3 - Ảnh: T.L

Từ năm học 2022 - 2023, môn Tiếng Anh và Tin học được triển khai dạy học bắt buộc từ lớp 3 - Ảnh: T.L

Trên cơ sở phê duyệt của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Quảng Trị vừa ban hành kế hoạch tổ chức lựa chọn SGK và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng SGK các lớp 3, 7 và 10 trong các cơ sở GDPT trên địa bàn. Đáng chú ý, bên cạnh các nguyên tắc để lựa chọn, còn có tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp với đặc điểm KT - XH của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT. Để việc lựa chọn SGK được phù hợp, các cơ sở giáo dục đã được giới thiệu SGK các lớp 3, 7 và 10 thuộc danh mục các loại SGK đã được bộ phê duyệt.

Sau đó, các cơ sở giáo dục tiến hành tổ chức cho tổ chuyên môn, giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học/hoạt động giáo dục. Trên cơ sở đó, cơ sở giáo dục tổ chức họp để chọn ra một SGK cho mỗi môn học/ hoạt động giáo dục. Kết quả này được gửi về Sở GD&ĐT để tổng hợp trình các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh.

Bước cuối cùng, UBND tỉnh sẽ phê duyệt danh mục SGK trước 30/4/2022 để sử dụng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn phục vụ từ năm học 2022 - 2023. Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng đã có lộ trình cụ thể về việc phối hợp với các nhà xuất bản có SGK tập huấn, bồi dưỡng sử dụng cho giáo viên và cán bộ quản lý cũng như cung ứng SGK đến học sinh, chậm nhất trước 5/8/2022.

Cái mới của Chương trình GDPT 2018 bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, môn Tiếng Anh và Tin học được triển khai dạy học bắt buộc từ lớp 3; môn Mỹ thuật và Âm nhạc lần đầu tiên được dạy học ở lớp 10.

Phân tích về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Mai Huy Phương cho biết, với hai môn Tiếng Anh và Tin học vẫn còn một số trường ở các huyện Vĩnh Linh, Hướng Hóa thiếu hoặc chưa có giáo viên dạy môn Tiếng Anh. Các trường ở miền núi chưa có đủ phòng học ngoại ngữ; một số điểm trường lẻ xa trung tâm có quy mô nhỏ phải thực hiện ghép lớp nên khó triển khai dạy học Tiếng Anh. Với môn Tin học, có đến hàng chục trường tiểu học, tiểu học & THCS trên địa bàn tỉnh thiếu giáo viên, rất nhiều trường chưa có phòng máy tính.

Trước tình hình này, Sở GD&ĐT tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch về đội ngũ, cơ sở vật chất cho từng năm học và từng giai đoạn nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh, chỉ đạo các địa phương, trên cơ sở biên chế được giao, xây dựng kế hoạch tuyển dụng đủ giáo viên theo chỉ tiêu, trong đó, chú trọng tuyển đủ giáo viên Tiếng Anh, Tin học cho cấp tiểu học với mục tiêu không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên của hai môn học này khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Không thể vì khó khăn mà không triển khai; cần tập trung để sớm tìm giải pháp tháo gỡ; cần quan tâm đến quyền được học của học sinh.

Đối với môn Mỹ thuật và Âm nhạc, đây là hai môn học bắt đầu được giảng dạy ở lớp 10 từ năm học 2022 - 2023 nên việc chọn thành viên hội đồng lựa chọn SGK môn Âm nhạc, Mỹ thuật là băn khoăn chung của nhiều cơ sở giáo dục, bởi cấp THPT chưa có giáo viên đảm nhiệm hai môn học này. Trước tình hình đó, Sở GD&ĐT đề nghị các đơn vị trường học cấp THPT có cấp THCS sử dụng đội ngũ giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật đảm bảo đạt chuẩn theo quy định để lựa chọn SGK.

Ngoài ra, mỗi phòng GD&ĐT lập danh sách 3 giáo viên Âm nhạc và 3 giáo viên Mỹ thuật dạy THCS có trình độ đạt chuẩn theo quy định để được hướng dẫn nghiên cứu SGK môn học phục vụ các trường THPT. Để chuẩn bị tốt cho việc đáp ứng dạy môn Mỹ thuật và Âm nhạc cấp THPT, sở chỉ đạo các nhà trường xây dựng nhóm môn học phù hợp với điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, thực trạng của nhà trường để học sinh lớp 10 đăng ký lựa chọn nhóm môn học theo sở trường. Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh để bổ sung kịp thời lực lượng giáo viên 2 môn học nói trên cho các trường có nhu cầu, nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới.

Chương trình GDPT 2018 của cấp THPT bắt đầu từ năm 2022 - 2023, các môn học được phân chia thành 2 loại: Môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học tự chọn: Theo nhóm Khoa học xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý); nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc). Như vậy, ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh phải chọn tối thiểu thêm 5 môn khác của nhóm môn tự chọn.

Theo ông Mai Huy Phương, thời gian qua, vấn đề thực hiện Chương trình GDPT 2018 luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Mặc dù tỉnh đã có kinh nghiệm lựa chọn SGK cho các lớp 1, 2 và 6 nhưng đến nay, khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10 vẫn còn những khó khăn, thách thức từ lựa chọn SGK, số lượng và chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất đến tài chính... Triển khai Chương trình GDPT 2018 trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp lại càng khó hơn nên rất cần sự quyết tâm, nỗ lực của các nhà trường, toàn ngành GD&ĐT và địa phương.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=165747&title=no-luc-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018