Nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế xã hội
Sáng 16/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội (KT - XH), gồm: Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2021 - 2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
5/15 chỉ tiêu không đạt theo mục tiêu đề ra
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chủ động đồng hành và giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình KT - XH nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Đến hết tháng 9/2023, ước cả năm có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 68/2022/QH15. Có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra; Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể; Công nghiệp chế biến chế tạo từng được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong nhiều năm, hiện giờ suy giảm; Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả; Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn; Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; Thu ngân sách nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước; Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin và truyển thông, tín ngưỡng, tôn giáo còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Thẩm tra dự kiến Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả năm 2024 như Báo cáo của Chính phủ. Đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán NSNN, cân nhắc xây dựng dự toán thu NSNN tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã ban hành; chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Quyết liệt khắc phục những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực như công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, những dự án thua lỗ kéo dài, những ngân hàng, doanh nghiệp có vi phạm.
Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, khả năng tiếp cận, năng lực hấp thụ vốn và lao động. Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Về tình hình giữa kỳ thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam vẫn cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 8,02%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; lạm phát được kiểm soát; cơ cấu thu ngân sách tiếp tục được củng cố; bội chi giai đoạn 3 năm ước ở mức 3,6% GDP; các chỉ tiêu an toàn nợ công dự kiến đều trong giới hạn cho phép. Giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy; các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả tích cực.
Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô được điều hành linh hoạt; cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Môi trường đầu tư kinh doanh thay đổi tích cực; năng lực cạnh tranh được cải thiện. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả tốt. Nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ. Công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượngxây dựng và thi hành pháp luật được đẩy mạnh. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt. Vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá một số vấn đề: Cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; Chất lượng thu NSNN còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững; Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để; Công tác quy hoạch không đạt được các mục tiêu, yêu cầu tại Nghị quyết số 61/2022/QH15; Các doanh nghiệp sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh - sạch; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại còn chậm, nhất là giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng tại các đô thị lớn; Công tác phòng, chống dịch COVID-19 có thời điểm còn bị động, lúng túng; Chưa có nhiệm vụ, sản phẩm khoa học, công nghệ có tính đột phá, tính liên vùng; Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm…
Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng một số nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai chưa nhiều, chưa mang lại những thay đổi đáng kể, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển. Về kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, đề nghị bổ sung đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan việc dự kiến khó hoàn thành 13/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 48,1%). Việc thực hiện cơ cấu lại đầu tư công cũng bộc lộ một số bất cập, tiến độ giải ngân chậm, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng đến tính bền vững của kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công đến năm 2025.
Mặc dù tiến độ thu NSNN về tổng thể đạt khá, song chủ yếu là vượt thu tiền sử dụng đất, dầu thô, xổ số, đây là những khoản thu không ổn định, bền vững; vấn đề dự báo thu và chấp hành chi ngân sách cho đầu tư vẫn luôn là thách thức. Năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng còn hạn chế; tình trạng “sở hữu chéo”, tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp. Cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được ban hành đầy đủ, đồng bộ.
Một số quy định về quản lý KT - XH còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Nhiệm vụ phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực còn hạn chế.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước; có kế hoạch cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, trong đó ưu tiên vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế. Chính phủ đánh giá cụ thể kết quả cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính từ năm 2021 đến nay, đặc biệt là kết quả cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; hiệu quả của việc cắt, giảm thủ tục hành chính.
Cơ chế liên kết vùng chưa đi vào thực chất để hình thành không gian phát triển, phân bố hiệu quả nguồn lực trong vùng trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương. Cơ cấu lại các ngành kinh tế chưa phục hồi được tình trạng như trước dịch COVID-19; kết quả đạt được trong cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực chưa thật rõ nét, chưa có sự chuyển dịch về năng suất, chất lượng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy bày tỏ lo ngại, tính đến tháng 9 năm 2023, năng suất lao động mới chỉ tăng 4,8%, như vậy rất khó đạt được mục tiêu đề ra 5% - 6%. Các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế cũng đánh giá nếu chỉ tăng 1% năm suất sẽ tác động rất lớn đến tăng GDP. Chính phủ đã nhận diện nguyên nhân, giải pháp của tình trạng này, do vậy Chính phủ cần quan tâm thêm về chất lượng nguồn nhân lực, giúp năng suất, vốn, kỹ thuật công nghệ và năng lực quản trị phát triển. Bởi nguồn nhân lực là động lực nội sinh và cốt lõi của nền kinh tế, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đối với 3 đột phá chiến lược, hai yếu tố là thể chế và hạ tầng đã được triển khai tích cực và hiệu quả, nhưng nhân lực vẫn chưa có đột phá trong lĩnh vực này mặc dù đã được quan tâm. Vì vậy, Chính phủ cần nhận diện các điểm nghẽn để có giải pháp cụ thể, gắn với các chương trình, đề án, gắn với các giải pháp về khoa học, công nghệ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, để những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, không chỉ cần đổi mới phương pháp, cách làm, mà cần thiết kế các cơ chế đặc thù thiết thực, hiệu quả để đẩy mạnh việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng như các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thêm vào đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng báo cáo cần nêu rõ hơn nữa về những thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại thời gian qua đã tạo ra tác động quan trọng, tạo điều kiện đảm bảo quốc phòng, an ninh, đưa kinh tế, xã hội phát triển về nhiều mặt.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố niềm tin của nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đặc biệt ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, cần phòng ngừa những mầm mống phức tạp, nguy hại về an ninh trật tự. Cần chú trọng đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, trọng tâm là tạo sinh kế, hỗ trợ đất đai, nhà ở, giúp người dân có thu nhập ổn định, yên tâm với đời sống của mình.