Nỗ lực thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

Là huyện miền núi của tỉnh, Thanh Sơn có 32 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đại đa số với phần lớn là dân tộc Mường, còn lại là dân tộc Dao và các dân tộc thiểu số khác. Mỗi dân tộc đều giữ bản sắc riêng, song có sự giao thoa, đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương phát triển.

Chị Phan Thị Hồng Hạnh ở xã Hương Cần áp dụng kiến thức được tập huấn vào chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Chị Phan Thị Hồng Hạnh ở xã Hương Cần áp dụng kiến thức được tập huấn vào chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Mặc dù đã ra khỏi xã nghèo thuộc Chương trình 135, nhưng Hương Cần vẫn còn 2 khu được thụ hưởng chính sách của Chương trình 1719 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030) đó là khu Đá Cạn và khu Lịch 2. Hai khu này chủ yếu là người đồng bào dân tộc Mường và dân tộc Dao sinh sống sẽ được thụ hưởng một số dự án, tiểu dự án về đào tạo nghề, hỗ trợ cây, con giống và đầu tư hạ tầng...

Là một trong những học viên được tham gia lớp chăn nuôi lợn, gà ngắn hạn do Chương trình 1719 hỗ trợ, chị Phan Thị Hồng Hạnh ở khu Khoang cho biết: “Mình được đi học mới vỡ vạc ra nhiều cái như thực hiện khẩu phần ăn, chăm sóc dịch bệnh cho gà. Ngày trước chưa đi học thì cứ lấy thóc trong bồ, ngô trong bao ra cho gà, ngan, vịt ăn. Nay đươc hướng dẫn ngô phải xay vỡ hạt, thóc xát bỏ trấu, thì vật nuôi ăn vào mới hấp thụ được dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Rồi định kỳ phải tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi khỏe mạnh, phát triển, lớn nhanh...

Tiếp nối Chương trình 135 được triển khai có hiệu quả tại Thanh Sơn, Chương trình 1719 tiếp tục thực hiện đầu tư xây mới, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; nhân rộng mô hình giảm nghèo; tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở cho các xã đặc biệt khó khăn, xã CT229 ...Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, kinh tế - xã hội của huyện từng bước phát triển khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5% mỗi năm; thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 37,4 triệu đồng/năm. Đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Thanh Sơn ngày càng khởi sắc, từ đó rút ngắn khoảng cách với miền xuôi. Trong 5 năm qua đã có hàng chục nghìn người là đồng bào DTTS được đào tạo nghề, tạo việc làm mới và xuất khẩu lao động. Đội ngũ cán bộ là người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Đến nay, tỷ lệ người DTTS là cán bộ cấp huyện chiếm 39,5%, cấp xã 67,8%; đại biểu HĐND cấp huyện 41,94%, cấp xã 68,79%. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học vùng cao, vùng đồng bào DTTS được đầu tư, nâng cấp. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; nhiều học sinh người DTTS vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu học tập đạt nhiều thành tích cao.

Em Đỗ Tuấn Tài khu Pheo xã Yên Lãng là một trong những học sinh đang theo học lớp Công nghệ ô tô tại Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Thanh Sơn chia sẻ: “Lựa chọn học nghề tại đây, sau 2 năm, em sẽ có bằng Trung cấp nghề và có nhiều cơ hội việc làm”. Cùng với Đỗ Tuấn Tài, hàng chục nghìn con em người dân tộc thiểu số được hưởng chế độ hỗ trợ của Chính phủ theo Chương trình 1719 về Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực thuộc Dự án 5.

Học sinh là người DTTS được tạo điều kiện thuận lợi trong học tập tại Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Thanh Sơn.

Học sinh là người DTTS được tạo điều kiện thuận lợi trong học tập tại Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Thanh Sơn.

Không những trao “cần câu” cho đồng bào, tại Thanh Sơn có hàng chục nghìn người DTTS thuộc các xã vùng khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí và hưởng các dịch vụ y tế trong khám, chữa bệnh. Bản sắc văn hóa và phong tục truyền thống của đồng bào còn được gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị. Khi đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, đồng bào ngày càng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Điều này được thể hiện rõ nét qua Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” với nhiều kết quả khả quan.

Năm 2023, 52,5% hộ người DTTS được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 86,6% khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị đảm bảo các tiêu chí xây dựng cơ quan văn hóa; 263/263 khu dân cư có hương ước, quy ước. 5 năm qua, toàn huyện đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa 105 nhà văn hóa khu dân cư với tổng kinh phí trên 32 tỷ đồng. Hàng trăm thanh niên người DTTS lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Toàn huyện có gần 4.000 đảng viên là người DTTS, chiếm 50,58% đảng viên trong toàn huyện...

Thực hiện Chương trình 1719, huyện đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Từ năm 2021-2024, có 81 công trình giao thông, trường học, thủy lợi, y tế, văn hóa, nước sinh hoạt tập trung và sắp xếp bố trí ổn định dân cư được bố trí nguồn vốn. Huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác dân tộc trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS năm 2023 giảm 0,82%.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được đổi mới giúp người dân nắm bắt và hiểu được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng DTTS từng bước được xây dựng theo hướng đồng bộ.

Đến nay, 100% các xã trong huyện có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,6%, số hộ nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,5% trở lên; 100% xã có đông đồng bào DTTS có trường học, trạm y tế kiên cố...

Trong 5 năm qua, toàn huyện đã bầu chọn 1.253 lượt người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những già làng, trưởng bản, người uy tín đã nêu cao vai trò gương mẫu trong cộng đồng dân tộc; xóa dần những tập tục lạc hậu, phát huy giá trị tốt đẹp trong đời sống, xây dựng nếp sống văn hóa mới khu dân cư...

Đồng chí Phạm Tú- Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Công tác dân tộc luôn là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu được các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm giải quyết các vấn đề trọng tâm về lao động, việc làm, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội; ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội với các địa bàn đặc biệt khó khăn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; đồng thời lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc để đầu tư có hiệu quả các dự án, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào, giữ vững ANCT, TTATXH, củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước”.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/no-luc-thuc-hien-hieu-qua-cac-chinh-sach-dan-toc-219720.htm