Nỗ lực tìm đường xuất khẩu cho quả chuối Xuân Hòa

Do tình hình dịch Covid-19 phía Trung Quốc diễn biến phức tạp, hoạt động xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới việc xuất khẩu quả chuối trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, nhằm hạn chế thiệt hại, nông dân trồng chuối Xuân Hòa (Bảo Yên) đã chủ động kết nối với thương lái, tìm đầu mối xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn.

Gia đình anh Hầu Mìn Diu là một trong những hộ đầu tiên trồng chuối mô ở Xuân Hòa. Với 20.000 gốc chuối, gia đình anh đã đầu tư vào đây gần 2 tỷ đồng. Vụ đầu tiên trồng chuối chưa có nhiều kinh nghiệm, thời tiết diễn biến phức tạp khiến tỷ lệ cây sống thấp, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng, nay lại thêm khó khăn do xuất khẩu qua các cửa khẩu của Lào Cai ách tắc nên vụ này anh Diu cầm chắc thua lỗ. Hy vọng gỡ lại chút vốn liếng, anh chạy các nơi và may mắn tìm được một đầu mối thu mua chuối.

Anh Diu cho biết: Xuất khẩu qua đường Lạng Sơn, cước vận chuyển cao hơn và phải qua nhiều trung gian, nên giá bán tại vườn thấp, mất giá một nửa so với xuất khẩu trực tiếp qua các cửa khẩu tại Lào Cai.

Giá bán chuối tại cửa khẩu là 6.000 đồng thì nếu xuất qua cửa khẩu của Lào Cai thì thương lái sẽ mua với giá 5.000 đồng, tuy nhiên khi xuất khẩu qua cửa khẩu của Lạng Sơn thương lái chỉ mua với giá 2.000 đến 2.500 đồng tại vườn.

Thương lái thu mua chuối ở Xuân Hòa.

Thương lái thu mua chuối ở Xuân Hòa.

Xã Xuân Hòa hiện có khoảng 17 ha chuối, sản lượng chuối xã Xuân Hòa là 70 tấn, tập trung chủ yếu ở các bản đặc biệt khó khăn của xã là Mo 1, Mo 2, Mo 3. Đây là vụ thu hoạch chuối đầu tiên của nông dân nơi đây. Nhờ tìm được đầu mối xuất khẩu, đến nay, bà con đã thu hoạch và tiêu thụ được hơn một nửa sản lượng chuối trên địa bàn.

Dù còn nhiều nghi ngại khi đưa vào trồng nhưng qua đánh giá bước đầu, chất lượng quả chuối tương đương với các vùng chuối lớn của tỉnh ở các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng.

Quả chuối gặp khó khăn khi tìm đường xuất khẩu khiến người dân Xuân Hòa thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, điều đáng nói là nông dân địa phương không trông chờ vào sự hỗ trợ, giải cứu, mà chủ động tìm biện pháp khắc phục. Anh Hầu Mìn Diu cũng như nông dân trồng chuối Xuân Hòa hy vọng sau khi tình hình dịch Covid-19 phía Trung Quốc được kiểm soát, sản phẩm quả chuối xuất khẩu sẽ được thông quan thuận lợi. Anh Diu cho biết, vụ sau vẫn tiếp tục giữ ổn định diện tích trồng chuối. Do đã đầu tư kiến thiết từ vụ trước nên vụ sau, chi phí sẽ giảm và hy vọng từng bước gỡ lại chi phí.

Ông Lừu Pao Chớ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa cho biết: Chúng tôi cũng hy vọng các mô hình trồng chuối của nông dân thu được hiệu quả kinh tế để các hộ khác trên địa bàn học tập và mở rộng diện tích, tuy nhiên ngay vụ đầu tiên đã gặp nhiều trắc trở. Dù vậy, việc người dân mạnh dạn tự bỏ vốn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điều đang ghi nhận, khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Chớ cũng cho biết thêm, để khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, xã cũng tranh thủ lồng ghép từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước để hỗ trợ tối đa cho bà con. Cùng với đó, ưu tiên đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối đối với các vùng sản xuất hàng hóa để bà con thuận lợi trong việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản.

Việc xuất khẩu qua đường Lạng Sơn chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa xuất được qua cửa khẩu của Lào Cai. Năm 2021, có hơn 15 nghìn tấn chuối tươi của Lào Cai xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Người dân mong muốn cửa khẩu Kim Thành sớm thông quan trở lại và để bền vững hơn thì các nhà máy trong nước nâng cao năng lực chế biến, bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/357385-no-luc-tim-duong-xuat-khau-cho-qua-chuoi-xuan-hoa