Nỗ lực tìm hướng đi giữa 'thương chiến'

Trước sức ép bởi chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, các doanh nghiệp phải xác đinh nỗ lực duy trì sản xuất, vừa kiến nghị các giải pháp, cơ chế để trụ vững và tạo đà tăng trưởng.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cần đổi mới tư duy duy kinh doanh theo hướng dài hạn, bền vững, tích hợp các yếu tố môi trường-xã hội-quản trị (ESG) vào chiến lược kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng chuyển đổi số và xanh hóa; thượng tôn pháp luật, áp dụng chuẩn mực đạo đức kinh doanh...

Nói rõ thêm về những khó khăn của doanh nghiệp khi chính sách thương mại quốc tế thay đổi khó lường, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Huba) cho biết, trong giai đoạn từ năm 2022 -2023, Mỹ mở rộng điều tra chống bán phá giá, lẩn tránh thuế, EU công bố quy định CBAM về thuế carbon đối với hàng nhập khẩu gây ô nhiễm. Giai đoạn 2024-2025, với CBAM giai đoạn mới, doanh nghiệp Việt buộc kê khai phát thải CO₂. Dự báo năm 2026, CBAM chính thức áp thuế, đẩy chi phí tăng cao, chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan rộng hơn, đặt doanh nghiệp Việt vào thế cạnh tranh bất lợi nếu không cải cách kịp thời.

Doanh nghiệp cần phải tái định vị thị trường xuất khẩu và tìm kiếm các thị trường mới

Doanh nghiệp cần phải tái định vị thị trường xuất khẩu và tìm kiếm các thị trường mới

“Trong khi chi phí sản xuất tăng, yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe thì phải cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp cần liên kết thành chuỗi cung ứng, chia sẻ chi phí đầu vào, chuẩn hóa tiêu chí xanh, từ đó tạo giá trị bền vững thay vì cạnh tranh đơn lẻ”, ông Hòa khuyến nghị.

Bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Secoin cũng chia sẻ: “Hiện tại mỗi thị trường đều có những tiêu chuẩn khác nhau, yêu cầu khác nhau nhưng có điểm chung là cùng bắt buộc phải xanh hóa, do đó, doanh nghiệp đã đưa ra hướng chuẩn hóa để thích ứng. Đồng thời, củng cố lại nội bộ thông qua sử dụng hệ thống quản trị tinh gọn của Nhật Bản. Cuối cùng, sử dụng hiệu quả kênh thương mại điện tử để tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, bỏ qua khâu trung gian. Nhờ vậy, Secoin đã dần mở rộng thị trường và giảm chi phí xúc tiến thương mại”.

Còn ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Agtex cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm nguyên liệu thay thế, nhằm tránh những rủi ro từ chính sách thuế của Hoa Kỳ. Hiện đơn vị đang tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu thay thế từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và cả nguồn cung từ nội địa để giảm thiểu rủi ro.

Đề cập đến việc tăng cường năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp hiện đang bị tác động lớn từ chính sách thuế quan và bảo hộ của các nước. “Vì vậy, cần phải có những giải pháp hiệu quả cho thị trường xuất khẩu. Phải tái định vị thị trường xuất khẩu, nghĩa là tìm kiếm các thị trường mới”, bà Chi nhấn mạnh.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều doanh nghiệp đã hướng đến phát triển thị trường nội địa. Ông Nguyễn Thanh Tân, Chủ tịch BrainGroup, kiêm Giám đốc Chiến lược BrainMark Vietnam khẳng định, để chinh phục thành công thị trường nội địa đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược sản phẩm bài bản. Quá trình này đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc về thị trường và khách hàng mục tiêu.

Thị trường tiêu dùng nội địa có vai trò trụ cột, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung và được dự báo tăng trưởng mạnh. Ông Lê Kim Tú, Giám đốc điều hành Công ty Rạng Đông (Rando) cho biết, thị trường Việt Nam có dân số trẻ với xu hướng tiêu dùng ngày càng khắt khe và thông minh hơn. “Thế hệ Gen Z nổi lên như một lực lượng khách hàng chiến lược, định hình các xu hướng mới với sự ưu tiên cho trải nghiệm cá nhân hóa, mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment), mua sắm đa kênh (omnichannel) và tiêu dùng bền vững. Để chinh phục thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt cần chủ động đổi mới chiến lược, đặc biệt chú trọng đến nhóm khách hàng Gen Z”, ông Tú chia sẻ.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/no-luc-tim-huong-di-giua-thuong-chien-164670.html