Nỗ lực tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam

Cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ đang nỗ lực từng ngày trong hoạt động tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (Missing in Action, gọi tắt là MIA) đưa họ hồi hương.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau do chiến tranh gây ra vẫn còn thổn thức. Những người mẹ, người vợ, người con, dù ở phía Việt Nam hay phía Hoa Kỳ, vẫn ngày đêm ngóng trông người thân “trở về”. Hiểu được niềm mong mỏi đó, cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ đang nỗ lực từng ngày trong hoạt động tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (Missing in Action, gọi tắt là MIA) đưa họ hồi hương.

Tìm lại dấu xưa

Sau một chặng bay, đoàn công tác của chúng tôi có mặt tại một bãi đáp trực thăng nằm giữa cánh rừng nguyên sinh ở xã Thượng Tiến (thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cũ). Mỗi người được phát một chiếc gậy để tiếp tục đi bộ một chặng đường rừng. Anh Lê Trung Kiên - chuyên viên cơ quan MIA Bộ Ngoại giao, Đội trưởng đội khai quật 2, đợt MIA 157 chia sẻ: “Hiện trường ở rừng Thượng Tiến là một hiện trường chôn, người mất tích là một phi công Mỹ đã nhảy dù xuống đây, bị thương và tử vong, được người địa phương chôn năm 1967. Theo lời kể của nhân chứng, thì qua một số lần điều tra khảo sát trước đây, họ xác định được vị trí trên kia là khả dĩ nhất, có khả năng cao tìm được một manh mối nào đó”.

MIA Hiện trường hỗn hợp ở Hòa Bình

MIA Hiện trường hỗn hợp ở Hòa Bình

Với những hiện trường tìm kiếm hỗn hợp, tức là lực lượng tìm kiếm gồm cả hai bên, Việt Nam và Mỹ cùng tham gia, từ những thông tin được ghi chép trong hồ sơ kết hợp với thông tin của các nhân chứng, nhà nhân chủng học phía Mỹ sẽ khảo sát và bàn bạc với các chuyên gia phía Việt Nam nhằm đưa ra quyết định vị trí khoanh ô cũng như phương thức sàng lọc để tìm hài cốt.

Đất đá trong những ô khai quật được nhẹ nhàng xúc vào từng chiếc xô, nhân công của cả hai bên Việt - Mỹ đứng thành hàng, luân chuyển từng xô đất đến những chiếc sàng để tiến hành sàng lọc. Tại đây, các nhân công vừa sàng vừa quan sát, phân loại các vật thể. Đất cát, sỏi đá, cành cây được bỏ sang một bên, những vật thể nghi có liên quan đến vụ rơi máy bay như các mảnh vỡ máy bay, hay vật thể liên quan đến người mất tích như khuy áo, thẻ bài, xương… được để riêng sang một xô khác. Công đoạn này được làm rất cẩn thận, tỉ mỉ, lúc cào đất ra phải nhẹ nhàng vì xương có thể bị phân hủy thêm và phải nhìn thật kỹ để không bỏ sót một vật thể nào. Một mảnh xương nhỏ, một chiếc răng, một chiếc dây đồng hồ, một chiếc thẻ bài, thậm chí chỉ là một chiếc khuy áo cũng có thể giúp nhận diện một con người. Và nhờ đó, rất có thể, một người sẽ được “trở về” nhà…

MIA Ô khai quật ở Hòa Bình

MIA Ô khai quật ở Hòa Bình

Trở lại Trường Sơn

Sau hơn 30 phút bay bằng trực thăng, chúng tôi đáp xuống một sườn núi ở phía Tây dãy Trường Sơn thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình (cũ). Từ trên cao, lán trại của đội MIA được che bạt màu xanh trông như chiếc nấm nằm lọt thỏm giữa cánh rừng nguyên sinh. Một người đàn ông mặc bộ đồ đi rừng, chân đeo ủng, đội mũ có quấn mạng vén lên trông như người rừng niềm nở đón chúng tôi. Đó là Đại tá Trương Hồng Thái - chuyên viên cơ quan MIA Bộ Quốc phòng, hiện là đội trưởng một đội tìm kiếm tại hiện trường này.

Mỗi người một chiếc gậy, chúng tôi theo chân đội trưởng Thái trèo đèo, lội suối hơn 1 giờ đồng hồ mới đến hiện trường. Những mảnh vỡ của máy bay và các loại đầu đạn pháo tìm thấy tại hiện trường cho thấy, đây là khu vực xảy ra vụ rơi máy bay năm xưa. Dấu tích của chiến tranh đã thấy, song việc tìm kiếm hài cốt khó hơn gấp trăm ngàn lần bởi nhiều yếu tố như độ lùi thời gian quá xa hoặc tình trạng khi máy bay và phi công rơi xuống.

MIA Sàng nước ở hiện trường hỗn hợp Hòa Bình

MIA Sàng nước ở hiện trường hỗn hợp Hòa Bình

Khó khăn chồng chất đòi hỏi các chuyên viên phải kiên trì, bền bỉ. Trong những cánh rừng sâu, các đội tìm kiếm phải dựng lán trại, ăn ngủ lại giữa rừng, nắng mưa thất thường, rừng thiêng nước độc. Đại tá Trương Hồng Thái chia sẻ: “Có những hiện trường, chúng tôi đi cả ngày trời mới tới nơi, tối không có nước, phải căng bạt để hứng sương lấy nước sinh hoạt. Vì làm trên đỉnh núi, phải gùi nước lên, hết nước phải căng bạt hứng”. Không chỉ phải hứng nước, sóng điện thoại nhiều khi cũng phải hứng. Ông Thái cho biết thêm: “Trước đây, chúng tôi mượn được điện thoại vệ tinh của các phi công để tiện liên hệ, đứng chỗ sân bay đấy là gọi được. Nhưng lần này điện thoại vệ tinh bị hỏng nên phải dùng chiếc điện thoại 2G, tôi phải chạy hơn 1 cây số, trèo lên cây để đón sóng, mà cũng phải một lúc lâu mới có sóng”.

Khó khăn vì hiện trường tìm kiếm hầu hết ở những nơi hiểm trở, heo hút. Tuy nhiên, khó khăn khách quan đôi khi dễ khắc phục hơn những rào cản trong lòng người. Ông Lê Công Tiến - Phó Vụ trưởng vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao, Giám đốc cơ quan Việt Nam tìm kiếm Người mất tích cho biết về những khó khăn trong thời gian đầu thực hiện hoạt động nhân đạo này: “Thách thức lớn nhất đối với hợp tác MIA Việt Mỹ thời kỳ đầu chính là xây dựng đồng thuận nội bộ các cấp ở phía Việt Nam về vấn đề MIA. Khi đó, chiến tranh mới chấm dứt trên chục năm, hậu quả và di chứng còn rất nặng nề. Từ các lãnh đạo cao nhất đến lãnh đạo chuyên viên các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đặc biệt là các cựu chiến binh và người dân chịu nhiều mất mát trong chiến tranh đã phải vượt qua nỗi đau của chính mình, gia đình mình, họ hàng làng xóm của mình để hợp tác, chọn sự bao dung để đối diện với những mất mát từ quá khứ”.

Nhà nhân chủng học người Mỹ giới thiệu về hiện trường

Nhà nhân chủng học người Mỹ giới thiệu về hiện trường

Đảng và Nhà nước ta nhất quán ngay từ đầu coi hoạt động MIA là hoạt động thuần túy, nhân đạo, không gắn với một điều kiện chính trị nào. Hơn 50 năm công tác tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam trong chiến tranh đã khẳng định tinh thần nhân đạo, thiện chí của Chính phủ Việt Nam trong giải quyết các vấn đề chiến tranh.

Hoa nở bên những dòng tên

Giữa lòng Thái Bình Dương, có một nơi rất đặc biệt, đó là nghĩa trang tưởng niệm Quốc gia Thái Bình Dương ở Hawai. Tại đây, tên của những người mất tích sau chiến tranh được khắc lên đá cẩm thạch. Và theo quy ước, khi mỗi quân nhân được tìm thấy hài cốt, người ta sẽ gắn lên cạnh dòng tên của quân nhân đó một chiếc huy hiệu nhỏ hình bông hoa bằng đồng để thể hiện người này đã được tìm thấy và trở về.

Vừa qua, chị Corney - một người phụ nữ mới nhận được hài cốt của cha mình sau hơn 50 năm chờ đợi. Chiếc huy hiệu hình hoa hồng đã được gắn lên cạnh dòng tên của cha chị. Câu chuyện về chị được Trung tá Travis Walter Ray, Chỉ huy trưởng Phái bộ 2 - Cơ quan Kiểm kê Tù binh và Người mất tích trong chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam xúc động kể lại: “Bố của chị Corney sang Việt Nam tham gia cuộc chiến khi chị mới được mấy tháng tuổi. Và từ đó, chị ấy chưa một lần gặp lại bố của mình. Hôm nhận hài cốt của bố, chị Corney đã bật ra tiếng gọi “Bố ơi!”. Chị ấy nói rằng, chị ấy đã chờ đợi hơn 50 năm để được gọi một tiếng bố ơi như thế! Vậy là sau hơn 50 năm chờ đợi, chị đã được đón bố trở về”. Hơn nửa thế kỷ chờ đợi để vòng tay được khép lại…

Cơ quan MIA VVN trong một chuyến công tác

Cơ quan MIA VVN trong một chuyến công tác

Để có thêm những huy hiệu hình hoa bằng đồng được gắn lên những dòng tên và để những vòng tay dang rộng mỏi mòn chờ đợi người thân trở về được khép lại, hoạt động tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh Việt Nam sẽ còn tiếp tục với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ. Hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc mà còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, xây dựng lòng tin và thúc đẩy quan hệ, nhất là khi hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Tính đến tháng 4/2025, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thực hiện được 158 đợt MIA hỗn hợp. Gần 1.000 bộ hài cốt được trao trả, hồi hương giúp Hoa Kỳ xác định danh tính cho hơn 730 trường hợp quân nhân nước này mất tích tại Việt Nam.

CTV Minh Hương - Ngọc Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/no-luc-tim-kiem-hai-cot-quan-nhan-my-mat-tich-trong-chien-tranh-viet-nam-post1217553.vov