Nỗ lực trên mọi mặt công tác, tạo chuyển biến tích cực cho giao thông Thủ đô

Chiều 17/1, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn; đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng nhiều sở, ngành thuộc thành phố Hà Nội...

Giao thông có nhiều chuyển biến

Theo Sở GTVT Hà Nội, thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội và sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, hầu hết các mặt công tác trong năm 2023 của Sở GTVT Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch.

Cụ thể, trong công tác chỉ đạo, điều hành Sở GTVT Hà Nội đã có nhiều đổi mới, quyết liệt; các mặt hoạt động được triển khai có trọng tâm, trọng điểm được thể hiện thông qua 8 báo cáo chuyên đề đối với lĩnh vực ngành của Sở GTVT Hà Nội và đã được UBND Thành phố ghi nhận và đánh giá cao.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Công tác cải cách hành chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, Sở GTVT đã thường xuyên rà soát, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; tích cực vận động, khuyến khích, hướng dẫn khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính tích hợp Cổng Dịch vụ Quốc gia; đẩy mạnh triển khai ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính theo chủ trương, định hướng của Chính phủ và UBND Thành phố.

Qua đánh giá, năm qua Sở GTVT Hà Nội đã thụ lý 374.097 hồ sơ thủ tục hành chính (234.503 hồ sơ nộp trực tuyến và 139.594 hồ sơ nộp trực tiếp). Trong đó, Sở đã giải quyết đúng hạn 373.896 hồ sơ; phê duyệt và ban hành 16.503 văn bản hành chính; tổ chức 418 cuộc họp để thảo luận chương trình, kế hoạch, nội dung công tác; giải quyết được 36/39 đơn thư phản ánh.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường thông tin về phương hướng, nhiệm vụ Sở GTVT Hà Nội triển khai trong thời gian sắp tới.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường thông tin về phương hướng, nhiệm vụ Sở GTVT Hà Nội triển khai trong thời gian sắp tới.

Tổng thu ngân sách của Sở GTVT Hà Nội đạt 96,11%; giải ngân ước đạt 99,38% kế hoạch vốn; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 19,5%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đúng và trước hạn đạt 99,99%; tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 61,6%.

Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án lớn, Sở GTVT cùng với Sở Xây dựng là 2 cơ quan chuyên môn về xây dựng được UBND Thành phố giao là đơn vị nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Theo đó, Sở GTVT đã tập trung, tích cực triển khai thực hiện và là một trong những đơn vị hoàn thành sớm và trình UBND Thành phố báo cáo HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trao Bằng khen của UBND Thành phố cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của Sở GTVT Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trao Bằng khen của UBND Thành phố cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của Sở GTVT Hà Nội.

Trong năm 2023, nhiều dự án quan trọng, hạ tầng giao thông khung của Thành phố được khởi công đầu tư xây dựng (Đường Vành đai 4; Tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; Tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình…);

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã đưa vào khai thác, sử dụng các công trình giao thông góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố như: Đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng – cầu Vĩnh Tuy; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Hầm chui Lê Văn Lương…

Hiện đại hóa hạ tầng giao thông Thủ đô

Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực Sở GTVT Hà Nội triển khai thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: Sở GTVT Hà Nội đã cơ bản đáp ứng được những mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt đã thẳng thắn, nhận diện toàn diện các vấn đề của ngành GTVT thông qua 8 chuyên đề. Làm rõ được các tồn tại, từ đó đưa ra các giải pháp, đề xuất kiến nghị UBND thành phố nhằm giải quyết các khó khăn, tồn tại đã lâu.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường trao tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2023 do Chủ tịch UBND Thành phố ký cho các cá nhân tiêu biểu.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường trao tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2023 do Chủ tịch UBND Thành phố ký cho các cá nhân tiêu biểu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng gợi mở, năm 2024 Sở GTVT Hà Nội cần chủ động, bám sát tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị Quyết đảng bộ Thành phố, các chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố. Tham mưu UBND Thành phố trong việc đề xuất các chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện nhằm giúp cho ngành giao thông vận tải Thủ đô vượt qua những thách thức khó khăn hiện nay, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững hơn trong đầu tư phát triển hạ tầng, vận tải (đặc biệt chú trọng phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh)…

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, năm 2024, Sở GTVT Hà Nội đề ra một số mục tiêu quan trọng như: Nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng lên từ 22 - 25%; giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao; không để ùn tắc giao thông kéo dài quá 30 phút, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên tất cả các tiêu chí.

Các đại biểu tham gia hội nghị.

Các đại biểu tham gia hội nghị.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng nhấn mạnh, bước sang năm 2024, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên của Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục hướng đến những mục tiêu lớn hơn vì một Thủ đô văn minh, hiện đại.

Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy ban hành chỉ thị về phát triển đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị; đồng thời ban hành Kế hoạch thực hiện chỉ thị để thực hiện mục tiêu đặt ra. Phối hợp cùng các cơ quan liên quan tham mưu UBND Thành phố, hoàn thành Luật Thủ đô (sửa đổi); rà soát điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/no-luc-tren-moi-mat-cong-tac-tao-chuyen-bien-tich-cuc-cho-giao-thong-thu-do-165125.html