Nỗ lực ứng phó bão – Tâm điểm tranh cãi trong mùa bầu cử Mỹ
Chỉ trong vòng 2 tuần, khu vực miền Nam nước Mỹ phải hứng chịu 2 siêu bão liên tiếp đổ bộ là bão Helene và Milton. Thiên tai là không tránh khỏi, nhưng thời điểm xảy ra các cơn bão lại vào những tuần cuối của cuộc đua vào Nhà Trắng, và do đó trở thành một chủ đề để các ứng viên nhắm sự chỉ trích vào nhau.
Thời gian qua, ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump thường xuyên chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden và ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris không kịp thời khắc phục hậu quả bão lũ tại các tiểu bang trên khắp Bờ Đông, đồng thời cáo buộc Nhà Trắng đang “sử dụng tiền quỹ cứu trợ cho dân Mỹ để phục vụ dân di cư”.
Còn đối với bà Kamala Harris, nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão là cơ hội để bà thể hiện sự đồng cảm với các nạn nhân và khả năng quản lý khủng hoảng. Nhưng nếu phạm phải bất kỳ sai lầm hay thất bại nào, Phó Tổng thống có thể bị ảnh hưởng nặng nề và không thể khắc phục, đặc biệt khi có những luồng thông tin sai lệch nhắm tới bà. Do đó, bà đã đi trước một bước và phủ nhận điều đó.
Cùng lúc đó, Tổng thống Biden cũng đứng trước sức ép khi phải xử lý tình trạng khẩn cấp quốc gia, có thể là lần cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông. Tính cấp bách được cảm nhận rõ ràng hơn khi ông hoãn chuyến công du Đức và Angola để chỉ đạo ứng phó bão Milton. Ông Biden cũng lên tiếng chỉ trích kịch liệt ông Trump vì đưa ra loạt thông tin sai lệch về cách Nhà Trắng phản ứng bão Helene và sự chuẩn bị cho siêu bão Milton.
Hiện còn quá sớm để biết liệu những cơn bão có tác động đáng kể đến cuộc bầu cử hay không, nhưng chiến dịch của 2 ứng viên đã bắt đầu cân nhắc về khả năng thay đổi cục diện ở các bang bị bão tàn phá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những tranh cãi chính trị về nỗ lực chống bão có thể phản tác dụng đối với cả 2 ứng viên.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!