Nỗ lực ứng phó với khô hạn
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa khô năm nay nắng nóng gay gắt kéo dài, dẫn đến khô hạn và xâm nhập mặn, làm ảnh hưởng đến sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân.
Nhiều diện tích thiếu nước tưới
Cánh đồng rộng khoảng 40ha ở thôn Bàn Thạch, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) hiện đang trong tình trạng khô khốc do thiếu nước. Ngay giữa cánh đồng có tuyến kênh bê tông nhưng trơ đáy. Nhiều ao nước ở cạnh đó cũng cạn khô, một vài ruộng dưa hấu thiếu nước tưới. “Không có nước nên cánh đồng bị bỏ hoang. Người dân thấy tiếc nên “mót” nước ở ao bên cạnh để trồng dưa, nhưng nắng nóng kéo dài khiến ao cạn, dưa héo”, ông Trần Văn Thanh, ở thôn Bàn Thạch thở dài.
Theo người dân ở thôn Bàn Thạch, cánh đồng nói trên vẫn xanh mướt lúa trong vụ đông xuân. Sang hè thu, hạn hán cộng với hồ chứa Bàu Đen đang được đầu tư xây dựng nên không cấp nước, khiến cánh đồng trở nên cằn cỗi. Mạch nước ngầm cũng cạn, giếng nhà dân vì thế cũng có lúc cạn nước. Nhiều giếng khoan sâu hơn 80m cũng trơ đáy mỗi khi nắng nóng cao điểm và kéo dài, hoặc nếu có nước thì nhiễm phèn. Vậy nên sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây gặp khó khăn.
Tại các xã Bình Hải, Bình Trị, Bình Tân Phú (Bình Sơn), những địa phương nằm ở cuối nguồn tưới của các hồ chứa nước, hiện nay có nhiều diện tích lúa và hoa màu thiếu nước tưới. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú Nguyễn Văn Phúc cho biết, tình trạng thiếu nước xảy ra nghiêm trọng nhất ở thôn Diên Lộc với 25ha ruộng bị nứt nẻ, lúa khô quắt. UBND xã đã trích kinh phí để khoan 2 giếng, người dân cũng nỗ lực tìm nguồn nước bằng cách đóng giếng, sắm máy bơm, bắt ống nhựa để bơm nước từ các hồ, đập bổi vào các cánh đồng. Tuy nhiên, nước quá ít, chỉ đủ tưới ướt mặt ruộng. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, không những lúa, hoa màu chết héo, mà người dân cũng sẽ thiếu nước sinh hoạt.
Còn ở khu vực miền núi, nắng nóng cũng khiến người dân gặp khó khăn trong đời sống sinh hoạt và sản xuất vì thiếu nước. Tại các xã Sơn Long, Sơn Dung (Sơn Tây), nhiều hộ dân vừa “mót” nước suối, vừa phải dùng ké giếng khoan của nhau nhưng vẫn không đủ phục vụ sinh hoạt gia đình, chăn nuôi gia súc.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Mỗi vụ hè thu, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn héc ta đất sản xuất bị bỏ hoang vì thiếu nước. Năm 2023, dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino tăng cao bất thường. Chính vì vậy, ngay từ đầu vụ hè thu 2023, Sở NN&PTNT cùng với chính quyền các địa phương chú trọng lựa chọn các loại cây trồng có khả năng chịu hạn cao, để khuyến cáo người dân thay thế cho cây lúa.
Tại xã Đức Phú (Mộ Đức), nhiều diện tích sản xuất lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác phù hợp, chịu được khô hạn. Phía hạ lưu hồ Mạch Điểu năm nay không còn cảnh đồng khô cỏ cháy, mà đã được thay thế bằng những ruộng hoa màu, vườn cây ăn quả xanh mướt. Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú Nguyễn Giáp Thìn cho biết, tại những vùng có nguy cơ hạn hán, chính quyền địa phương tích cực vận động người dân chủ động chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, cũng như có khả năng chịu hạn cao. Vụ hè thu 2023, trên địa bàn xã có 128ha diện tích lúa kém hiệu quả được người dân chuyển sang trồng các loại hoa màu và cây trồng khác. Nhiều hộ đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tại các xã Bình Trị, Bình Hòa (Bình Sơn), nhiều diện tích lúa kém hiệu quả cũng được người dân chuyển sang trồng dưa lưới, dưa hấu mang lại thu nhập khá. Ông Nguyễn Văn Trung, ở xã Bình Hòa cho biết, ruộng chân cao, nước tưới bấp bênh nên tôi chỉ làm lúa vụ đông xuân, còn vụ hè thu trồng dưa lưới, vụ thu đông sản xuất hoa màu. Việc thâm canh xen vụ vừa giảm thiệt hại do hạn hán, vừa cải tạo đất, giúp tiết kiệm nước và chi phí đầu tư. Hiệu quả kinh tế bình quân sau chuyển đổi cây trồng tăng từ 20-30% so với trước, giúp gia đình có thêm thu nhập.
Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế và khả năng chịu hạn cao là giải pháp chống hạn hiệu quả mà chính quyền và nông dân trên địa bàn huyện Bình Sơn hướng đến. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, các diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần giảm áp lực cấp nước trong mùa nắng nóng, nhất là tại các xã thường xuyên bị thiếu nước tưới và sinh hoạt như xã Bình Minh, Bình Tân Phú, Bình Hòa, Bình Trị... Vì vậy, cùng với việc định hướng, lựa chọn cây trồng phù hợp và tương ứng với diện tích để đảm bảo sự ổn định và bền vững, huyện sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hộ tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm. Qua đó, góp phần giảm nhu cầu sử dụng nước, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: MỸ HOA
Áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm
Trước tình trạng nắng nóng dẫn đến khô hạn, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã chủ động triển khai các biện pháp để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.
Hiện nay, mực nước bình quân của 22 hồ chứa do công ty quản lý và khai thác hiện chỉ còn 46,4%. Trong đó, mực nước tại các hồ Sở Hầu, Cây Sanh, Huân Phong (TX.Đức Phổ) chỉ còn từ 19 - 22%; hồ Hóc Sầm, Mạch Điểu (Mộ Đức) chỉ còn 12 - 17%. Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi Hà Thế Vinh cho biết, công ty đã áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, gắn với vận hành hiệu quả các công trình đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất đến cuối vụ hè thu 2023.
Từ giữa tháng 6/2023, công ty đã triển khai thực hiện việc cấp nước luân phiên trên kênh chính Nam sông Vệ (thuộc hệ thống Thạch Nham); đồng thời điều tiết nguồn nước từ hồ Núi Ngang để tiếp cho kênh chính Nam sông Vệ qua kênh chìm Suối Muôn - Bà Nhuận. Qua đó đảm bảo nước cấp phục vụ sản xuất cho các khu vực phía bắc sông Trà Câu và một số địa phương thuộc địa bàn TX.Đức Phổ. Ngoài ra, công ty phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thủy điện trong việc vận hành liên hồ chứa đúng quy định, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất...
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202307/no-luc-ung-pho-voi-kho-han-e3f7ac9/