Nỗ lực vượt khó trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Hạ Hòa gặp khó khăn nhất định do một số ngành hàng, sản phẩm truyền thống thiếu đơn hàng, lượng hàng tồn kho tăng. Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, huyện đã đồng hành, thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện hiện có 127 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã (HTX), trên 550 hộ cá thể với những ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ yếu: Chế biến gỗ, lâm sản, tre, băm dăm, than viên nén; sản xuất giấy; chế biến chè; may mặc; khai thác cát; gia công đồ sắt...
Các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ và vừa, đa số sử dụng lao động tại chỗ, tạo việc làm cho khoảng 9.700 lao động, thu nhập bình quân trên 6,5 triệu đồng/người/tháng. Do ảnh hưởng của cạnh tranh thương mại toàn cầu và chính sách bảo hộ thương mại ở các thị trường lớn; sự đứt gãy hoạt động thương mại đã tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, nhất là chế biến gỗ. Tính đến hết quý III, lượng hàng tồn kho của các cơ sở còn trên 3.000m3 ván ép, trên 10.000m3 ván bóc.
Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, UBND huyện tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất, kinh doanh nhằm trao đổi, lắng nghe ý kiến, nắm bắt vấn đề liên quan đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ, tiêu thụ hàng hóa và thực hiện các thủ tục hành chính.
UBND huyện phối hợp với Sở Công thương tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền, hỗ trợ xuất khẩu ngành hàng gỗ năm 2023 vào thị trường châu Á, châu Phi cho doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh; triển khai, phổ biến, hướng dẫn các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các doanh nghiệp có mặt hàng xuất, nhập khẩu; đặc biệt là về các nghiệp vụ xuất, nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Các giải pháp đồng bộ đã góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Năm 2023, doanh thu từ chế biến gỗ, lâm sản đạt trên 2.880 tỉ đồng. Sản lượng gỗ bóc ước đạt gần 358.000m3; ván ép trên 276.000m3; chế biến dăm gỗ, viên nén trên 200.000 tấn... Sản lượng giấy đạt trên 20.600 tấn, doanh thu hơn 215 tỉ đồng. Sản lượng chè chế biến đạt 7.150 tấn; sản lượng may mặc đạt trên 6,6 triệu sản phẩm.
Công ty TNHH MTV Ánh Dương Phú Thọ, xã Gia Điền chuyên sản xuất ván ép, gỗ bóc. Từ cuối năm 2022 đến nửa đầu năm 2023 đơn hàng của Công ty sụt giảm mạnh và bắt đầu từ quý III/2023 mới có dấu hiệu hồi phục.
Ông Phạm Thanh Tùng - Giám đốc Công ty cho biết: “Trong quá trình hoạt động, Công ty nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị chức năng của huyện trong tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, thuế, công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động, Luật Lao động, công tác phòng cháy chữa cháy... Từ khoảng tháng Bảy đến nay, thị trường xuất khẩu gỗ bắt đầu có những tín hiệu tích cực trở lại, sản lượng trung bình của chúng tôi khoảng trên 600m3/tháng. Trước đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, Công ty sẽ phải nghiên cứu đầu tư máy móc có tính đa năng, thay thế nhiều công đoạn trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành”.
Thời gian tới, huyện tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện xây dựng dự án Cụm công nghiệp Đồng Phì phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Khi Cụm công nghiệp đi vào hoạt động sẽ tạo lợi thế trong thu hút các dự án công nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đồng thời tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, tín dụng; ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, ít ảnh hưởng đến môi trường. Quan tâm, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể có quy mô lớn chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp, tạo cơ hội trong mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động, thị trường tiêu thụ và tận dụng tốt hơn các cơ hội kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.