Nỗ lực xây dựng huyện Triệu Phong đạt chuẩn nông thôn mới
Những ngày này, cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Triệu Phong vui mừng khi biết tin ngày 15/8/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký Bằng công nhận huyện Triệu Phong đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là kết quả từ sự nỗ lực của huyện Triệu Phong sau 13 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM.
Triển khai xây dựng NTM với quyết tâm cao
Thời gian qua, bám sát các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về xây dựng NTM, huyện Triệu Phong kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch, trong đó có Nghị quyết số 04 ngày 10/5/2011 của Huyện ủy về xây dựng NTM huyện Triệu Phong giai đoạn 2011- 2015; Kết luận số 02 ngày 28/4/2016 của Huyện ủy, khóa XIX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04 của Huyện ủy khóa XVIII về xây dựng NTM huyện Triệu Phong để thực hiện...
Để đạt được mục tiêu đề ra, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Triệu Phong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã rà soát, đánh giá hiện trạng theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, xây dựng quy hoạch và đề án xã NTM theo quy định làm căn cứ triển khai thực hiện.
Từ đó yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng NTM vào kế hoạch công tác hằng tháng, quý, 6 tháng, năm cũng như lồng ghép vào kế hoạch hoạt động của các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện để triển khai.
Quá trình thực hiện, huyện Triệu Phong định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Huyện cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng NTM huyện và kiện toàn qua các năm. Để thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho ban chỉ đạo, huyện Triệu Phong thành lập Văn phòng Điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM huyện.
Cấp xã cũng thành lập ban quản lý chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025; 100% thôn thành lập ban phát triển để thực hiện. Ban chỉ đạo huyện, ban quản lý xã kịp thời ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyên đề giai đoạn, hằng năm, quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ. Từ đó cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với lộ trình, giải pháp phù hợp về xây dựng NTM.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, huy động nguồn lực được quan tâm triển khai. Từ năm 2011 đến nay, Ban chỉ đạo huyện, Văn phòng Điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM huyện chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tổ chức tập huấn, đưa các đoàn tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng NTM ở nhiều địa phương trong nước để nghiên cứu, lựa chọn mô hình hay, cách làm sáng tạo vận dụng vào địa phương của mình.
Tính đến cuối năm 2023, huyện Triệu Phong đã huy động được 1.608.131,8 triệu đồng để xây dựng NTM; trong đó vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 181.265,1 triệu đồng, chiếm 11,3%, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 47.237,7 triệu đồng, chiếm 2,9%, vốn cộng đồng dân cư 67.827 triệu đồng, chiếm 4,2%, còn lại vốn ngân sách huyện, xã, doanh nghiệp, vốn lồng ghép các chương trình và vốn tín dụng.
Điều đáng ghi nhận nữa là trong quá trình triển khai xây dựng NTM, huyện Triệu Phong đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn nhưng không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Nền kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc
Vào thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng NTM, trung bình toàn huyện mới đạt 4,6 tiêu chí/xã. Việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của huyện gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế đạt thấp, kết cấu hạ tầng KT-XH còn yếu, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 10,2 triệu đồng/năm, hộ nghèo chiếm 23,11%. Đặc biệt, với đặc thù là huyện thuần nông nhưng sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, hạn chế sức cạnh tranh trên thị trường, trong lúc đó một số tổ hợp tác và hợp tác xã hoạt động còn yếu, chậm được củng cố.
Công nghiệp, dịch vụ phát triển chậm, tăng trưởng bình quân mới đạt 10,8-11%/năm, cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ chiếm tỉ lệ nhỏ 46,6% chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, sản xuất chưa gắn tốt với thị trường, ngành nghề kém phát triển, chưa giải quyết tốt vấn đề tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
Cùng với đó, cơ sở vật chất một số trường học còn thiếu, chất lượng giáo dục tuy được nâng lên nhưng chưa đồng đều, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động; y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tuy ổn định nhưng có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp. Một bộ phận người dân do chưa nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng NTM nên chưa tích cực tham gia, chưa phát huy được vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Một số xã còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại từ nguồn đầu tư từ ngân sách, còn chồng chéo trách nhiệm giữa các cấp, ngành...
Để sớm hoàn thiện các tiêu chí NTM, huyện Triệu Phong xác định nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Từ đó ưu tiên bố trí nguồn lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và bán ra thị trường. Trong quá trình triển khai, các địa phương chú trọng nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng NTM.
Theo đó, các xã vùng gò đồi phát triển cây công nghiệp, cây lấy gỗ kết hợp trồng hoa màu, cây lương thực và phát triển kinh tế trang trại. Các xã vùng đồng bằng và thị trấn Ái Tử đẩy mạnh nâng cao năng suất, sản lượng cây lúa, trong đó phát triển diện tích lúa chất lượng cao chiếm trên 80%. Các xã phía Đông huyện nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị triển khai giải pháp phát triển công nghiệp-TTCN, dịch vụ, du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Về phía huyện, tập trung đầu tư hạ tầng hai cụm công nghiệp là Cụm công nghiệp Đông Ái Tử và Cụm công nghiệp- làng nghề Ái Tử. Đến nay, Cụm công nghiệp Đông Ái Tử đã thu hút được 22 doanh nghiệp đầu tư các ngành nghề như may mặc, chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất thiết bị điện- điện tử, sản xuất khí công nghiệp. Tỉ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp đạt 100%, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động ở địa phương.
Trên lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục không ngừng phát triển. Đến nay, toàn huyện có 40/42 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 95,2%. Mạng lưới y tế đã được xây dựng từ huyện đến xã, trong đó có Trung tâm y tế huyện với 2 cơ sở, 18 trạm y tế xã, thị trấn. Hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sử dụng của Nhân dân...
Với cách làm đó, trong những năm gần đây, nền kinh tế của huyện đã đạt được mức tăng trưởng khá, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2020 là 10%/năm, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tăng 8,5%/năm, giai đoạn 2016- 2020 11,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện năm 2023 đạt 13,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 68,44 triệu đồng. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,2%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 29,8%, tạo việc làm mới cho 3.250 người, trong đó xuất khẩu lao động 431 người. Tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 còn 3,34%, hộ cận nghèo 3,84%.