Nỗ lực xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại (cuối)

Kỳ cuối: Quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị

Bằng những hành động cụ thể, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác CCHC của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước, chỉ số CCHC của Phú Yên vẫn chưa theo kịp mức trung bình, chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Điều này, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa.

Đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ, giải pháp đột phá, cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Chuyển đổi số (CĐS) là vấn đề tất yếu, vô cùng quan trọng trong thời đại 4.0, là chìa khóa để tỉnh cải cách nền hành chính nhà nước theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả. Tỉnh chủ trương đẩy mạnh xây dựng chính quyền số theo hướng nâng cao hiệu quả, hiệu suất thực thi công vụ, lành mạnh hóa nền hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, góp phần thay đổi tác phong, lề lối làm việc, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy công quyền.

UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề CCHC năm 2024 để lắng nghe, đúc kết những giải pháp tốt nhằm nâng cao chỉ số CCHC trong thời gian đến. Ảnh: THÙY THẢO

UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề CCHC năm 2024 để lắng nghe, đúc kết những giải pháp tốt nhằm nâng cao chỉ số CCHC trong thời gian đến. Ảnh: THÙY THẢO

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Lê Tỷ Khánh, hiện tại ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đã được triển khai đến 100% đơn vị cấp xã, từng bước đáp ứng tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ, CCHC, đảm bảo liên thông văn bản điện tử 4 cấp. 100% đơn vị sở, ngành, UBND cấp huyện, xã triển khai phần mềm quản lý tài chính kế toán, hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc. Toàn tỉnh đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến liên thông đến cấp xã trong giải quyết TTHC giúp rút ngắn thời gian xử lý, tăng tính minh bạch; cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự chung tay của các cấp, ngành.

Điểm sáng nữa trong thời gian qua là việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, đạt được nhiều kết quả, nhất là việc quản lý công dân thông qua căn cước gắn chíp điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo đơn vị thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nhờ đó, việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Tỉ lệ hồ sơ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đối với 11/25 dịch vụ công thiết yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh đạt tỉ lệ cao, trong đó có một số thủ tục đạt tỉ lệ 100%. Đối với 2 nhóm dịch vụ công liên thông đạt tỉ lệ 100%. Công an tỉnh cũng đã triển khai sáng kiến CCHC “Khi dân cần, khi dân khó, có công an hỗ trợ thực hiện dịch vụ hành chính công”; nghiên cứu, chạy thử nghiệm thành công phần mềm số hóa hồ sơ, tài liệu trong ngành Công an...

Cần giải pháp căn cơ

Theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh các kết quả đạt được, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại đến từ những nguyên nhân chủ quan trong chính cơ quan quản lý nhà nước, đội ngũ công chức, viên chức trong thực hiện công tác CCHC, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công.

Sở TT&TT tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cho công dân thực hiện giải quyết TTHC qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: THÙY THẢO

Sở TT&TT tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cho công dân thực hiện giải quyết TTHC qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: THÙY THẢO

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch về thực hiện công tác CCHC. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng công tác CCHC của tỉnh vẫn chưa đạt so với mục tiêu tỉnh đề ra và bình quân chung cả nước.

Để đến năm 2025 các chỉ số CCHC của tỉnh xếp nhóm 30 tỉnh/thành phố xếp hạn cao theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn cho biết: Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, cải cách tổ chức bộ máy và cải cách chế độ công vụ; tạo sự thống nhất, đồng đều nhiệm vụ CCHC của các cơ quan, địa phương trên toàn tỉnh. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và tham mưu chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới phương thức đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị gắn với kết quả thực hiện CCHC thông qua phần mềm điện tử, định lượng kết quả công việc; thực hiện đánh giá, xếp loại toàn diện, thực chất, công khai. Tổ chức cuộc thi tìm kiếm sáng kiến, giải pháp, cách làm hay trong công tác CCHC; rà soát các sáng kiến, giải pháp hiệu quả để nhân rộng. Tăng cường theo dõi, đôn đốc các cơ quan, địa phương thuộc đối tượng kiểm tra xử lý, khắc phục triệt để 100% các vấn đề phát hiện qua kiểm tra theo quy định.

Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trước mắt cần tập trung và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ: Từng cơ quan, đơn vị chủ động tham mưu cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CCHC theo từng tháng, từng quý; thực hiện nghiêm Chỉ thị 06 (20 chỉ tiêu lớn) và Kế hoạch 103 (51 chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể), gắn với trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc khắc phục và nâng cao hiệu quả công tác CCHC của tỉnh. Đồng thời tập trung đầu tư nguồn lực thực hiện cải cách TTHC; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

“Về lâu dài, bên cạnh thực hiện các nội dung theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành, tỉnh ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống CNTT, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định công tác CCHC có vai trò rất quan trọng, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển KT-XH của tỉnh. Toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc trong thực hiện công tác CCHC, với tinh thần chủ động, sáng tạo, cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân”, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ Phạm Minh Hùng, thời gian qua, Phú Yên đã nỗ lực cải thiện chỉ số CCHC và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thời gian đến, tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành; chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; triển khai nhiệm vụ CCHC đồng bộ, quyết liệt, bám sát các chỉ đạo của trung ương; ưu tiên công tác CĐS; nâng cao hiệu quả xây dựng, thực thi các chính sách mà người dân quan tâm, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng thực hiện chính sách; tăng cường văn hóa công sở, tinh thần, thái độ phục vụ người dân...

THÙY THẢO

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/320289/no-luc-xay-dung-nen-hanh-chinh-minh-bach-chuyen-nghiep-hien-dai-cuoi.html