Nỗ lực xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại (kỳ 2)

Kỳ 2: Đổi mới để vươn xa hơn

Để đưa Phú Yên thoát khỏi tình trạng mất điểm, giảm bậc, xếp hạng thấp về chỉ số CCHC, nhất là thoát khỏi tình trạng thụt lùi, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải đổi mới mạnh mẽ, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm.

UBND tỉnh trao giải cuộc thi Tuyên truyền CCHC. Ảnh: THÙY THẢO

UBND tỉnh trao giải cuộc thi Tuyên truyền CCHC. Ảnh: THÙY THẢO

Với tư duy đổi mới, nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch về đẩy mạnh CCHC được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, có nhiều mô hình, sáng kiến mang lại hiệu quả tích cực.

Quyết liệt trên nhiều phương diện

Bộ phận một cửa (BPMC) các cấp là nơi làm việc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, là hình ảnh, bộ mặt của các cơ quan hành chính nhà nước trong cách nhìn nhận của người dân, doanh nghiệp. Do đó, khi BPMC nâng cao hiệu quả hoạt động thì tỉ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn được cải thiện rõ rệt và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp tăng lên đáng kể.

Có mặt tại BPMC xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), chúng tôi chứng kiến công chức xã tiếp đón, hướng dẫn, hỗ trợ và giải quyết các TTHC, người dân rất hài lòng, thoải mái, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số. Hồ sơ nào chưa đúng hoặc thiếu sót, công chức tiếp nhận hồ sơ giải thích cặn kẽ, hướng dẫn người dân hoàn thiện. Ông Y Môi thổ lộ: “Tôi đến BPMC của xã làm các thủ tục về vay vốn ngân hàng, được tiếp nhận, hướng dẫn và xử lý nhanh gọn. Tôi thấy ưng cái bụng lắm”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Văn Trọng, việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn huyện thời gian qua đã giúp cắt giảm chi phí, thời gian đi lại cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các TTHC. Bên cạnh đó, huyện cũng đã thực hiện có hiệu quả mô hình “4 tại chỗ” đối với 4 TTHC trong lĩnh vực chứng thực, GD&ĐT; triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của công an và BHXH huyện tại BPMC. Những điều này đã tăng đáng kể mức độ hài lòng của người dân.

Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của BPMC các cấp trên địa bàn tỉnh, gồm: Tổ chức lại BPMC theo nguyên tắc “Mỗi địa bàn hành chính cấp xã chỉ có một BPMC nhưng không làm thay đổi, ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết TTHC”; Mở rộng phạm vi thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho BPMC cấp huyện; Thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Qua hơn một năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực. Đó là, cắt giảm được 9 BPMC của UBND cấp xã (còn 101/110 xã, phường, thị trấn); người dân, tổ chức có thể đến bất cứ BPMC nào trên địa bàn tỉnh để giải quyết hồ sơ, TTHC mà không giới hạn về thẩm quyền, đơn vị hành chính quản lý đối với bộ danh mục TTHC được UBND tỉnh phê duyệt; tỉ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến, thanh toán trực tuyến và cấp kết quả điện tử được cải thiện rõ rệt hơn so với các năm trước đây…

Theo Giám đốc Sở Nội Vụ Trương Ngọc Tuấn, nhờ thực hiện tốt việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đã khắc phục được các tồn tại, hạn chế kéo dài, như: số hồ sơ giải quyết trễ hạn của các sở, ban ngành, địa phương; thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC; hoàn thành và công khai 100% kết quả trả lời phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức.

Thu hẹp khoảng cách giữa công dân với chính quyền

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã tổ chức 2 cuộc thi về CCHC và nhận được 47 sáng kiến, giải pháp, cách làm hay, trong đó có 16 sáng kiến, giải pháp được nhân rộng trên toàn tỉnh.

Cùng với đó, để loại bỏ những “rào cản” giữa công dân với chính quyền, từ cơ sở đã có nhiều mô hình, sáng kiến mới tạo nên nhiều đổi thay trong CCHC. Nổi bật là các mô hình: “Nâng cao phát sinh số lượng hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia” của UBND huyên Tây Hòa; “Khai thác dữ liệu dân cư quốc gia trong thực hiện các TTHC lĩnh vực hộ tịch” tại UBND xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa); “Ngày tiếp nhận hồ sơ trực tuyến” của UBND TX Sông Cầu; “Ngày không hẹn trả kết quả hồ sơ TTHC” của TX Đông Hòa… Tại TP Tuy Hòa, mô hình “Liên thông TTHC về đất đai với cơ quan thuế, rút ngắn thời gian thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Ngoài mục tiêu “3 giảm” (thời gian đi lại, thời gian chờ đợi và chi phí giải quyết TTHC), những mô hình này còn khắc phục đáng kể tình trạng trả hồ sơ không đúng hẹn và thể hiện văn hóa ứng xử thân thiện của cán bộ, công chức khi phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo niềm tin cho họ đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ cho biết: Từ những sáng kiến, cách làm mới đã tạo bước chuyển biến mới công cuộc CCHC của tỉnh, tiếp tục đạt được những kết quả tích cực thực chất hơn, ngày càng đáp ứng kỳ vọng của tổ chức, cá nhân. Điều này cũng thể hiện sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tạo đột phá trong CCHC, góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. CCHC thành công hay thất bại phần lớn phụ thuộc vào năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức. Nhận thức đầy đủ về vai trò của cán bộ, công chức, việc CCHC trong thời gian tới sẽ có những bước tiến đáng kể, đáp ứng sự kỳ vọng và tin tưởng của người dân, doanh nghiệp.

Tại BPMC phường 7 (TP Tuy Hòa) công khai phiếu khảo sát sự hài lòng trong giải quyết TTHC bằng việc mã quét đánh giá. Ảnh: THÙY THẢO

Tại BPMC phường 7 (TP Tuy Hòa) công khai phiếu khảo sát sự hài lòng trong giải quyết TTHC bằng việc mã quét đánh giá. Ảnh: THÙY THẢO

Thi đua CCHC

Việc xếp hạng công tác CCHC hàng năm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương giúp công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ này của tỉnh ngày càng chuyển biến, tạo không khí thi đua mạnh mẽ. Các địa phương, đơn vị thi đua lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của nền hành chính phục vụ. Việc chấm điểm chỉ số CCHC buộc các cơ quan công quyền phải thay đổi tư duy, hành động quyết liệt hơn nữa.

Hằng năm, UBND tỉnh công bố xếp hạng chỉ số CCHC đối với 2 nhóm: các sở, ban ngành và nhóm UBND cấp huyện, thị xã, thành phố. Điều này đã tạo không khí thi đua trong thực hiện nhiệm vụ CCHC ở địa phương, cơ quan đơn vị mình, phấn đấu không để lọt vào nhóm “cầm đèn đỏ” hàng năm. Các cơ quan, đơn vị dẫn đầu, hoặc tốp trên không ngừng nỗ lực để không bị kéo tụt lại. Các địa phương, cơ quan đơn vị nhóm dưới phải nỗ lực gấp nhiều lần để vượt lên. Ở nhóm 19 sở, ban ngành trực thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế xuất sắc hai năm liền dẫn đầu khối. Nhóm các huyện, thị xã, thành phố, huyện Tây Hòa từ vị trí nhóm cuối đã bứt phá vươn lên vị trí dẫn đầu 2 năm liền.

Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Minh Trí chia sẻ: “Trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện CCHC, UBND huyện có nhiều đổi mới tích cực, tiến hành nghiêm túc, quyết liệt theo tinh thần “việc hôm nay không để ngày mai”. Kết quả xếp hạng là động lực để địa phương làm tốt hơn công tác phục vụ các tổ chức, cá nhân, nhất là trong giải quyết các TTHC”.

Giám đốc Sở Nội Vụ Trương Ngọc Tuấn cho biết: 2023 là năm đầu tiên UBND tỉnh đổi mới phương thức đánh giá chất lượng hoạt động các cơ quan, đơn vị gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và CCHC bằng việc định lượng thông qua hệ thống phần mềm điện tử. Đây là cơ sở để cấp có thẩm quyền đánh giá trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu có liên quan. Kết quả CCHC năm 2023 của các sở, ban ngành và UBND cấp huyện, có chuyển biến tích cực, chỉ số CCHC đạt trên 82%, không còn cơ quan, đơn vị, địa phương có chỉ số CCHC xếp loại yếu như năm 2022.

Kỳ cuối: Quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị

THÙY THẢO

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/320288/no-luc-xay-dung-nen-hanh-chinh-minh-bach-chuyen-nghiep-hien-dai-ky-2.html