Nỗ lực xây dựng, triển khai thành công mô hình hải quan thông minh

Vượt qua những khó khăn, thách thức của đại dịch COVID-19, ngành Hải quan đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào thành tích tạo lập kỷ lục kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD; thu ngân sách vượt dự toán, đặc biệt là lập nhiều chiến công trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại… Đây là tiền đề quan trọng để Hải quan Việt Nam tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, đặc biệt là quyết tâm xây dựng thành công mô hình hải quan thông minh. Nhân dịp đón Xuân Nhâm Dần 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã có cuộc trả lời phỏng vấn với Tạp chí Điện tử Tài chính.

Ông Nguyễn Văn Cẩn
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Phóng viên: Năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD. Xin ông đánh giá về những đóng góp của ngành Hải quan đối với kết quả nổi bật này?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Năm 2021, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 600 tỷ USD, cả năm đạt 668,544 tỷ USD, tăng tới hơn 123 tỷ USD so với năm 2020, trong đó Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD.

Đây là kết quả chứng minh sự nỗ lực của cả Hệ thống chính trị nói chung và ngành Hải quan nói riêng trong việc duy trì hoạt động, khắc phục khó khăn trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm đại dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta trong năm vừa qua.

Năm 2016, Tổng cục Hải quan được Chính phủ, Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) giao nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực Ủy ban 1899.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường, dưới chỉ đạo, điều hành kịp thời của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị vừa tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo công tác quản lý hải quan, hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp “khơi thông” hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, cụ thể như sau:

Về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan: Chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp chứng từ dưới dạng điện tử thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa và thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc trực tiếp về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu… Đồng thời, hướng dẫn xem xét việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan do tình huống bất khả kháng...

Về thuế: Tổng cục Hải quan đã tham mưu với Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 của Chính phủ về chính sách thuế đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu hoặc đã nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế GTGT như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại (thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, thuế GTGT).

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, đồng thời vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh thực hiện chương trình nộp thuế 24/7, chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu.

Khi xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hóa ở cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) vào tháng 7 và 8/2021, Tổng cục Hải quan đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, khẩn trương đưa ra các giải pháp chỉ đạo kịp thời cho phép vận chuyển container về cảng nội địa (ICD) tại Bình Dương, Đồng Nai…

Mặt khác đã tham mưu, trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 82/2021/TT-BTC quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19…

Cùng với các giải pháp trên, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo đẩy nhanh công tác soi chiếu hàng hóa; phối hợp, làm việc trực tiếp với các DN kinh doanh cảng về thống nhất thực hiện phối hợp soi chiếu để theo dõi, giám sát đảm bảo thời gian thông quan hàng hóa cho DN theo quy định.

Mặt khác, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, làm việc và thực hiện các thủ tục hành chính đồng thời quan tâm, thăm hỏi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành bị nhiễm COVID-19.

Có thể khẳng định, mặc dù trải qua một năm nhiều thăng trầm, biến động nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo các cấp, sự nỗ lực của doanh nghiệp, dòng chảy hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam vẫn diễn ra thông suốt và đạt được con số kỷ lục mới ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Thu ngân sách vượt dự toán

Phóng viên: Bên cạnh đóng góp tích cực vào tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa như ông đề cập ở trên, năm 2021, ngành Hải quan đã đạt được kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) thế nào, thưa ông?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Năm 2021, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu NSNN theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 là 315.000 tỷ đồng, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN là 335.000 tỷ đồng.

Kết quả, năm 2021, Tổng cục Hải quan thu ngân sách 378.889 tỷ đồng, tăng 63.889 tỷ đồng so với chỉ tiêu được giao, tăng 43.889 tỷ đồng so với chỉ tiêu phấn đấu và tăng 64.420 tỷ đồng so với năm 2020. Đây là năm có kết quả thu ngân sách cao nhất và cũng là năm có kết quả vượt thu cao nhất từ trước đến nay.

Để đạt được số thu NSNN nói trên, ngay từ đầu năm, toàn ngành Hải quan đã tích cực thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách theo tinh thần Chỉ thị số 215/CT-TCHQ. Giao chỉ tiêu thu NSNN cho các đơn vị; giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế...; Ban hành Công văn 119/TCHQ-GSQL ngày 11/1/2021 về nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hải quan; Tích cực triển khai các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, các giải pháp chống gian lận thương mại, chống thất thu... mang lại kết quả đáng kể đóng góp vào số thu ngân sách.

Việc thực hiện thành công mô hình Hải quan thông minh sẽ tạo ra bước đột phá và nâng tầm phát triển của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, đẩy mạnh hiện đại hóa hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu...

Bên cạnh công tác thu, ngành Hải quan cũng tập trung nguồn lực để xử lý hiệu quả vấn đề nợ thuế. Trong đó, tập trung vào thu hồi nợ thuế, xử lý xóa các khoản nợ theo quy định, tăng cường các biện pháp không để phát sinh nợ mới.

Khẳng định vai trò chủ công trên mặt trận chống buôn lậu

Phóng viên: Được biết, năm 2021, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng triệt phá thành công nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại với thủ đoạn hết sức tinh vi. Ông có thể đánh giá cụ thể hơn về những kết quả nổi bật của công tác này?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều cửa khẩu quốc tế phải đóng cửa và chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn. Các nước có chung đường biên giới với Việt Nam cũng tăng cường công tác phòng, chống dịch như kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt đối với người, hàng hóa, phương tiện qua lại biên giới.

Tuy nhiên, với quyết tâm "tích cực, chủ động trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả", Tổng cục Hải quan đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Nhờ đó, năm 2021, toàn Ngành đã chủ trì, phối hợp bắt giữ, xử lý 14.568 vụ vi phạm, trị giá 2.709 tỷ đồng. Trong đó xử phạt vi phạm hành chính 14.200 vụ; thu nộp ngân sách gần 291 tỷ đồng, khởi tố 39 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 176 vụ.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số vụ bắt giữ của các lực lượng là thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giảm mạnh so với năm 2020, tuy nhiên, số vụ việc do cơ quan Hải quan phát hiện bắt giữ, xử lý chỉ giảm khoảng 10%, điều này cho thấy hiệu quả đấu tranh của ngành Hải quan ngay từ biên giới, cửa khẩu đến các khu vực khác trong địa bàn hoạt động hải quan.

Điển hình là vụ bắt giữ khoảng 80.000 viên thuốc điều trị COVID-19, thuốc điều trị ung thư nhập lậu từ Ấn Độ qua đường hàng không theo loại hình phi mậu dịch trong tháng 9, tháng 10/2021; Chủ động đấu tranh, xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là kiểm tra, phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm xuất xứ liên quan đến nhập khẩu hạt điều từ Campuchia.

Về nhiệm vụ phòng, chống ma túy, ngành Hải quan tiếp tục chủ trì, phối hợp triệt phá nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Điển hình như: Chuyên án HC421 (tháng 4/2021) do Cục Hải quan TP. Hà Nội và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) đồng chủ trì triệt phá đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ châu Âu về Việt Nam, triệt phá 8 đường dây vận chuyển ma túy ở nhiều tỉnh thành, thu giữ 127,5 kg ketamine, bắt 16 đối tượng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/08/2021, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiếp tục bắt giữ hơn 30kg ma túy tổng hợp MDMA và Ketamin vận chuyển trái phép trong các kiện hàng nhập khẩu, ngụy trang trong những gói bánh kẹo và viên kẹo sô-cô-la gửi qua đường chuyển phát nhanh, bưu chính.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Hải quan đã tăng cường công tác giám sát, trực ban trực tuyến từ Phòng Giám sát hải quan trực tuyến đặt tại trụ sở Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan tỉnh/thành phố.

Qua giám sát trực tuyến và hệ thống camera giám sát, các đơn vị đã xử lý hàng trăm tin báo nghiệp vụ phát hiện vi phạm. Các hành vi vi phạm tập trung vào: nhập khẩu hàng cấm; nhập khẩu hàng hóa không khai báo; nhập khẩu hàng hóa không đúng mã số, thuế suất…

Như vậy, cùng với nhiệm vụ đảm bảo thuận lợi thông quan nhanh chóng hàng hóa xuất nhập khẩu, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong năm qua đã làm tốt nhiệm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo an toàn an ninh xã hội và phòng chống tội phạm…

Tập trung nguồn lực xây dựng thành công mô hình hải quan thông minh

Phóng viên: Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong năm 2022 của toàn ngành Hải quan là tập trung xây dựng và sớm đưa vào hoạt động mô hình hải quan thông minh. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những ưu việt của mô hình mới này trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Quá trình xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030, ngành Hải quan xác định mục tiêu tổng quát là: Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số với mô hình hải quan thông minh.

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.

Trên cơ sở mục tiêu trên, Tổng cục Hải quan đã xây dựng mô hình hải quan thông minh, xác định đây là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với xu hướng tự do hóa toàn cầu; áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của hải quan các nước phát triển; các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hành chính nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử.

Trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Hải quan về xây dựng mô hình hải quan thông minh, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã thống nhất phê duyệt “Chủ trương xây dựng mô hình hải quan thông minh là phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật trên thế giới và tại Việt Nam” và phê duyệt Quyết định 97/QĐ-BTC phê duyệt chủ trương “Thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số”.

Có thể nói, đây là mô hình mới với khối lượng công việc lớn chưa từng có tiền lệ. Chính vì vậy, để đảm bảo hoàn thành các nội dung theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng đòi hỏi nỗ lực hết sức to lớn của cán bộ, công chức trong toàn Ngành; đồng thời, phát huy trí tuệ tập thể để hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hải quan làm cơ sở triển khai hải quan số, hải quan thông minh...

Mô hình Hải quan thông minh gồm các đặc trưng cơ bản: Quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán.

Việc thực hiện thành công Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh sẽ đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, tạo ra bước đột phá và nâng tầm phát triển của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn mới.

Phóng viên: Những kết quả tích cực của ngành Hải quan trên các mặt công tác trong năm 2021 là động lực, tiền đề quan trọng để cán bộ, công chức trong toàn ngành Hải quan tiếp tục phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ Tài chính giao trong năm 2022. Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, ngành Hải quan sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn: Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ Tài chính giao, năm 2022, toàn Ngành cần tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 - 2030 ngay sau khi Chiến lược phát triển Hải quan được Thủ tướng Chính phủ ban hành; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp, cụ thể sau:

Một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý trên cơ sở rà soát sửa đổi, bổ sung toàn diện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình thủ tục hải quan đáp ứng yêu cầu mô hình hải quan thông minh, số hóa các nghiệp vụ hải quan.

Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; Nghị định về kết nối, chia sẻ thông tin qua Cơ chế một cửa quốc gia… Đặc biệt là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP cần phù hợp với yêu cầu thực hiện Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh…

Hai là, đơn giản hóa thủ tục hải quan trên cơ sở áp dụng các chuẩn mực quản lý hải quan hiện đại. Tinh giản bộ máy tổ chức hải quan tại các cấp cơ sở hướng tới xây dựng mô hình hải quan tập trung, phù hợp với địa bàn quản lý và yêu cầu công việc, giảm bớt các khâu trung gian, hạn chế sự chồng chéo, không thống nhất, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ của công chức hải quan.

Ba là, quyết liệt triển khai các giải pháp, phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu 352.000 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng này, ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan ban hành chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách với những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại, công tác quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan; công tác thanh tra, kiểm tra góp phần tăng thu NSNN;

Bốn là, về thực hiện Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh cần quyết tâm hoàn thành các công việc liên quan để sớm triển khai thí điểm. Việc thực hiện Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh kéo theo rất nhiều công việc liên quan từ tổ chức bộ máy đến đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị… nên đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ công chức toàn Ngành.

Năm là, năm 2022, hoạt động buôn lậu được dự báo tiếp tục có diễn biến rất phức tạp trên tất cả lĩnh vực, loại hình, địa bàn quản lý... Do đó, cần tăng cường các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng và phát huy hiệu quả sử dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại…

Ngoài các giải pháp trên, toàn Ngành cần tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng lực lượng, trong đó chú trọng vào nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, công chức; Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực hải quan…

Để đạt mục tiêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực lớn, quyết tâm rất cao của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Hải quan. Trong năm 2022, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp của các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp để ngành Hải quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao phó.

Nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần 2022, thay mặt tập thể lãnh đạo Tổng cục Hải quan, tôi xin gửi tới các thế hệ cán bộ, công chức ngành Hải quan qua các thời kỳ trên mọi miền Tổ quốc lời chúc mừng sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!

Văn Trường (thực hiện)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chuyen-dong-tai-chinh/no-luc-xay-dung-trien-khai-thanh-cong-mo-hinh-hai-quan-thong-minh-344495.html