Nợ nần chồng chất, 'bà trùm' đồ cổ TP.HCM một thời ra vỉa hè kiếm sống
Một thời, từ người sưu tầm, kinh doanh đồ cổ, đồ xưa tư nhân đến giới bảo tàng nếu muốn mua bán, trao đổi, sở hữu cổ vật đều phải tìm kiếm, trở thành khách quen của dì Sáu 'hét'.
Xem video:
“Bà trùm” cổ ngoạn
“Hôm nay có gì hay hay cho tôi không?”. Tiếng người đàn ông ăn mặc lịch thiệp khiến câu chuyện của tôi và dì Sáu “hét” (tên thật Thái Thị Mến (78 tuổi)) bị ngắt quãng. Bà với tay lấy bức tranh cũ vẽ loằng ngoằng những nét đỏ, đen trên nền sơn dầu màu xám tro đưa cho khách.
“Đây! Tranh này tôi mới mua lại. Tranh xưa, thuộc dòng hiếm. Bên kia còn có 1 bộ tranh Phật nữa. Chất liệu tốt, cũng là đồ xưa. Ông đem treo trang trí nhà hay phòng trà đều đẹp. Tất cả, tôi lấy 500.000 đồng thôi”, bà ra giá.
Người đàn ông không hề trả giá, rút ví, gửi tiền cho bà. Hầu hết các cuộc buôn bán, trao đổi đồ cổ, đồ xưa của dì Sáu “hét” đều diễn ra chóng vánh và giản đơn như thế. Đó cũng là thương hiệu riêng của dì, người từng được ví như “bà trùm” của thú chơi cổ ngoạn tại TP.HCM nhiều năm trước.
Gian hàng đồ xưa của dì Sáu “hét” trên vỉa hè.
Những năm ấy, danh tiếng của dì Sáu “hét” bao trùm cả phố đồ cổ Lê Công Kiều, quận 1, TP.HCM. Những người sưu tầm đồ cổ, đồ xưa đều khẳng định họ đã hơn một lần làm khách hàng của dì.
Kỷ lục gia châu Á, nhà sưu tầm cổ vật Đinh Công Tường cho biết: “Nhiều năm trước, dì Sáu “hét” rất có tiếng ở phố đồ cổ Lê Công Kiều. Bà từng là người cung cấp các món đồ cổ có giá trị cho nhiều người sưu tầm cổ vật. Một thời, tôi cũng là khách quen của dì”.
Thời điểm ấy, dì Sáu bán sang tay tất cả những gì mua được từ thương lái kinh doanh đồ cổ ở vùng ven TP.HCM và miền Tây. Sau này, khi kho đồ xưa lớn dần, tiếng tăm của bà cũng vang xa hơn. Giới buôn bán, sưu tầm cổ ngoạn tại các tỉnh miền Bắc kéo nhau tìm đến dì.
Từng một thời được mệnh danh là “bà trùm” đồ xưa, đồ cổ, bây giờ, dì Sáu “hét” chỉ bày bán những món đồ lặt vặt, rẻ tiền.
Bà kể: “Thời đó, tôi buôn bán đắt hàng lắm. Khách hàng của tôi không chỉ là giới sưu tầm tư nhân, mua bán, kinh doanh đồ cổ từ Bắc chí Nam mà còn có cả những người đang làm việc trong các bảo tàng…”.
“Tôi bán đắt đến nỗi, mỗi đêm cứ trông đến lúc gà gáy để được đem đồ ra bán, mua những món đồ xưa đẹp, giá trị từ các tay buôn tứ xứ. Mỗi khi có đồ đẹp, đồ hiếm, thương lái khắp nơi đều ưu ái, bán lại cho tôi”, bà kể thêm.
Công việc kinh doanh cổ ngoạn phát đạt, dì Sáu “hét” thuê mặt bằng, mở tiệm lớn, bán những món cổ vật đắt giá tại phố đồ cổ Lê Công Kiều. Thế nhưng sau đó, bà lâm cảnh nợ nần nên phải quay lại kiếp sống bám vỉa hè.
Khách hàng không còn tìm thấy ở gian hàng của bà những món đồ có tuổi đời cao, giá trị lớn.
Tay trắng, sống bám vỉa hè
Dì Sáu “hét” bắt đầu sự nghiệp bán đồ cổ, đồ xưa từ vỉa hè. Bà không nhớ rõ từ năm nào mà chỉ nhớ đó là kết quả của một lần bà giận anh trai của mình.
Lúc còn nhỏ, bà và anh trai hay cùng nhau ra vỉa hè bán nước mía. Mỗi lúc bán ế, anh trai hay la mắng bà. Một lần, bà nổi giận, bỏ về nhà, quyết tự tìm cách kiếm tiền.
Chẳng biết “ma xui quỷ khiến thế nào", bà bưng hết những món đồ xưa trong nhà đem ra vỉa hè ngồi bán. Ấy thế mà bà bán đắt như tôm tươi. Chỉ trong buổi sáng, bà bán hết veo những món đồ cũ của gia đình.
Thay vào đó là những món đồ cũ, giá trị thấp, ít có tính sưu tầm.
Thấy công việc này có thể “kiếm sống”, bà bắt đầu mua lại những món đồ cũ, đồ cổ để bán lại cho người cần. Nghề dạy nghề, sau nhiều lần bị lừa, bà bắt đầu học được cách nhận biết đồ cổ, giả cổ và trở thành “tay chơi đồ cổ có nghề” với danh xưng Sáu “hét”.
Bà kể: “Tôi được gọi là Sáu “hét” sau lần hét giá cao nhưng lại bán với giá rất thấp một món đồ cổ. Đó là lần tôi rao bán bộ bát bửu cổ bằng đồng với giá 1 lượng vàng. Tuy nhiên, khách chỉ trả 1 chỉ vàng. Thấy ông ấy thích quá, tôi chấp nhận bán luôn dù chỉ lời chút ít. Từ đó, tôi có biệt danh Sáu “hét””.
Sau này, khi đã thành danh trên con đường sưu tầm, kinh doanh đồ cổ, bà vẫn giữ thói quen buôn bán sòng phẳng, thẳng thắn, thật thà. Bà nổi tiếng mua bán đúng giá, nói đúng giá trị, bản chất vật phẩm cần bán, cần mua.
Tuy vậy, vẫn có những khách hàng quen ghé gian hàng của bà để tìm những món đồ mình thích, cần.
Điều này khiến “đế chế” kinh doanh đồ cổ, đồ xưa của dì Sáu “hét” ngày càng được mở rộng. Khoảng 15 năm trước, ngoài tiệm bán đồ cổ ở đường Lê Công Kiều, dì Sáu thuê thêm mặt bằng, mở một tiệm khác trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM.
Thế nhưng, khi cửa tiệm này bắt đầu bán đắt hàng, thu hút khách đến mua bán, thưởng ngoạn cổ vật cũng là lúc dì Sáu “hét” lụn bại vì nợ nần bủa vây. Dì Sáu “hét” cam đoan mình không ăn chơi, chưa từng cầm đến lá bài, quân cờ…
Nợ nần của bà đến từ những lần bà vay nóng để mua món đồ cổ mình yêu thích. Bà tâm sự: “Hồi đó, khi làm ăn được, tôi không biết giữ, không biết dành dụm phòng thân. Có bao nhiêu, tôi đều bỏ ra mua đồ hết”.
Lâu lâu, bàn vẫn bán được những món đồ có giá trị. Tuy nhiên, những lần như thế rất hiếm hoi.
“Tiền túi không đủ, tôi đi vay nóng, vay tiền góp để mua cốt sao cho đầy kho hàng. Rồi lúc hàng bán chậm, khách mua thưa vắng vì đồ xưa, đồ cổ ngày càng khan hiếm… thì tiền nợ lãi mẹ đẻ lãi con. Không cầm cự nổi, tôi phải bỏ tiệm, bán tháo đồ để trả nợ rồi dạt ra vỉa hè kiếm sống”, bà chua chát nói.
Từng sở hữu tiệm kinh doanh cổ vật khang trang, bán toàn những món có giá trị cao, giờ đây, gian hàng trên vỉa hè của dì Sáu “hét” chỉ lèo tèo vài món đồ cũ, rẻ tiền. Bây giờ, mỗi ngày đón tiếp rồi lại chia tay những người khách quen bà buồn bã, nhiều khi khóc không thành tiếng.
Nhắc đến chuyện ngày xưa, dì Sáu “hét” rất buồn và cảm thấy hối hận.
Gắn bó với nghề bán đồ cổ hơn nửa đời người, làm giàu biết bao bộ sưu tập cổ ngoạn, giờ đây, với những mặt hàng nghèo nàn, giá trị thấp, dì Sáu “hét” chỉ cầu mong có bữa ăn qua ngày.
Thậm chí, bà còn tự nhận thấy rằng việc buôn bán đồ cũ, đồ xưa của mình chẳng thể khá hơn và đang định bán thêm những thứ lặt vặt khác để kiếm sống. Nhắc đến thời đã xa, bà chỉ lắc đầu ngao ngán rồi rơm rớm nước mắt.
“Bây giờ, tôi chỉ mong kiếm được bữa ăn qua ngày cho đến cuối đời. Tôi hối hận lắm, thế nên gặp ai, tôi cũng chỉ khuyên rằng, lúc còn có thể hãy biết tiết kiệm, tích góp để dành cho tuổi già, khi mình không thể làm ra tiền nữa để không phải chới với như tôi bây giờ”, bà chia sẻ.
Bài, ảnh, clip: Hà Nguyễn