Nở rộ 'chợ vàng online': Tiềm ẩn quá nhiều rủi ro

Khi cơn 'bão giá' của vàng còn chưa lắng, nhiều nhà đầu tư đã dùng mọi cách để có được vàng, từ trả công người xếp hàng hộ, mua qua cò hoặc trao đổi sang tay... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không trực tiếp mua vàng thì việc mua lại vàng luôn tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Nở rộ hội nhóm trao đổi, mua bán vàng

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay không còn tình trạng người dân xếp hàng tại các ngân hàng để mua vàng khi các ngân hàng triển khai bán vàng online. Tuy nhiên, việc mua vàng hiện còn rất khó khăn. Nhiều người phản ánh, các doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn báo “hết hàng” trong khi đăng ký trực tuyến ngân hàng lại thông báo “hết lượt”.

Nói về tình trạng này, anh Nguyễn Đình Hòa (Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, anh cần mua 2 lượng vàng để trả nợ nhưng rất khó khăn. Sau khi biết ngân hàng thực hiện bán vàng online, anh đã nhờ 4 người trong nhà đăng ký nhưng cũng không được. “Để chắc chắn bên cạnh việc tự đăng ký, tôi có nhờ 4 người cháu đăng ký hộ nhưng vẫn không thành công. Có lẽ, do nhu cầu người mua cao quá, mạng quá tải hoặc hết lượt đăng ký quá sớm. Thực sự rất khó để mua vàng thời điểm này”, anh Hòa cho biết.

Anh Nguyễn Đình Hòa (Chương Mỹ, Hà Nội) cần mua 2 lượng vàng miếng SJC để trả nợ nhưng không thể đăng ký mua online.

Anh Nguyễn Đình Hòa (Chương Mỹ, Hà Nội) cần mua 2 lượng vàng miếng SJC để trả nợ nhưng không thể đăng ký mua online.

Do mua vàng online trên hệ thống khó, nhiều người vẫn xếp hàng chờ mua vàng tại các công ty vàng. Đơn cử như tại Công ty vàng SJC vẫn còn khá nhiều người dân xếp hàng chờ đợi đến lượt mua. Đại diện Công ty SJC cho hay, hiện SJC vẫn mở cửa giao dịch để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, phía công ty đang tính phương án triển khai bán vàng qua kênh online, thay vì xếp hàng trực tiếp mua như hiện nay.

Nắm bắt được nhu cầu ngày càng lớn của người dân, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều nhóm kín lẫn công khai về trao đổi, sang tay vàng bạc đá quý. Qua tìm hiểu, các nhóm này hoạt động khá nhộn nhịp, những trạng thái đăng tải rất đa dạng và nhận được nhiều bình luận của các thành viên.

Tại nhóm “Trao đổi vàng miếng không qua khâu trung gian” trên Facebook, nhóm này có hơn 2.000 thành viên, bất cứ một dòng thông tin nào liên quan đến trao đổi vàng cũng nhận được rất nhiều lượng tương tác. Một tài khoản có tên “Minh Huệ” đăng tải trạng thái: “Cần mua vàng SJC 80.900”, ngay lập tức. Trạng thái này nhanh chóng nhận được phản hồi của các thành viên. Có nhiều tài khoản vào bình luận như: “Luôn sẵn hàng”, “cần bao nhiêu cũng đủ”, hay “có 3 lượng SJC khu vực Hà Đông muốn bán, giao dịch trực tiếp, chỉ nhận chuyển khoản”.

Trong vai một người có nhu cầu mua vàng miếng, chúng tôi đăng một trạng thái với nội dung: “Cần mua lại 4 cây vàng miếng SJC, khu vực quận Thanh Xuân”. Khi trạng thái của chúng tôi được đăng tải khoảng 2 phút đã có người gọi điện đến “mời” mua vàng. Người này cho biết: “Hiện vẫn còn dư khoảng 10 cây vàng miếng SJC, nếu có nhu cầu thì nhượng lại. Hình thức giao dịch trực tiếp, mỗi cây vàng sẽ lấy cao hơn giá thị trường 5 triệu. Nếu thiện chí sẽ gặp nhau tại nhà riêng hoặc quán cà phê thuận lợi cho cả hai bên”.

Một tài khoản có tên “Hòa Đại Nhân” đăng tải: “Hiện em đang dư 10 cây vàng SJC cần bay gấp, ai có nhu cầu gọi số: 09758xxxx”. Trạng thái này nhanh chóng nhận được rất nhiều phản hồi. Trong vai người có nhu cầu mua vàng, chúng tôi có điện thoại cho người bán thì nhận được câu trả lời: “10 cây đó em đăng được 5 phút đã có khách lấy ngay rồi, nếu chị còn nhu cầu thì chờ 1-2 ngày có em sẽ gọi lại”.

Khi chúng tôi gặng hỏi vàng ở đâu mà luôn có sẵn, trong khi nhiều người rất khó khăn để mua. Người này tiết lộ, hiện nay xuất hiện một nghề mới đó là “nghề săn vàng”. Khi săn được sẽ chuyển nhượng cho người cần, những người này sẽ ăn chênh coi như có tí công. “Nếu chị cần mua thì lưu số của em lại, bọn em bán mỗi lượng cao hơn giá ngân hàng khoảng 1-2 triệu đồng, gọi là có tí công. Chị cần số lượng bao nhiêu thì báo, khi có chúng em sẽ cho người mang đến tận nhà”, tài khoản “Hòa Đại Nhân” tiết lộ.

Khi phóng viên muốn xuất hóa đơn điện tử thì người này cho biết chỉ có giấy biên nhận. Tuy nhiên, người bán khẳng định, không cần biên lai hay hóa đơn, chỉ cần đúng là vàng thì cứ đem tới tiệm vàng nào đều được thu mua lại.

Trạng thái kiểu như thế này thu hút nhiều phản hồi của các thành viên nhóm.

Trạng thái kiểu như thế này thu hút nhiều phản hồi của các thành viên nhóm.

Hay, tại nhóm "Giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, DOJI không qua trung gian", qua tìm hiểu nhóm này mới thành lập được ít ngày nhưng thành viên đã lên tới 2,4 nghìn người. Đây là một trong những nhóm hoạt động sôi nổi nhất trong những ngày gần đây. Đã có rất nhiều trạng thái sang nhượng vàng được đăng tải. Mỗi trạng thái đăng lên đều nhận được phản hồi của các thành viên.

Anh Nguyễn Công Hùng (thành viên của nhóm) chia sẻ với phóng viên: "Tôi cũng thử mua vàng online theo hướng dẫn của các ngân hàng nhưng rất khó. Làm nhiều thao tác, nhiều thủ tục nhưng lại bị thông báo "hết lượt", được một người bạn mách nên đã tham gia nhóm này để tìm mua vàng. Hôm qua, tôi có đăng trạng thái cần mua 1 cây vàng tại khu vực Thanh Xuân, chỉ vài phút đã có người vào nhắn tin cho tôi nói là có sẵn 1 cây và muốn sang nhượng. Tôi và họ có gặp nhau trực tiếp, người này nói luôn là lấy cao hơn tại các ngân hàng 2 triệu. Nghĩ mình chẳng buôn bán gì, lại đang cần nên cũng chấp nhận với giá họ đưa ra. Giấy tờ của họ là chuẩn nên cũng có phần an tâm".

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trước tình trạng mua bán vàng “ngoài quầy” quá dễ dàng thông qua các hội nhóm hoặc cò, đại diện một ngân hàng thương mại nhà nước đang bán vàng miếng SJC cho biết, người dân mua bán theo hình thức này sẽ gặp khá nhiều rủi ro, có nguy cơ mua phải vàng giả, vàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Lý do, mỗi miếng vàng bán ra thị trường hiện nay đều được quản lý bởi số seri, giống như một mã số định danh gắn với miếng vàng đó.

“Các ngân hàng hiện bán vàng ra đều phải lưu trữ số CCCD và đều xuất hóa đơn điện tử. Trên hóa đơn đó sẽ có số seri của miếng vàng và được lưu trữ vĩnh viễn trên hệ thống. Nghĩa là, sau này, khi truy xuất nguồn gốc sẽ xác định được miếng vàng này được bán từ đâu, bán cho ai. Do vậy, người dân mua vàng trôi nổi bên ngoài cần hết sức chú ý nếu phải chứng minh nguồn gốc của vàng” - đại diện ngân hàng này nhấn mạnh.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ bán vàng giả trên mạng xã hội và bị Cơ quan công an phát hiện và xử lý. Mới đây nhất, vào ngày 23/4, Công an tỉnh Lai Châu thông tin, đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 3 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu một thỏi kim loại màu vàng, 350 triệu đồng và 116 tờ tiền Nhân dân tệ trùng số seri.

Trước đó, đầu tháng 4, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lai Châu phát hiện tài khoản Facebook Lò Thị Họp đăng nội dung bán vàng “Ai cần loại này không, nhắn mình nhé” kèm hình ảnh một thỏi kim loại màu vàng in chìm chữ Fine GOLD 9999 NET WT 1000g. Bài đăng thu hút nhiều tài khoản theo dõi, trong đó có tài khoản Liêu Phạm vào bình luận ngỏ ý quan tâm và được tác giả bài đăng trả lời chuyển sang chế độ nhắn tin.

Nhận định nhiều khả năng đây là thủ đoạn lừa bán vàng giả, Phòng Cảnh sát hình sự xác lập chuyên án trinh sát, phối hợp với các phòng nghiệp vụ (Công an tỉnh Lai Châu) và lực lượng Biên phòng đấu tranh phá án.

Sau nhiều ngày xác minh, ban chuyên án xác định bài đăng bán vàng thỏi là kịch bản của một nhóm đối tượng người Việt Nam cấu kết với đối tượng người Trung Quốc dàn dựng để lừa người khác, nhằm chiếm đoạt tài sản. Qua kiểm tra, xác định nhóm người trên gồm: Vân Văn Sum (sinh năm 1984, trú tại bản Nà Phát, xã Bình Lư, huyện Tam Đường), Phàn Phủ Liều (sinh năm 1988, trú tại xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn), Lý Chin Quang (sinh năm 1992, trú tại xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ) và Deng Fuqiang (sinh năm 1982), quốc tịch Trung Quốc. Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện 1 thỏi kim loại màu vàng in chìm chữ Fine GOLD 9999 NET WT 1000g và 350 triệu đồng cùng một số đồ vật liên quan.

Tại cơ quan điều tra, Vân Văn Sum khai nhận thỏi kim loại màu vàng là giả, của Tẩn Seo Lụ (sinh năm 1986, trú tại bản Lản Nhì Thàng, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ). Lụ là công chức địa chính xã Lản Nhì Thàng, được giao đi bán vàng cho anh Phàn Phủ Liều với giá 830 triệu đồng. Đối tượng Deng Fuqiang khai nhận số tiền 350 triệu đồng là tiền của Tẩn Seo Lụ giao để làm “mồi” nhằm lừa anh Liều chi số tiền 480 triệu đồng mua thỏi vàng giả. Đối tượng Lụ khai do muốn kiếm tiền nhanh nên đã lên mạng xã hội đặt mua một thỏi vàng giả trọng lượng 1 kg với giá 5 triệu đồng, rồi phối hợp với các đối tượng dàn dựng kịch bản để lừa đảo.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã gửi công văn đến các cơ quan đề nghị phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân mua vàng đúng quy định. Theo đó, người dân chỉ được mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

Hiện, cả nước có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như: SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phú Quý, Vàng Kim Ngọc Phú, Vàng bạc đá quý Ngọc Hải, Đá quý Ngọc Thẩm, Vàng bạc Phúc Thành, Đá quý Phương Nam...

Riêng doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, kinh doanh mua bán vàng các loại buộc phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về giấy phép hoạt động; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng và phương án kinh doanh an toàn; giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng; hóa đơn chứng từ; tem mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; chất lượng sản phẩm và công khai niêm yết giá. Hoạt động này đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và công khai minh bạch, phòng ngừa, hạn chế rủi ro do sai phạm, liên quan tội phạm làm hàng nhái, hàng giả, buôn lậu và trốn thuế. Các doanh nghiệp vàng trang sức mỹ nghệ không được cấp phép nhưng vẫn giao dịch vàng miếng với người dân hoặc người dân tự mua bán với nhau là trái quy định và sẽ bị xử phạt.

Hai đối tượng Deng Fuqiang (áo trắng) và Tẩn Seo Lụ (áo đen) tại cơ quan Công an.

Hai đối tượng Deng Fuqiang (áo trắng) và Tẩn Seo Lụ (áo đen) tại cơ quan Công an.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, vàng là tài sản có nhiều biến động gắn với yếu tố thị trường. Người dân cần cân nhắc và thận trọng khi mua vàng, đầu tư vàng để tránh rủi ro giá vàng biến động. “Việc tập trung đông người, xếp hàng mua vàng dễ xảy ra trộm cướp. Đặc biệt là việc xếp hàng mua hộ vàng gây mất trật tự, tiềm ẩn rủi ro vi phạm pháp luật về đầu cơ, làm giá và ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế. Cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng mua gom đầu cơ nhằm giảm tình trạng người dân chen nhau xếp hàng mua vàng, trong đó có tình trạng xếp hàng mua hộ vàng”, ông Lệnh nói.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Thái (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, việc cá nhân tự thỏa thuận giá và để giao dịch, mua bán các loại vàng miếng, vàng nhẫn với nhau nếu không đúng quy định có thể là hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể, cá nhân mua bán vàng miếng chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Nếu vi phạm, tùy mức độ sẽ bị xử phạt lên đến 20 triệu đồng.

"Việc giao dịch ngoài quầy có thể dẫn đến nhiều rủi ro như không có hóa đơn chứng từ, bị cơ quan chức năng xác định là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, có thể bị tịch thu. Hơn nữa, các hội nhóm, diễn đàn giao dịch vàng trên mạng xã hội là không được pháp luật bảo vệ", luật sư Thái nói.

Ngoài ra, nếu cá nhân tự thỏa thuận giá vàng miếng, vàng nhẫn để giao dịch thì có thể gây ảnh hưởng đến việc quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, gây mất ổn định thị trường vàng, hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó có việc không thu được thuế.

Đinh Hiền

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/no-ro-cho-vang-online-tiem-an-qua-nhieu-rui-ro-i735501/