Nở rộ dịch vụ thuê 'văn phòng ảo': Điều kiện tốt để công ty 'ma' hoạt động
Thời gian gần đây, dịch vụ cho thuê 'văn phòng ảo' khá phát triển, được xem là xu thế mới của thị trường văn phòng cho thuê. Bên cạnh những ưu điểm, là 'cứu tinh' cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp thì nó vẫn còn những lỗ hổng, tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Dịch vụ nở rộ
Trong lúc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, dịch vụ cho thuê “văn phòng ảo” được nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn bao giờ hết. Khắp các trang mạng xã hội, website, đâu đâu cũng xuất hiện dịch vụ đặc biệt này. Những lời quảng cáo được các đơn vị kinh doanh dịch vụ này sử dụng như: “Thủ tục nhanh chóng, lễ tân chuyên nghiệp, phòng họp hiện đại, tiết kiệm 90% chi phí, hỗ trợ đăng ký giấy phép kinh doanh...” là những lời chào mời cực kì hấp dẫn.
Để mục sở thị dịch vụ này, phóng viên trong vai người bắt đầu khởi nghiệp cần tìm địa chỉ thành lập công ty. Tại một công ty kinh doanh dịch vụ cho thuê văn phòng tại đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi trình bày quy mô, ý tưởng thì nhân viên tại đây tư vấn nên thuê “văn phòng ảo”. “Văn phòng ảo ở đây nghĩa là bên em sẽ cho bên anh thuê địa chỉ để đăng ký giấy phép kinh doanh. Lễ tân của bên em cũng là lễ tân của công ty anh, sẽ thay các anh nhận thư từ hay bưu phẩm hoặc có khách đến liên hệ thì sẽ ghi nhận lại thông tin rồi chuyển qua cho bên anh. Đặc biệt, khi bên anh có đối tác làm việc hoặc giao dịch ở đây thì công ty sẽ hỗ trợ nước uống, wifi, phòng tiếp khách...” - nhân viên này tư vấn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, để thuê “văn phòng ảo” tại đây có 5 gói chính, giá thành dao động từ 295.000 đến 2.388.000 đồng tùy vào nhu cầu của khách hàng. Ví dụ như gói 1 được gọi là gói “Save” có giá thấp nhất gồm các dịch vụ như: Cung cấp địa chỉ đăng ký kinh doanh uy tín tại các tòa nhà hạng A, nhận thư tín và bưu phẩm, miễn phí tư vấn thành lập doanh nghiệp, đội ngũ nhân viên phụ trách tiếp khách, giao nhận bưu phẩm, chuyển phát tận nơi cho khách hàng.
Còn đối với gói cao nhất được các công ty gọi là gói “Replus” gồm có: Toàn bộ tiện ích mà các gói trên có, miễn phí chữ ký điện tử, miễn phí 100 bản in hằng tháng, tặng voucher chỗ ngồi linh hoạt trị giá 4.600.000 đồng, tặng voucher phòng họp cao cấp 58 triệu/năm.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của các đơn vị cho thuê “văn phòng ảo”, gói dịch vụ có các tiêu chí thiết yếu như địa chỉ kinh doanh, dịch vụ quản lý thư từ, sử dụng không giới hạn tiền sảnh thương gia, số điện thoại doanh nghiệp có tiếp tân trực, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất. Có thể thấy, loại hình dịch vụ này có khá nhiều điểm ưu việt như địa chỉ sang trọng, tiết kiệm chi phí và khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận.
Thậm chí, loại hình dịch vụ này không chỉ cho thuê “văn phòng ảo”, mà còn hỗ trợ cho khách hàng về việc làm thủ tục đăng ký kinh doanh, cử nhân viên tiếp đón cán bộ thuế, thanh tra; duyệt và cấp các loại hóa đơn, chứng từ với các phương thức linh hoạt và mức chi phí thích hợp cho từng gói dịch vụ cụ thể.
Nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối
Theo tiết lộ của anh Lê Văn B. một nhân viên của công ty chuyên cho thuê “văn phòng ảo” thì việc 10 vị giám đốc của 10 công ty ngồi sát cạch nhau trong một căn phòng, thay vì mỗi người một phòng riêng là chuyện rất bình thường.
Bởi, một phòng có nhiều bàn được ngăn ra để các giám đốc của nhiều công ty cùng ngồi làm việc. Một gói dịch vụ thường gồm: Bàn rộng 1-1,2m, ngăn cách với các bàn khác, có điện thoại, fax, được sử dụng máy in, có nhân viên dọn vệ sinh mỗi ngày. Một văn phòng chia sẻ có 8-10 chỗ ngồi, trong giờ làm việc cũng hệt như văn phòng của một công ty vì các giám đốc sau một thời gian thuê đều trở nên thân quen, nhộn nhịp.
Ông Trần Hoài Lượng, giám đốc một công ty dịch vụ du lịch chia sẻ: “Tôi đã xác định công việc của mình không cần văn phòng rộng, chỉ cần có địa chỉ cho khách hàng biết có công ty tồn tại nên thuê chỗ ngồi làm việc được hơn 1 năm nay. Chúng tôi ở đây mỗi người mỗi việc, không ai phiền đến ai. Tôi cũng có 3-4 nhân viên nhưng các bạn ấy chủ yếu làm online, thích lúc nào gặp nhau thì ra quán cà phê hoặc nhà hàng. Khi khách có nhu cầu gặp gỡ trao đổi thì công ty cho thuê này có phòng để tiếp khách. Quả thực mô hình này rất tốt với những công ty nhỏ như của tôi, thậm chí ngồi cạnh các giám đốc của các lĩnh vực khác nhau, chúng tôi có thể học hỏi, hợp tác được với nhau”. Trong hợp đồng thuê, ông Lượng cho biết bên công ty cho thuê cũng quy định một số điều như không được làm ồn, quy định thời gian làm việc, nếu làm quá giờ sẽ không được dùng máy lạnh, giữ gìn trang thiết bị... của văn phòng.
Bên cạnh những ưu điểm thì việc cho thuê “văn phòng ảo” cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề rắc rối. Anh Lê Công H, giám đốc một công ty chuyên cho thuê “văn phòng ảo” cho hay: “Dịch vụ “văn phòng ảo” thường bị các công ty không ký hợp đồng thuê sử dụng chui địa chỉ hoặc các công ty hết hạn thuê “văn phòng ảo” không chịu đăng ký tiếp hợp đồng nhưng vẫn ngấm ngầm sử dụng, các trường hợp này làm chúng tôi tốn rất nhiều thời gian giải thích khi các cơ quan chức năng hoặc khách hàng của họ tìm đến công ty”.
Có thể thấy, với những người đang có nhu cầu khởi nghiệp hoặc kinh doanh gặp khó khăn thì loại hình “văn phòng ảo” rất phù hợp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về thuê cơ sở hạ tầng, trụ sở riêng, chi phí vận hành. Tuy nhiên, rất nhiều người đã không khỏi lo lắng là khi có vấn đề gì xảy ra thì lúc đó doanh nghiệp chẳng khác nào “chim trời, cá nước”, biết tìm họ ở đâu.
Đơn cử như vụ việc cách đây không lâu của Công ty CP Modern Tech - được quảng bá là đại diện pháp lý của iFan và Pincoin tại Việt Nam, có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại tầng 9 của một tòa nhà ở số 68 đường Nguyễn Huệ, quận 1 (TP Hồ Chí Minh), bị hàng chục khách hàng tố cáo lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo (ICO) iFan, Pincoin. Một nhà đầu tư tiền ảo tên M cho hay, do nghe theo bạn bè kể về tổ chức iFan và lợi nhuận siêu khủng của nó nên tìm đến các hội nghị nghe diễn thuyết rồi quyết định đầu tư.
Khoảng cuối tháng 9/2017, ông Diệp Khắc Cường (người sáng lập iFan), Vũ Hữu Lợi (đồng sáng lập, kiêm Giám đốc phát triển quốc tế iFan) và đội ngũ sáng lập iFan tổ chức một sự kiện tại TP Vũng Tàu để ra mắt đồng tiền điện tử iFan, mở bán presale (trước bán hàng) huy động vốn với giá khởi điểm là 1 USD/đồng iFan và cho biết, sẽ làm app nghệ sĩ để thanh toán các album ca nhạc của Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên...
Tiếp đó, Công ty Modern Tech tiếp tục mở bán ICO của iFan tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với lời hứa hẹn lãi suất đầu tư ít nhất 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 4 tháng. Doanh nghiệp này còn cho biết, nếu ai gọi thêm được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.
“Sau lời hứa hẹn trả lãi khủng, nhóm trên đã thu hút được số tiền lớn. Tuy nhiên, sau khi huy động được cả chục nghìn tỷ đồng, nhóm người này tuyên bố thay đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số”, bà M. cho biết.
Khi mọi chuyện vỡ lở, hàng nghìn nạn nhân khác cũng tham gia mới biết mình đều không nhận được bất cứ lợi nhuận thực tế nào. Nhiều người đã rơi vào cảnh tán gia bại sản. Khi biết mình bị lừa, một nhóm nhà đầu tư kéo đến trụ sở của Công ty Modern Tech để căng băng-rôn, tố công ty này lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Tuy nhiên, doanh nghiệp này không có ở đó. “Chúng tôi nghĩ họ có văn phòng, biển hiệu, địa chỉ ở một khu sang nhất nhì thành phố, thì không thể có kiểu làm ăn chụp giật như vậy được. Ai ngờ, lúc tìm đến trụ sở công ty thì được lễ tân của tòa nhà trả lời một câu ráo hoảnh: Công ty Modern Tech không còn thuê ở đây nữa. Mọi thông tin cá nhân hay số điện thoại trước đó chúng tôi có đến nay đều không liên lạc được”, một số nạn nhân cho biết.
Đặc biệt, Công ty Modern Tech đã thuê dịch vụ “văn phòng ảo” do Công ty CP Replus cung cấp để đăng ký kinh doanh. Ngay sau vụ lùm xùm trên, Công ty Replus đã ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Modern Tech để tránh bị liên lụy. Tuy nhiên, bản thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng này có một số điểm bất nhất, khiến không ít khách hàng băn khoăn.
Cụ thể, lý do khiến Replus đơn phương chấm dứt hợp đồng là: “Theo Điều 5.10 trong hợp đồng, Bên B có quyền đơn phương chấp dứt hợp đồng khi Bên A có hành vi gây ồn ào, ảnh hưởng đến môi trường làm việc chung... có dấu hiệu sử dụng địa chỉ của Bên B để thực hiện hành vi lừa đảo, trái pháp luật”. Trong khi đó, Bên B lại chính là Công ty Modern Tech, còn bên A lại là phía Công ty Replus.
Đại diện của Công ty Replus giải thích, đây là sự nhầm lẫn của bộ phận thanh lý do không sửa lại. Bởi nội dung điều khoản trên là được trích dẫn ra từ hợp đồng, khi làm hợp đồng thì bên A là Modern Tech, còn bên B là bên Công ty Replus.
“Bình thường, làm hợp đồng thì bên cho thuê là Bên A, còn bên đi thuê sẽ là Bên B, nhưng theo quy định của Replus thì ngược lại, do luôn đặt khách hàng lên hàng đầu. Do đó, bên Công ty Modern Tech là bên A còn Replus là bên B” - vị đại diện này cho hay.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty Replus, trong quá trình Công ty Modern Tech thuê dịch vụ “văn phòng ảo” ở đây đều không thấy ai đến liên hệ, giao dịch. Sau khi xảy ra vụ việc trên, Replus cũng có chủ động gọi điện, gửi email với những người của Công ty Modern Tech, nhưng đều không được.
Về vụ việc trên, một số chuyên gia cho rằng, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể diện tích tối thiểu để làm trụ sở của doanh nghiệp là bao nhiêu, nên nhiều doanh nghiệp thuê “văn phòng ảo” để tiết giảm chi phí. Do đó, có những văn phòng chỉ vài chục mét vuông, nhưng có tới hàng chục, thậm chí hơn 100 doanh nghiệp đăng ký, treo biển làm trụ sở.
Với những trường hợp này, khi xảy ra tranh chấp, sẽ rất khó giải quyết, vì không thể tìm được người chịu trách nhiệm của công ty đó ở đâu. Thậm chí, nếu khách hàng khởi kiện ra tòa, mà không xác định được chính xác địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp mình muốn kiện thì cũng không đủ điều kiện để tòa án thụ lý...
Theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các “doanh nghiệp ma”, hoạt động chui, vi phạm pháp luật và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và phòng tránh.