Nở rộ nạn săn bắt chim yến trái phép

Yến sào từ chim yến được xem là vàng trắng ở Khánh Hòa, nhưng tình trạng săn bắt trái phép loài chim quý này đang nở rộ, khiến nhiều người dân, doanh nghiệp lo lắng

Ngày 1-3, ông Trần Minh Thu, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, cho biết hành vi săn bắt chim yến là vi phạm các quy định pháp luật, chi cục sẽ yêu cầu các hạt kiểm lâm xử lý tình trạng này.

Giăng lưới bẫy chim yến

Ngày 22-2, người dân khu đô thị Hà Quang, phường Phước Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa báo tin về các đối tượng dùng lưới sợi rất nhỏ, khó nhìn thấy, quấn vào hai cọc tre căng dựng thẳng đứng để săn bắt chim yến. Những đối tượng này còn dùng máy phát tiếng kêu của chim yến, kèm theo con chim yến mồi đứng giữa lưới… Nghe tiếng kêu và nhìn thấy chim mồi, chim yến ở nhiều phía lao tới, mắc vào lưới. Thời gian các đối tượng bắt chim khoảng từ 5 đến 7 giờ và 15 đến 17 giờ hằng ngày.

Thả chim yến về với thiên nhiên.Ảnh: NGUYỄN NINH

Thả chim yến về với thiên nhiên.Ảnh: NGUYỄN NINH

Phòng Quản lý Bảo vệ (Công ty Yến sào Khánh Hòa) phối hợp cùng cơ quan chức năng sau đó đã đến kiểm tra và thu giữ 12 tấm lưới, 35 cây trụ dùng để giăng lưới bẫy chim yến. Tuy nhiên, việc phát hiện xác định đối tượng giăng bẫy phải chờ cơ quan chuyên môn vào cuộc.

Không chỉ ở Phước Hải, tại vùng ven như Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung là những nơi chim yến thường đi kiếm ăn cũng xuất hiện một số cọc tre, lưới giăng. Các đối tượng thường giăng lưới ở những cánh đồng vào sáng sớm hoặc chiều tối. Chị Lê Thị Minh (người dân xã Vĩnh Thạnh) cho biết cánh đồng khu vực đường Phú Trung, thường xuất hiện 2 người đàn ông đến đây bẫy chim yến. Chim bẫy xong họ bỏ vào lồng rồi vội vàng mang đi.

Công ty Yến sào Khánh Hòa (trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa) cho biết năm qua, đã phát hiện hơn 20 vụ bẫy chim yến, giải cứu hơn 3.000 con. Hầu hết chim yến sau khi giải cứu được thả về với thiên nhiên. Đối với một số chim yến không đủ sức khỏe phải tiếp tục nuôi dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học của công ty, đến khi sức khỏe ổn định mới thả về thiên nhiên.

Cần kiên quyết xử lý

Ông Nguyễn Sỹ Ninh, Trưởng Phòng Quản lý Bảo vệ Công ty Yến sào Khánh Hòa, cho rằng nạn săn bắt chim yến đang nở rộ nhưng chưa được giải quyết triệt để. "Hiện nay, chủ yếu vẫn là xử lý theo hình thức nhắc nhở, răn đe nên chưa đủ mạnh ngăn chặn triệt để nạn săn bắt chim yến. Hành vi săn bắt chim yến theo kiểu tận diệt, không chỉ làm suy giảm chim yến trong nhà mà còn gây nguy hại cho quần thể chim yến đảo thiên nhiên" - ông Ninh thông tin.

Giải cứu chim yến bị sa lưới

Giải cứu chim yến bị sa lưới

Ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa, cho biết: "Đây là hành động vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể chim yến vốn mang lại giá trị kinh tế cao tại Việt Nam. Để xử lý dứt điểm nạn săn bắt chim yến rất cần các ngành chức năng, các cấp chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ. Từ đó, giúp bảo tồn loài chim yến tốt hơn, phát triển ngành nghề yến sào tại nước ta".

Theo ông Hùng, tỉnh Khánh Hòa cần thành lập hội bảo vệ chim yến. Thông qua hội bảo vệ chim yến sẽ có các quy định về xử phạt những hành vi săn bắt, vận chuyển, mua bán, chế biến loài chim có giá trị kinh tế cao này. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền giá trị loài chim yến đối với môi trường và kinh tế bằng nhiều hình thức đến với người dân.

Ông Trần Minh Thu, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, cho biết chim yến dù nuôi được nhưng là động vật hoang dã. Đây là loại chim di cư nên rất khó để kiểm soát chính xác về số lượng. Đây là loài chim được pháp luật bảo vệ. Hành vi giăng bẫy, tận diệt sẽ bị xử phạt nặng. Chi cục đã ban hành một số văn bản, yêu cầu các hạt kiểm lâm bố trí nhân sự để theo dõi vụ việc. Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục tăng cường quản lý để bảo vệ loài chim này.

Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2021/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, tại điều 27 vi phạm quy định về hoạt động nuôi chim yến nêu rõ: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài việc nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học".

Nghề nuôi yến tăng mạnh với nhiều hệ lụy

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nghề nuôi yến với mục đích thương mại là một hoạt động sản xuất mới xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Bộ. Hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh, thành có nuôi chim yến. Số lượng nhà yến tăng rõ rệt trong những năm qua, tính đến năm 2022, cả nước có 23.665 nhà yến. Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất và nhiều nhất hiện nay là Kiên Giang với khoảng 3.000 nhà yến, tiếp đến là Khánh Hòa, Lâm Đồng.

Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nở rộ nạn săn bắt chim yến tự nhiên. Ngoài ra, việc tăng mạnh số lượng nhà nuôi chim yến còn dẫn đến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong việc dẫn dụ đàn chim.

KỲ NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-trung-tay-nguyen/no-ro-nan-san-bat-chim-yen-trai-phep-20230301204019428.htm