Nở rộ tác phẩm viết cho thiếu nhi: Những tín hiệu tích cực
Những ngày cuối năm 2023, Hội Nhà văn Việt Nam công bố danh mục 16 tác phẩm đoạt giải 'Cuộc vận động sáng tác Văn học về đề tài thiếu nhi' đợt 1 năm 2021-2023. Trong những năm qua, sự nở rộ các tác giả, tác phẩm viết cho thiếu nhi và các cuộc thi, cuộc vận động viết cho thiếu nhi là những tín hiệu hết sức tích cực, đem đến luồng sinh khí mới cho văn học thiếu nhi.
Nở rộ các cuộc thi - vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi
Đầu năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ phát động "Cuộc vận động sáng tác Văn học về đề tài thiếu nhi" (2021-2025). Theo Ban tổ chức, "Văn học thiếu nhi là một trong những hoạt động quan trọng và được ưu tiên của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.
Cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi kéo dài trong 5 năm, chia làm hai đợt hướng tới mục đích thông qua sáng tác văn học, ca ngợi, cổ vũ, tôn vinh những đức tính, những hành động, những suy nghĩ tốt đẹp, từ đó khơi gợi, bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi, hướng thiếu nhi trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai...".
Tổng kết đợt 1 (2021-2023), 16 tác phẩm (bao gồm cả dạng bản thảo và sách đã xuất bản theo thời hạn quy định của Ban tổ chức) đã được trao giải. Trong đó, giải Nhất được trao cho bản thảo cuốn văn xuôi cuốn "Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp" của tác giả Dương Thị Thảo Nguyên; 2 giải Nhì được trao cho "Hạt dẻ ơi, về nhà thôi" (Văn xuôi - bản thảo) của Nguyễn Thị Cẩm Hà; "Dắt mẹ đi chơi: Đố mẹ, Dế Mèn học chữ" (2 tập - Thơ) của Mai Quyên; 5 giải Ba được trao cho: "Những đôi mắt khoảng trời" (Văn xuôi - tập sách) của Đào Quốc Vịnh; "Con cáo lửa" (Văn xuôi - bản thảo) của Phạm Thanh Thúy; "Đi bắt nỗi buồn" (Văn xuôi - bản thảo) của Nguyễn Thị Như Hiền; ''Sông vừa đi vừa lớn'' (Thơ - bản thảo) của Nguyễn Minh Khiêm; "Cái bếp kể chuyện" (Thơ - bản thảo) của Đinh Công Thủy...
Với mong muốn phát hiện thêm những cây bút tài năng viết cho thiếu nhi và có thêm nhiều tác phẩm văn học mới có chất lượng, tháng 5/2023, NXB Kim Đồng đã quyết định thành lập và công bố giải thưởng cho các sáng tác dành cho thiếu nhi mang tên "Giải thưởng Văn học Kim Đồng" với giải nhất 100 triệu đồng.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ: "Với sự đầu tư cho các sáng tác trong nước, nhiều năm qua, NXB Kim Đồng đã luôn chăm lo, khuyến khích các nhà văn, họa sĩ viết, vẽ cho thiếu nhi. Những ấn phẩm sách hay, sách đẹp của NXB Kim Đồng đã được bạn đọc đón nhận, yêu mến, được giới chuyên môn ghi nhận bằng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Chúng tôi cũng hy vọng, "Giải thưởng Văn học Kim Đồng" (2023 - 2025) sẽ là nhân tố tạo động lực để có thêm nhiều tác giả hơn nữa viết cho các em thiếu nhi...".
Trước đó, một giải thưởng nghệ thuật dành cho thiếu nhi là ''Giải thưởng Dế Mèn'' đã trao được 4 mùa, nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng và người sáng tạo nghệ thuật, trong đó có những chủ nhân là chính các em thiếu nhi. Năm 2023, Ban tổ chức giải thưởng Dế Mèn đã trao 7 giải cho các tác giả - tác phẩm, trong đó có 2 tác giả là thiếu nhi, đó là chùm tranh của Hoàng Nhật Quang (11 tuổi, Lạng Sơn) và Đoàn Lữ Thụy Phương (10 tuổi, Hà Nội) với chùm bản thảo "Tôi, bố tôi, và..." và "Từ những bức thư".
Giải "Hiệp sĩ Dế Mèn" đã được trao cho nhà văn Trần Đức Tiến với những cống hiến xuất sắc của ông trong sự nghiệp cho văn học thiếu nhi. Cuốn "A lô!... Cậu đấy à?" (NXB Kim Đồng, 2022) được đưa vào xét ''Giải dế Mèn'' năm nay và gia tài tác phẩm gồm có 10 cuốn sách viết cho thiếu nhi được độc giả yêu thích trong suốt hơn 30 năm qua đã giúp ông được "tấn phong" là "Hiệp sĩ Dế Mèn", đó là các tác phẩm: "Ốc mượn hồn", "Vương quốc vắng nụ cười", "Dế mùa Thu", "Thằng Cúp", "Làm mèo", "Trăng vùi trong cỏ", "Chiếc lông ngỗng trời", "Những truyện hay viết cho thiếu nhi của Trần Đức Tiến", "Trên đôi cánh chuồn chuồn", "Xóm Bờ giậu"...
Nhà văn trẻ hào hứng với đề tài thiếu nhi
Có thể thấy, từ các cuộc thi, các giải thưởng mà sách văn học thiếu nhi được trao trong vài năm qua đã tạo ra một không khí sáng tác, nguồn động viên lớn cho các tác giả, đặc biệt là tác giả trẻ. Trong hệ thống giải thưởng năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam, tác phẩm "Cá linh đi học" của nhà văn 9X Lê Quang Trạng đã được xướng tên ở hạng mục Văn học dành cho thiếu nhi. Tác phẩm "Cá Linh đi học" cũng được vinh danh là một trong 10 cuốn sách tiêu biểu của năm trong chương trình vinh danh các nghệ sĩ tiêu biểu và các cuốn sách nổi bật năm 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Tại lễ trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2023 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tập tiểu luận phê bình văn học thiếu nhi "Dòng chảy lấp lánh" của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm đã được trao giải hạng mục Tác phẩm xuất sắc; Truyện dài "Mặt trời luôn bên tôi" của tác giả Lê Trung Cường được trao Giải B. Ngoài ra còn có tập thơ "Sài Gòn sót mấy con ve" (tác giả Trung Dũng KQĐ) được trao Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, 2023...
Tâm trạng hào hứng với đề tài thiếu nhi, nhà văn Hồ Huy Sơn đưa ra nhận định: "Gần đây, trong quan sát của mình, tôi thấy sách thiếu nhi nói chung và sách văn học nói riêng, có nhiều khởi sắc và sôi động hơn. Một trong lý do đó là nhờ có sự tham gia của nhiều cây bút trẻ. Họ mang đến nguồn năng lượng sáng tác mới mẻ, tích cực, không chỉ với văn xuôi mà cả thơ. Đây là một tín hiệu rất tích cực và đáng vui mừng, vì đối tượng thụ hưởng chính là các em thiếu nhi. Khi có nhiều cây bút trẻ tham gia như vậy, thì sách vở dành cho các em đương nhiên sẽ phong phú và đa dạng hơn, góp phần tạo nên bữa tiệc tinh thần đầy thịnh soạn cho các em. Và đặc biệt, sự sáng tạo của các bạn viết trẻ thể hiện qua việc tiệm cận với những đề tài, thể loại mang tính toàn cầu, giúp cho khoảng cách giữa văn học trong nước với thế giới, cũng được rút ngắn lại. Và khi đó, chính các em cũng sẽ là những người hưởng lợi từ điều này...".
Chia sẻ về hành trình sáng tác và những dự định về đề tài thiếu nhi, nhà văn Hồ Huy Sơn cho biết thêm: "Thực ra viết cho thiếu nhi với tôi là một hành trình dài, từ lúc bắt đầu cầm bút cho đến giờ. Tôi vẫn viết song song cho người lớn và thiếu nhi, nhưng vài năm gần đây tôi cảm thấy thực sự hào hứng và có nhiều ý tưởng dành cho thiếu nhi. Có lẽ một phần được khơi gợi từ không khí sáng tác, xuất bản sách dành cho thiếu nhi, cũng như sự ra đời của nhiều sân chơi, giải thưởng trong thời gian gần đây. Năm 2024 này, tôi dự định sẽ xuất bản thêm một số cuốn sách dành cho thiếu nhi, trong đó có 1 tập thơ thiếu nhi viết về Trường Sa từ nguồn cảm hứng sau chuyến tôi được ra Trường Sa với Đoàn Công tác số 5 của TP. Hồ Chí Minh...".
Có một điều rất đáng mừng là, có nhiều cuốn sách viết cho thiếu nhi trong thời gian qua đã được khán giả thiếu nhi đón nhận tích cực, đạt lượng phát hành khá lớn. Nhà văn Hồ Huy Sơn cho biết, cuốn "Con diều ngược gió" của anh in lần đầu năm 2017, tái bản 2018, 2019 và năm nay vừa tái bản thêm lần nữa với tổng là 11.000 cuốn.
Nhà văn Văn Thành Lê thông tin, cuốn "Trên đồi, mở mắt và mơ" của anh đã in 8 lần với 14.500 bản, cuốn "Bên suối, bịt tai nghe gió" thì in 3 lần 6.000 bản. Là cây bút trẻ dành nhiều tâm huyết với văn học thiếu nhi, Văn Thành Lê chia sẻ: "Ngay từ khi viết cho các em nhỏ cách đây hơn 10 năm, tôi đã hình dung viết cho thiếu nhi là cách để tôi có thể "tắm nhiều lần trên dòng sông tuổi thơ".
Từ khi về làm việc ở NXB Kim Đồng, môi trường sách dành cho các em nhỏ, có cơ hội tương tác nhiều với độc giả nhỏ tuổi, thuận lợi để "đứa bé" trong tôi cựa quậy, đòi cất tiếng nói nhiều hơn, thì nhu cầu và đường hướng viết nhiều hơn cho các em trở nên rõ ràng và thường trực hơn. Nhất là, 3 năm trở lại đây, khi được làm bố, việc tìm sách, đọc sách, tương tác với chính con mình - một độc giả đặc biệt - càng khẳng định điều trên mạnh mẽ hơn. Cá nhân tôi đang và sẽ dành sự quan tâm lâu dài cho văn học thiếu nhi!".