Nở rộ thú chơi 'đưa đại dương về nhà' ở Đà Nẵng
Vài năm trở lại đây, thú chơi thủy sinh nước mặn phát triển mạnh mẽ ở Đà thành. Không phải rầm rộ theo trào lưu, những 'tín đồ' của thú chơi này còn xem việc đầu tư, chăm sóc bể thủy sinh như nghệ thuật để lấy cảm hứng như là yếu tố phong thủy cho việc làm ăn, kinh doanh.
Du khách thích thú với bể thủy sinh nước mặn trị giá gần 900 triệu đồng của anh Tài.
Những bể thủy sinh trăm triệu như “trong nhà có biển”
Anh Nguyễn Trương Tài (36 tuổi), chủ nhà hàng Ớt Xanh trên đường 3/2 thuộc P. Thuận Phước, Q. Hải Châu vừa hoàn thiện bể thủy sinh nước mặn với tổng chi phí đầu tư gần 900 triệu đồng. Cộng đồng chơi thủy sinh của thành phố bên sông Hàn cho biết đây là bể thủy sinh công phu nhất, có dung tích lớn nhất và giá trị đầu tư cao nhất ở Đà Nẵng đến thời điểm hiện tại. Được đặt ở vị trí trung tâm của nhà hàng, thực khách bị thu hút bởi bể thủy sinh cao 1,2 m, rộng 3,7 m, với những loài san hô, hải quỳ đang vươn xúc tu bắt phù du. Dưới ánh đèn màu xanh, nhiệt độ nước khoảng 25 độ, những con cá tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đủ màu sắc ẩn hiện trong những rạn san hô trông giống như dưới đáy đại dương. Theo anh Tài, với tuổi thọ trung bình 5 năm, bể cần thời gian dài “set up” để ổn định về hệ sinh thái, cân bằng môi trường cho các sinh vật sinh sống và phát triển hài hòa. Ngoài chi phí đầu tư hoàn thiện, mỗi tháng phải chi hàng chục triệu đồng để duy trì hoạt động của công trình như là đại dương thu nhỏ trong nhà. “Như bể lớn này, mất khoảng 9 tháng sau khi thiết kế hồ, thay nước biển thường xuyên mới cân bằng gần giống với môi trường dưới biển, từ đó cá và san hô phát triển được. Thủy sinh nước mặn phong phú về chủng loại, màu sắc. San hô phát triển tự nhiên, cá lớn lên hàng ngày là nguồn cảm hứng cho công việc”, anh Tài chia sẻ.
Một góc bể thủy sinh nước mặn với nhiều loại san hô độc đáo.
Dù khiêm tốn hơn về quy mô, nhưng bể thủy sinh nước mặn của anh Nguyễn Viết Thiết (31 tuổi), chủ một quán bún chả cá trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q. Hải Châu cũng đã có thâm niên với thú chơi này gần 10 năm. Để có một công trình ổn định hút mắt thực khách, anh Thiết đã bao lần “lên bờ xuống ruộng” chỉ vì thiếu một vài kiến thức liên quan đến tập tính của các loài sinh vật, xảy ra sự cố gây thiệt hại hàng chục triệu đồng. Bể cá hiện tại của anh khoảng 2m3, nuôi nhiều loại san hô mềm, cá biển đủ màu và hai chú “tôm bác sĩ” chuyên rỉa ký sinh trùng cho trên cá làm thức ăn. Ngoài việc bỏ ra chi phí đầu tư khoảng 130 triệu đồng, tiền mua thức ăn, thay nước biển, vận hành hàng tháng cũng ngốn một khoản khá lớn. Theo anh Thiết, để chơi được thủy sinh chuyên về san hô và cá biển thì ngoài bể kính dày, dán keo kỹ lưỡng còn cần máy làm lạnh với nhiệt độ trung bình duy trì ổn định ở mức 25-26 độ C; giàn đèn chuyên dụng phía trên tạo ra ánh sáng xanh giống dưới lòng đại dương mỗi ngày bật 8-10 tiếng, máy đánh tách bọt Skimmer và máy tạo luồng cho nước như sóng chảy dưới đáy biển.
Chỉ cần một vài thông số không đạt chuẩn cũng có thể phá hỏng cả bể, mọi thứ phải làm lại từ đầu. “Ánh sáng, nhiệt độ thì ổn định nhưng nước biển thì phải mua thay định kỳ, người ta vận chuyển bằng xe bồn đến thay mỗi lần gần 500 nghìn. Có như thế san hô mới phát triển đều, cá mới khỏe mạnh. Tôi đã từng mất con cá nữ hoàng nhập từ Nhật Bản với giá 15 triệu đồng chỉ vì không hiểu tập tính của nó. Đến con thứ hai thì phải cưng chiều hết mức”, anh Thiết kể.
Cá bơi trong các rạn san hô trong bể thủy sinh như dưới lòng đại dương.
Lắm công phu
Theo thú chơi của những người đam mê, các dịch vụ cung cấp, chăm sóc, kiểm định bể cá thủy sinh nước mặn cũng trở thành một “nghề” đặc biệt với các loại máy móc chuyên dụng. Từ việc mua giống, lấy nước biển đến cân bằng độ kiềm, khoáng canxi, iot, magie… tất cả đều phải thực hiện như có công thức. Chỉ cần sai một li là đi… tiền triệu! Anh Trịnh Quốc Hoàng, nhân viên quán cà phê Ylang Aquarium – được ví như là một showroom thủy sinh nước mặn, cho biết tóm gọn: “Phải làm sao để bể giống như… đại dương”. Nước biển tự nhiên nuôi thủy sinh phải được lấy cách bờ khoảng 10km, sâu 50m, có hệ thống đường ống cấp riêng mới sạch và đủ độ mặn. Nhiệt độ khoảng 25 đến 26 độ C nên nhất thiết phải có máy làm mát và kiểm tra định kỳ hàng tuần. "Người có nghề, nếu nhìn mặt kính khoảng 2-3 ngày có rêu bám là biết do trong hồ sạch quá, tạo điều kiện cho vi khuẩn và tảo sinh sôi. Dù các loài sống chung trong bể nhưng chúng có thức ăn riêng và tập tính riêng. Phải cân bằng để tất cả sinh sống hài hòa, hồ bẩn thì phải vệ sinh liền nhưng sạch quá cũng không được”, anh Hoàng cho biết.
Theo người chơi thủy sinh nước mặn tại Đà Nẵng, thị trường san hô thường lấy từ một số vựa được phép khai thác ở Khánh Hòa và Bình Định. Còn cá hiện nay ở Việt Nam mới được cấp phép giống nemo và cà chua, nuôi ở Nha Trang. Tuy nhiên, nhờ phương thức đặt hàng hiện có, người chơi có thể tự mua nguồn nhập từ nước ngoài. Dù số người chơi đã tăng nhiều trong vài năm trở lại đây với nhiều hội, nhóm giao lưu để chia sẻ kinh nghiệm nhưng ở Đà Nẵng hiện cũng chỉ có khoảng 5-7 bể thủy sinh nước mặn được xem là “đỉnh” không chỉ ở quy mô lớn mà còn có nhiều loại cá độc lạ mà ở Việt Nam chưa có. Thuận lợi nhất của các “tay chơi” Đà Nẵng là có sẵn nguồn nước biển nên giá mỗi lần thay nước không cao, trong khi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chủ yếu phải dùng nước pha muối, công phu và tốn kém hơn rất nhiều. Anh Nguyễn Trương Tài, người đang sở hữu bể thủy sinh nước mặn được cộng đồng người chơi xem là hoành tráng nhất Đà Nẵng cho biết, hai xu hướng chơi thủy sinh cũng giống như chọn tính cách, công việc của con người. Nếu như thủy sinh nước ngọt thiên về chơi thực vật trong bể nước có dòng chảy nhẹ nhàng, yên bình hơn thì thủy sinh nước mặn thường ở trạng thái vận động mạnh hơn, mọi thứ sống động như dưới lòng biển khơi.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/no-ro-thu-choi-dua-dai-duong-ve-nha-o-da-nang-post261651.html