Nổ tàu chở dầu ở Ninh Bình: Chuyên gia chỉ cách xử lý ô nhiễm

Liên quan đến vụ nổ tàu tại Ninh Bình, khiến mạn tàu bị phá hủy. Có hơn 100 lít dầu máy trong tàu tràn ra sông Bôi, diện tích khoảng 200m2. Báo TT&CS trân trọng giới thiệu phương pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước.

Liên quan đến vụ nổ tàu chở dầu ở Ninh Bình sáng ngày 3/1, dư luận bày tỏ sự quan ngại về việc dầu tràn sau vụ nổ gây ô nhiễm môi trường sông Bôi (xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).

Theo báo cáo, sau vụ nổ, trên mặt nước có hơn 100 lít dầu máy trong tàu bị tràn ra, diện tích khoảng 200m2. Công ty TNHH Công nghiệp Hạ Long-CFG cùng các cơ quan chức năng đã bố trí trang thiết bị chống tràn dầu và hút dầu tràn trên bề mặt sông vào xe bồn để đưa đi xử lý. Đến thời điểm hiện tại đã kiểm soát được lượng dầu tràn trên bề mặt sông Bôi.

 Nổ tàu đã khiến ngọn lửa bùng phát cao hơn 5m, khói đen bốc cao hàng chục mét (Ảnh moitruong.net.vn)

Nổ tàu đã khiến ngọn lửa bùng phát cao hơn 5m, khói đen bốc cao hàng chục mét (Ảnh moitruong.net.vn)

Theo bà Lê Trúc Phương, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Môi trường Toàn Cầu, có nhiều phương pháp xử lý khi xảy ra sự cố tràn dầu như: Sử dụng phao quây dầu để xử lý sự cố tràn dầu; sử dụng chất hấp thụ dầu (Sorbents); đốt tại chỗ; sử dụng các chất phân tán dầu; skimming; sử dụng nước nóng và lực lượng lớn; sử dụng lao động thủ công; sử dụng các loại máy móc; sử dụng phương pháp tự nhiên.

Trong đó, việc ngăn, quây dầu tràn dầu là việc làm quan trọng nhất. Việc ngăn dầu loang có thể được tiến hành bằng phao quây chặn và thấm dầu chuyên dụng hoặc dùng tre nứa kết thành phao ngăn. Phao quây chặn và thấm dầu được làm từ xốp và bạt nhựa Tarpaulin nên có thể dễ dàng khoanh vùng dầu để tiện cho việc xử lý sau này.

Dầu loang rất độc hại đối với cơ thể phần lớn các sinh vật. Một lượng dầu loang tập trung có thể lập tức khiến cá chết hay nhiễm độc hàng loạt. Tuy nhiên ảnh hưởng lâu dài của dầu tràn lên hệ sinh thái có thể còn nghiêm trọng và kéo dài hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo đó, nếu trường hợp nguồn nước bị nhiễm dầu, cần xử lý như sau:

Phèn chua là một trong những phương pháp phổ biến được dùng trong việc nước bị nhiễm dầu mỡ. Khi cho phèn vào bể hay chậu nước, bạn khuấy đều phèn cho đến khi hòa tan trong nước.

Lúc này, phèn sẽ phản ứng với nước tạo ra màng mỏng trên mặt nước và từ từ kéo theo cặn bẩn, tạp chất xuống, đọng dưới đáy. Bạn nên chú ý lượng phèn cho vào nước để tạo ra phản ứng làm sạch. Không nên cho quá nhiều lượng phèn chua vì sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng xử lý của nước. Sử dụng phèn chua sẽ giúp loại bỏ thành phần cặn hoặc váng dầu nhớt. Theo đó, có thể dễ dàng loại bỏ tình trạng nước bị nhiễm dầu mỡ nhanh chóng.

Hệ thống làm thoáng và lắng lọc là cách xử lý nước bị nhiễm dầu nhớt đơn giản, giúp loại bỏ thành phần kim loại nặng như sắt, mangan có trong nước. Hệ thống được đánh giá cao về hiệu quả lọc sạch nước nhanh chóng, đơn giản.

Hệ thống này có bộ phận chính là giàn mưa. Mục đích của hệ thống này chính chuyển hóa sắt II tan trong nước trở thành sắt III kết tủa. Dẫn nước đi qua giàn mưa tiếp xúc trong không khí, thành phần kết tủa dần dần lắng dưới đáy nước.

Thêm vào đó, hệ thống lắng lọc sẽ làm nhiệm vụ loại bỏ kim loại kết tủa lắng ở dưới đáy. Chính vì vậy, dầu nhớt sẽ bị loại bỏ hoàn toàn giúp nước không còn xuất hiện hiện tượng nhớt.

Phương pháp dùng hệ thống lắng lọc áp dụng cho nước bị nhiễm dầu mỡ, nhiễm kim loại nặng ở mức nhẹ. Theo đó, khi sử dụng phươn pháp này mới mang lại hiệu quả như mong muốn.

Sử dụng thiết bị tách chuyên dụng: Đây là phương pháp được đánh giá là hiệu quả và có khả năng loại bỏ dầu nhớt ra khỏi nước đạt tỉ lệ cao nhất gần như tuyệt đối.

Bể tách dầu API (American Petroleum Institute): Loại thiết bị lọc tách đơn giản nhất. Bể tách dầu CPI (Corrugated Plate Interceptor): Cấu tạo phức tạp hơn API một chút nhưng về cơ cấu hoạt động vẫn giống. Bể tách dầu phân li: Đây là dòng thiết bị cao cấp sử dụng cơ cấu lọc tách bằng cơ chế phân li dầu ra khỏi nước nhưng mức đầu tư lớn kèm thiêu công suất lọc tách nhỏ nên ít khi thấy trên thị trường.

Bình Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/no-tau-cho-dau-o-ninh-binh-chuyen-gia-chi-cach-xu-ly-o-nhiem-2069204.html