Nợ xấu báo động, công ty tài chính muốn dịch vụ đòi nợ hoạt động trở lại
Tính đến hết tháng 2 vừa qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng âm, giảm 2,5% so với cuối năm trước. Đồng thời, nợ xấu tại các công ty tài chính hiện gần 15%, ở mức đáng báo động.
Phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ” sáng 16/4, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng tiêu dùng âm là do cầu tín dụng tiêu dùng giảm trong bối cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai và giảm nhu cầu vay tín dụng ngân hàng để mở rộng chi tiêu.
Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng cho vay tiêu dùng diễn biến theo chiều hướng xấu. Hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là của các công ty tài chính gặp rất nhiều khó khăn, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro tăng cao.
"Nợ xấu gia tăng ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung của nền kinh tế, còn có những yếu tố chủ quan là khách hàng cố tình không trả nợ, thành lập các hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của các ngân hàng, các công ty tài chính, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ thu hồi nợ", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng, Phó tổng giám đốc TP Bank cho hay, những tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng trưởng thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Tín dụng tiêu dùng là động lực cho tăng trưởng tín dụng nhưng lại thu hẹp dư nợ.
Nguyên nhân chính do hoạt động thu hồi nợ khó khăn, do ý thức trả nợ của người đi vay không tốt, người vay cố tình không trả nợ; cố tình chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ thu nợ; Không có hành lang pháp lý cho hoạt động thu hồi nợ tài chính tiêu dùng, dẫn đến ngân hàng thương mại, công ty tài chính không có công cụ để thu hồi nợ.
Cùng với đó, nợ xấu tăng cao, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính phải trích lập dự phòng lớn, trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến buộc phải thu hẹp kế hoạch tăng trưởng.
Theo các tổ chức tín dụng, hiện nay, Luật Đầu tư 2020 cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong khi, đây là một nhu cầu thiết yếu đối với việc quản trị hiệu quả khoản vay.
Do vậy, lãnh đạo Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý để cho phép và kiểm soát hoạt động cung cấp dịch vụ xử lý nợ chuyên nghiệp.
Theo ông Lê Quốc Ninh, đại diện Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, dù bị cấm theo Luật Đầu tư 2020, song các hoạt động đòi nợ thuê không hề biến mất mà trở nên biến tướng khi không bị ràng buộc bởi các điều kiện đầu tư, kinh doanh như trước kia.
Hiện nay, thị trường Việt Nam vẫn thiếu dịch vụ xử lý nợ thuê chuyên nghiệp, trong khi đây là lĩnh vực phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển. Do đó, ông Ninh cho rằng, hoạt động này nên được quy hoạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ ràng và minh bạch về điều kiện thành lập, hoạt động, cơ chế kiểm soát rõ ràng thay vì bị cấm như hiện nay.
Cùng với đó, ông Ninh cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền xây dựng các hướng dẫn cụ thể, thống nhất để xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ trả nợ một cách có chủ ý.
Ông Nguyễn Hồng Quân cũng đề xuất nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho phép các tổ chức thu hồi nợ trung gian chuyên nghiệp hoạt động thu hồi nợ, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại, công ty tài chính trong quá trình cho vay tiêu dùng.
Ông Quân cũng đồng tình cần có các giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người vay; xây dựng hệ thống chấm điểm tín nhiệm công dân; minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng. Các ngân hàng thương mại, công ty tài chính cần thống nhất hiệp thương để đưa ra các tuyên bố chung về chế tài với việc cố tình, chây ỳ trả nợ.
Hiệp hội Ngân hàng cũng kỳ vọng, trong thời gian tới, với việc tích hợp định danh điện tử sẽ hỗ trợ chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của của người dân. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho thu hồi nợ cũng cần sớm hoàn thiện để hoạt động thu hồi nợ được thực hiện thuận lợi, hiệu quả hơn.
“Tựu chung lại, xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn tín dụng, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đây là cơ hội để chúng ta sẽ tìm ra các giải pháp hữu hiệu, đồng thời kiến nghị với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, bền vững, giúp tín dụng tiêu dùng ngày càng trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả với người dân”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.