Nợ xấu bất động sản thương mại tiếp tục gây áp lực lên các ngân hàng Mỹ

Một loạt ngân hàng ở Mỹ tiếp tục chịu tổn thất trong quí 3 do các khoản cho vay quá hạn trong lĩnh vực bất động sản thương mại (CRE), vốn đang chật vật ứng phó nhu cầu suy giảm do xu hướng làm việc từ xa và chi phí vay tăng cao.

Nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản thương mại tiếp tục gây tổn thất cho các ngân hàng ở Mỹ trong quí 3. Ảnh: dailyhodl.com

Nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản thương mại tiếp tục gây tổn thất cho các ngân hàng ở Mỹ trong quí 3. Ảnh: dailyhodl.com

Các chủ sở hữu cao ốc ở Mỹ đang căng thẳng về nợ nần vì lãi suất cao và tỷ lệ lấp đầy văn phòng vẫn ở quanh mức 50% so với trước đại dịch trong bối cảnh nhiều người lao động vẫn chọn làm việc tại nhà. Nhu cầu văn phòng yếu có thể gây ra làn sóng vỡ nợ của các chủ cao ốc, gây áp lực lên các ngân hàng cũng như những bên cho vay khác. Họ vẫn hy vọng thị trường văn phòng phục hồi để tránh bán các khoản nợ với mức chiết khấu đáng kể. Kết quả là, các ngân hàng tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và xóa bỏ nợ xấu từ quí trước, do các khoản vay CRE quá hạn và mất khả năng thanh toán.

“Tình trạng này sẽ tiếp diễn trong ít nhất một năm, khi nợ xấu tiếp tục tăng, kéo theo đó là việc xóa bỏ nợ xấu (đồng nghĩa với ghi nhận lỗ).Tôi chắc chắn rằng các ngân hàng đang cố gắng tránh bán tháo những tài sản kém nhất vì điều đó sẽ buộc họ phải xóa nợ lớn hơn”, Rebel Cole, giáo sư tài chính ở Đại học Florida Atlantic, bình luận.

Trong báo cáo thu nhập quí 3, ngân hàng Morgan Stanley lưu ý đã trích lập 134 triệu đô la cho rủi ro thua lỗ tín dụng. Morgan Stanley giải thích việc trích lập dự phòng là do “điều kiện xấu đi trong lĩnh vực bất động sản thương mại”.

Báo cáo của các ngân hàng khác ở Mỹ trong tuần qua cho thấy những thách thức tương tự đối với việc nắm giữ nợ CRE. Hôm 17-10, ngân hàng Goldman Sachs tiết lộ đã giảm khoảng 50% tỷ lệ nắm giữ nợ CRE liên quan đến văn phòng trong năm nay. Cùng ngày, ngân hàng Bank of America báo cáo các khoản nợ xấu, tức nợ quá hạn thanh toán ít nhất 90 ngày, tăng lên gần 5 tỉ đô la trong quí 3 từ mức 4,27 tỉ đô la trong quí 2, phần lớn là do nợ liên quan đến CRE.

Các chủ cao ốc gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho khoản vay CRE khi giá trị tài sản giảm và chi phí lãi vay tăng lên. Theo nhà cung cấp dữ liệu bất động sản Trepp, khoảng 20 tỉ đô la chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp tài sản văn phòng ở Mỹ, sẽ đáo hạn trong năm nay.

Theo nghiên cứu của JPMorgan và Citigroup, các ngân hàng lớn như JPMorgan và Goldman Sachs tương đối ít tiếp xúc với lĩnh vực bất động sản thương mại. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ có mức độ tiếp xúc với các khoản cho vay CRE cao hơn 4,4 lần so với các ngân hàng lớn. Citigroup chỉ ra rằng, các ngân hàng khu vực hoặc nhỏ hơn nắm giữ 70% khoản vay CRE.

Theo Mayra Rodriguez Valladares, nhà tư vấn rủi ro ngân hàng và thị trường vốn, nhiều ngân hàng lớn hưởng lợi nhờ đa dạng hóa cho vay. Trong khi đó, các ngân hàng khu vực không có được lợi thế này.

Ngân hàng Wells Fargo chứng kiến mức nợ xóa ròng trên danh mục cho vay CRE tăng lên so với các quí trước. Nợ xóa ròng là phần tổn thất cuối cùng sau khi lấy dư nợ khó đòi trừ đi phần nợ thu hồi được. Hôm 13 -10, ngân hàng này báo cáo nợ xóa ròng trong các khoản cho vay CRE là 93 triệu đô la, tăng so với 79 triệu đô la trong quí hai và 17 triệu đô la trong quí đầu tiên. Ngoài ra, khoản dự phòng rủi ro thua lỗ tín dụng của Wells Fargo tăng 333 triệu đô la trong quí 3 chủ yếu do khoản nợ xấu liên quan đến CRE. Ngân hàng này cũng chứng kiến mức tăng 1,3 tỉ đô la trong các khoản vay quá hạn thanh toán ít nhất 90 ngày ở lĩnh vực bất động sảnvăn phòng.

Trong báo cáo kinh doanh quí 3, ngân hàng PNC Financial Services Group. ghi nhận dư nợ xấu CRE tăng hơn gấp đôi lên 723 triệu đô la từ 350 triệu đô la trong quí 2.

“Dù chất lượng tín dụng tổng thể trong danh mục cho vay của chúng tôi vẫn tốt nhưng áp lực mà chúng tôi dự kiến trong lĩnh vực bất động sản văn phòng bắt đầu thành hiện thực”, Robert Reilly. Giám đốc tài chính PNC, nói với các nhà phân tích.

Các cơ quan quản lý đang theo dõi chặt chẽ rủi ro ở các khoản cho vay CRE của các ngân hàng. Trong báo cáo khảo sát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về ổn định tài chính công bố hồi cuối tuần qua, gần 75% người tham gia khảo sát xem lạm phát dai dẳng và mức định giá bất động sản cao là những rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính.

Cuộc khảo sát của Fed chỉ ra rằng, mức định giá bất động sản thương mại vẫn ở mức cao, ngay cả khi đã giảm trong bối cảnh tỷ lệ văn phòng trống còn cao. Fed cảnh báo, nếu nền kinh tế chậm lại một cách bất ngờ, mức đòn bẩy nợ cao nhìn chung có thể gây căng thẳng hoặc thậm chí nhấn chìm một số doanh nghiệp. Fed đặc biệt lưu ý rằng, việc điều chỉnh định giá tài sản văn phòng cùng với một cơn suy thoái kinh tế nhẹ có thể dẫn đến tổn thất đáng kể cho một loạt tổ chức tài chính có mức rủi ro khá lớn, bao gồm một số ngân hàng khu vực và cộng đồng cũng như các công ty bảo hiểm.

Theo Reuters

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/no-xau-bat-dong-san-thuong-mai-tiep-tuc-gay-ap-luc-len-cac-ngan-hang-my/