Nợ xấu ngân hàng có thể đã đạt đỉnh trong quý II
Nợ xấu có thể đã đạt đỉnh vào quý II năm nay, song áp lực nợ xấu có thể vẫn còn khi nền kinh tế phục hồi còn chậm và ảnh hưởng từ thị trường bất động sản.
Áp lực nợ xấu tiếp tục tăng
Nợ xấu vẫn tiếp tục là cơn đau đầu và trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2024.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023 với số dư 795.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,56%, tăng nhẹ so với cuối năm 2023 và gần như gấp đôi so với cuối năm 2022.
Nếu tính cả nợ tiềm ẩn có khả năng trở thành nợ xấu, nợ nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), nợ chưa thu hồi được thì nợ xấu ở vào khoảng 6,9%.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nợ xấu nội bảng tăng thêm 75.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, nợ cơ cấu lại theo Thông tư 02 tăng khá mạnh, với tổng giá trị nợ gốc và lãi tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023, lên 230.400 tỷ đồng. Số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt vào cuối tháng 6.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024, số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và Agribank, BaoViet Bank), tăng 46.719 tỷ đồng, tương đương hơn 20% so với cuối năm 2023.
Trong đó, 27/29 ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu tăng, phần lớn là mức tăng hai chữ số. Có 5 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng trên 40% so với cuối năm trước. Trong nhóm Big4, chỉ có Agribank có mức tăng thấp gần 2% còn các "ông lớn" còn lại đều có con số nợ xấu tăng từ 28% - 48%.
Nhìn chung trên số liệu toàn ngành, có thể thấy nợ xấu gia tăng chủ yếu ở các khoản nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5. Theo đó, các khoản nợ này tại một số ngân hàng tăng lên nhiều so với thời điểm đầu năm, một số nhà băng còn tăng lên gấp đôi đối với nhóm nợ nghi ngờ (nhóm 4).
SHB và PGBank là hai ngân hàng đi ngược chiều khi có số dư nợ xấu giảm sau nửa đầu năm. Trong đó, số dư nợ xấu của SHB giảm 362 tỷ đồng hay 2,7%, tiếp nối xu hướng giảm đã ghi nhận trong quý đầu năm. Nợ xấu của PG Bank cũng giảm 50 tỷ đồng hay 5%.
Vì sao nợ xấu tăng?
Nợ xấu tăng lên không nằm ngoài dự báo của thị trường. Theo ông Lê Hoài Ân, Founder IFSS, Giảng viên Đại học Ngân hàng, trong giai đoạn hiện tại, bơm tín dụng ra ngoài có thể cứu được nhiều doanh nghiệp thở oxy nhưng cũng bơm tiền vào những doanh nghiệp khó vượt qua.
Điều đó có thể trở thành rủi ro tiềm năng trong tương lai nhất là trong bối cảnh Thông tư 02 đang tiếp tục được gia hạn.Ngoài ra, tình trạng nhảy nhóm nợ chéo giữa các ngân hàng cũng khiến cho nợ xấu tại các ngân hàng gia tăng
Vị này cho rằng nhóm ngân hàng tư nhân có quy mô nhỏ đang tiềm ẩn rủi ro lớn hơn từ các khoản nợ xấu vì họ chịu áp lực phải tăng trưởng lợi nhuận và khó cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết nền kinh tế đang hồi phục nhưng nhìn chung chưa quá mạnh, vẫn đang trong giai đoạn khá là khó khăn, khiến nợ xấu tăng. Đồng thời, nguyên nhân khiến nợ xấu tăng trở lại phần nhiều liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhóm chiếm khoảng 40-45% trong tổng quy mô dư nợ của nhiều ngân hàng.
Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 2,4% nhưng tơí30/6, tăng trưởng tín dụng đã đạt 6% so với cuối năm 2023. Như vậy, trong tháng 6, tín dụng đã tăng 3,6%, riêng tuần cuối cùng tăng hơn 1,5%.
Riêng về tín dụng liên quan đến bất động sản,tính đến 31/5/2024, dư nợ lĩnh vực này đã tăng 4,61% so với cuối năm 2023, chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng (chiếm khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng bất động sản, tăng 1,15% so với cuối năm 2023). Còn dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 10,29% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng dư nợ.
"Nhìn các con số tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm, không ngoại trừ khả năng các ngân hàng đang cố gắng đẩy tăng trưởng tín dụng lên, gây ra áp lực lên nợ xấu" ông Minh nhận định.
Chuyên gia này cho rằng việc gia tăng nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng, mặt khác đòi hỏi các ngân hàng phải có những biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả để kiểm soát nợ xấu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính.
Bộ đệm dự phòng mỏng hơn
Một điểm đáng chú ý khác về các con số liên quan đến chất lượng tài sản là trong khi tỷ lệ nợ xấu gia tăng thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) tại phần lớn các ngân hàng đều giảm so với thời điểm cuối năm ngoái.
Tính chung toàn ngành, tỷ lệ này giảm 14,2 điểm %, từ mức 98,9% cuối năm ngoái xuống 84,7% vào cuối quý II/2024. Theo số liệu thống kê, có 23/29 ngân hàng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm trong 6 tháng qua. Hiện chỉ có 6 nhà băng duy trì được mức bao phủ trên ngưỡng 100% là Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, MB, Techcombank.
Tính đến hết quý II, VPBank là ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao nhất, lên hơn 8.313 tỷ đồng. VietinBank đã tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên 7.817 tỷ đồng, tăng 21% so với 6 tháng năm trước.
Ngân hàng BIDV cũng trích lập 5.358 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 36% so với cùng kỳ, tăng 12%. MB dẫn đầu nhóm cổ phần với trích lập dự phòng tính đến hết quý II là 2.006 tỷ đồng, tăng gần 67%.
Tương tự, ngân hàng KienlongBank cũng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp 23,9 lần cùng kỳ, lên 244,3 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, dự phòng KienlongBank đạt 355,9 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, những ngân hàng cùng có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng như VietABank, PGBank và SaigonBank cũng phải chịu áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nửa đầu năm nay, cao hơn so với cùng kỳ khi tỷ lệ nợ xấu tăng.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho thấy ngân hàng có sự chuẩn bị tốt cho rủi ro, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Vì vậy, mọi ngân hàng đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình.
Thực tế này đòi hỏi các ngân hàng phải có những biện pháp ứng phó kịp thời để kiểm soát nợ xấu và giảm thiểu rủi ro, đảm bảo sự an toàn cho toàn hệ thống tài chính trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Minh, với thanh khoản hiện tại của hệ thống ngân hàng, chưa đáng lo ngại như thời điểm trước năm 2018, hệ thống thanh khoản vẫn đang đảm bảo để phòng ngừa rủi ro về nợ xấu.
Nhóm ngân hàng Big4 phần lớn đều thực hiện trích lập khá đầy đủ, đảm bảo dự phòng rủi ro cho nợ xấu; tuy nhiên hai "ông lớn" VietinBank và BIDV có bộ đệm vốn khá là mỏng so với quy mô tổng tài sản của hai ngân hàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng tầm trung trở xuống có rủi ro tiềm ẩn trong tương lai, nguyên nhân do bộ đệm vốn các ngân hàng khá là mỏng, trong khi đó nguồn huy động cũng khá kém, tỷ lệ CASA thấp.
"Nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục song chưa rõ nét nên rủi ro nợ xấu tăng cao vẫn hiển hiện. Do đó, phương án tăng bộ đệm vốn tại các ngân hàng là cần thiết. Bên cạnh đó, bắt buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh tỷ lệ CASA để giảm áp lực rủi ro trong tương lai", ông Thế Minh nhận định.
Kỳ vọng nợ xấu hạ nhiệt
Dự báo về chất lượng tài sản ngân hàng, chuyên gia Nguyễn Thế Minh cho rằng nợ xấu có thể đã đạt đỉnh vào quý II năm nay, áp lực nợ xấu có thể vẫn còn nhưng kỳ vọng rằng trong quý III và quý IV có thể hạ nhiệt trở lại.
Ông kỳ vọng bức tranh nợ xấu sẽ có tín hiệu khả quan từ hai quý cuối năm nhờ hoạt động kinh tế khởi sắc và thị trường bất động sản phục hồi dần, kỳ vọng tính pháp lý của các dự án bắt đầu sẽ tháo gỡ dần và từ đó giảm áp lực nợ xấu, cũng như chính sách tín dụng thận trọng hơn. Đặc biệt nợ xấu hiện nay phần lớn thuộc về nhóm bất động sản có thể sẽ hạ nhiệt bớt đi trong giai đoạn tới đây.
Các yếu tố hỗ trợ được kể đến như vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Từ ngày 1/8 theo các quy định mới, ngân hàng sẽ được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Bên cạnh đó, Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 cũng cho phép mở rộng đối tượng và phạm vi mua bán nợ xấu, bao gồm cả việc mua nợ từ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều này sẽ giúp xử lý những khoản nợ xấu đang vay tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng trong và ngoài nước, vốn chưa được xử lý triệt để trước đây.
Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ và xử lý nợ xấu theo chương trình giai đoạn 2021-2025, tiếp tục kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng và giám sát chặt chẽ các hoạt động cấp tín dụng, tình hình xử lý nợ xấu.
Đồng thời, NHNN vẫn đang kiểm soát hoạt động cấp tín dụng cho các ngân hàng thông qua đánh giá xếp hạng chỉ số, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, trích lập đầy đủ, phòng ngừa rủi ro cao được ưu tiên cấp tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Theo ông Minh, với sự kiểm soát chặt chẽ này, sẽ hạn chế trường hợp ngân hàng đang có rủi ro, nhưng lại được cấp tín dụng quá nhiều, điều này làm khả năng phát sinh nợ xấu tăng lên, gây ra áp lực cho hệ thống về sau.
Với những quy định mới trong Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 cùng các luật mới được thông qua, việc xử lý nợ xấu kỳ vọng sẽ trở nên thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ hiệu quả. Đồng thời, những quy định này cũng giúp tạo ra sự minh bạch và niềm tin cho thị trường.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/no-xau-ngan-hang-co-the-da-dat-dinh-trong-quy-ii.html