Nợ xấu ngân hàng lại tăng cao
Xu hướng nợ xấu tăng trở lại trong quý đầu năm cho thấy sự cải thiện về chất lượng tài sản cuối năm ngoái chỉ mang tính thời vụ. Ước tính trong quý đầu năm, số dư nợ xấu của ngành ngân hàng đã tăng thêm 14% so với cuối năm 2023, lên 224.000 tỷ đồng.
Cuối năm ngoái, theo số liệu của NHNN, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng cũng đã tăng gấp đôi lên 4,55% từ mức 2,03% cuối 2022. Tín hiệu tích cực hơn xuất hiện vào cuối quý IV/2023, khi nợ xấu lần đầu tiên quay đầu giảm trong 8 quý liên tiếp.
Mặc dù vậy, bước sang quý I/2024, tình hình nợ xấu lại bất ngờ gia tăng trở lại. Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán ACBS ghi nhận, nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu của ngành ngân hàng đều có xu hướng tăng lên.
Xét về tổng thì tỷ lệ này đang thấp hơn giai đoạn quý II/2020 trong giai đoạn dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu xét riêng lẻ thì tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) và nợ nhóm 2 lại đang tăng lên đáng kể. Nhóm phân tích ACBS cho rằng, một lớp nợ xấu mới đang có dấu hiệu hình thành.
Thêm vào đó, trong giai đoạn từ quý II/2020 đến quý II/2021 và từ quý III/2021 đến quý I/2023, nợ tái cơ cấu giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên từ quý II/2023 tới nay, nợ tái cơ cấu lại đang có xu hướng tăng dần.
Theo dữ liệu ngành của WiChart, trong quý đầu năm nay, số dư nợ xấu của ngành ngân hàng đã tăng thêm 14% so với cuối năm 2023, lên 224.000 tỷ đồng. Đây là mức nợ xấu cao kỷ lục của ngành ngân hàng, vượt qua mức đỉnh ghi nhận hồi quý III/2023.
So với cuối năm 2022, nợ xấu toàn ngành đã tăng tới 64%. Đồng thời, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) cũng vọt tăng hơn 10% so với cuối năm 2023, lên gầm 216.000 tỷ đồng.
Thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hàng trong quý I/2024 đa phần đều có nợ xấu tăng. Trong đó, MB có mức tăng nợ xấu nhiều nhất với gần 5.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 56% so với cuối năm 2023 và BIDV tăng 4.632 tỷ đồng, tương ứng tăng 20,7%.
Theo Công ty Chứng khoán BSC, xu hướng nợ xấu tăng trở lại trong quý đầu năm cho thấy sự cải thiện về chất lượng tài sản cuối năm ngoái chỉ mang tính thời vụ. Điều này được xác nhận bởi tỷ lệ hình thành nợ xấu trong quý tăng lên mức 0,5% dù đã giảm liên tiếp ba quý trước đó.
Đặc biệt, BSC cũng nhận thấy việc phân loại nhóm nợ theo điểm tín dụng (CIC) cũng ảnh hưởng tới tình hình nợ xấu, trong đó tác động lớn nhất đến phân khúc bán lẻ và khách hàng lớn. Điền này khiến tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng như HDBank, MSB, MB và VIB đi lên trong quý đầu năm.
Trong khi nợ xấu liên tục tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng lại có xu hướng giảm sau khi tăng nhẹ cuối năm ngoái, phản ánh tốc độ trích lập dự phòng không đuổi kịp mức gia tăng nợ xấu.
“Điều này cho thấy áp lực trích lập dự phòng của hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn trong giai đoạn tới”, nhóm phân tích ACBS nhận định.
ACBS cũng hạ triển vọng ngắn hạn của ngành ngân hàng từ tích cực xuống còn trung tính do bức tranh lợi nhuận và rủi ro của các ngân hàng có sự phân hóa mạnh.
Chứng khoán SSI cho rằng tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Mặc dù vậy, đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu sẽ chỉ tăng nhẹ so với năm 2023, từ mức 1,63% lên 1,68%. Nguyên nhân do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.
Đồng quan điểm này, Chứng khoán BSC cũng tin rằng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng được cải thiện rõ hơn về nửa cuối năm 2024 với xu hướng tiếp tục sử dụng dự phòng (tăng trích lập) để xử lý nợ, qua đó dự kiến chất lượng tài sản toàn ngành được duy trì ổn định, nhất là sau khi quy định về tái cơ cấu nợ trong Thông tư 02 đã được gia hạn đến hết năm.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/no-xau-ngan-hang-lai-tang-cao-1715495377794.htm