Nợ xấu ngân hàng: Những gam màu
Nỗi ám ảnh nợ xấu của các ngân hàng thời gian gần đây ghi nhận nhiều điểm đáng mừng nhờ sự nỗ lực không ngừng trong quá trình quản trị rủi ro và xử lý nợ. Dù vậy, chúng ta vẫn phải dũng cảm nhìn vào thực tế, đó là nợ xấu vẫn… chưa hết xấu.
Những con số khả quan
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6-2019, ước tính toàn hệ thống đã xử lý được 937.500 tỷ đồng nợ xấu. Riêng trong năm 2018, hệ thống đã xử lý được 163.140 tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu được chính thức công bố trên bảng cân đối kế toán hệ thống ngân hàng giảm từ 2,1% (hồi tháng 6-2018) xuống còn 1,9% (vào tháng 6-2019). Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu tổng thể (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) và nợ được coi là có nguy cơ cao trở thành nợ xấu) giảm từ 6,9%/năm (vào giữa năm 2018) xuống còn 5,9%/năm (vào giữa năm 2019).
Theo khảo sát, mặc dù số tuyệt đối nợ xấu ở các ngân hàng hầu hết đều tăng, nhưng do tín dụng tăng nên tỉ lệ nợ xấu ở gần 2/3 số ngân hàng lại giảm. Điều này có nghĩa tốc độ tăng nợ xấu đang thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, số dư trái phiếu VAMC tại các ngân hàng cũng đang có xu hướng sụt giảm, đặc biệt giảm mạnh tại một số ngân hàng như Agribank, VPBank, TPBank, Saigonbank... Tổng số nợ xấu tại VAMC của các ngân hàng ước đạt gần 144.500 tỷ đồng, giảm 4,1% so với cuối năm 2018. Trong đó, đã trích lập dự phòng hơn 31.300 tỷ đồng. Hai “ông lớn” ngân hàng thương mại Nhà nước là VietinBank và BIDV có số dư trái phiếu VAMC còn lần lượt 13.800 tỷ đồng và 12.800 tỷ đồng, trong khi đó Agribank có số dư cực thấp nhưng đã dự phòng thừa số dư trái phiếu VAMC.
Đặc biệt, có tới 7 ngân hàng đã chính thức sạch nợ tại VAMC, bao gồm: Vietcombank, Techcombank, MBBank, OCB, VIB, Nam A Bank và TPBank. Khi Basel II đang tới gần, các ngân hàng tiếp tục chạy đua để xử lý nợ xấu, đảm bảo chất lượng tài sản phù hợp. Vì vậy, số liệu nợ xấu tại các ngân hàng chắc chắn sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới.
Vẫn còn những “lấn cấn”
Dù đạt được những kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh, nhất là trong vấn đề xử lý nợ xấu nhưng phải nhìn nhận một thực tế là nợ xấu ngân hàng vẫn còn… rất xấu. Dưới góc nhìn chuyên gia, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng phân tích: Cách đây 5 năm, các ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC và nhận về trái phiếu đặc biệt của VAMC. Sau đó, ngân hàng lại hạch toán trái phiếu này vào tài sản tốt, vì trái phiếu VAMC là tài sản rất ít rủi ro. “Như vậy, rõ ràng nợ xấu đã được “khoác áo mới”, giúp tổng tài sản của ngân hàng thành tổng tài sản tốt. Như vậy là mình đã tự lừa mình” - vị chuyên gia nói.
Trên thực tế, nếu nợ xấu không thu hồi được sẽ trở thành chi phí bất thường, “ăn” vào lãi của ngân hàng. Nhưng vì một phần lớn đã được “đẩy” sang VAMC trong thời gian 5 năm hay 10 năm mà không bắt buộc phải hạch toán chi phí ngay trên bảng cân đối kết quả kinh doanh đã giúp “làm hồng” con số lợi nhuận ngân hàng…. Do đó, khi nhìn vào con số kết quả kinh doanh của ngân hàng vẫn còn thấy nhiều ẩn số.
Đơn cử như các khoản lãi phải thu. Hiện nay, các khoản lãi phải thu vẫn đang được tính vào lãi của các ngân hàng. Đơn cử như BIDV có khoản lãi phải thu cao nhất hệ thống, lên tới hơn 11.300 tỷ đồng; Vietcombank hơn 7.500 tỷ đồng… Riêng Vietinbank sau khi “cắn răng” thoái lãi dự thu thì con số này giảm mạnh từ trên 14.500 tỷ đồng về còn trên 6.900 tỷ đồng, lợi nhuận ngân hàng vì vậy cũng bị sụt giảm.
Theo quy định của Bộ Tài chính, sau 6 tháng, lãi dự thu nếu chưa thu được hoặc khi chuyển nợ quá hạn thì phải thoái ra. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ngân hàng không chuyển nhóm nợ, và theo đó cũng không thoái lui lãi, bởi nếu làm vậy sẽ khiến nợ xấu tăng cao và lợi nhuận suy giảm. Bởi vậy, nhiều ngân hàng cứ “treo” khoản lãi phải thu từ năm này qua năm khác.
Dù đạt được những kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh, nhất là trong vấn đề xử lý nợ xấu nhưng phải nhìn nhận một thực tế là nợ xấu ngân hàng vẫn còn… rất xấu.
“Rất nhiều những khoản lãi của những khoản nợ dính vào nợ xấu vẫn được các ngân hàng hạch toán vào các khoản lãi phải thu, và không ít trong số các khoản phải thu đó họ biết chắc chắn là không bao giờ có thể thu lại được. Điều này dẫn đến 2 hiệu ứng là tăng tổng tài sản và tăng lợi nhuận kinh doanh, nhưng 1 phần trong đó chỉ là tài sản ảo, lợi nhuận ảo” - Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nêu thực tế.
Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã phải có văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện đúng quy định pháp luật về dự thu lãi phù hợp. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh. Ngân hàng cũng cần thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi dự thu lớn. Điều này giúp các đơn vị kịp thời thoái lãi thu đối với các trường hợp khó thu hồi, thoái các khoản thu lãi dự thu theo quy định.
Gánh nặng tín dụng lớn, nợ xấu ngân hàng khó giảm
Thời gian qua, một số ngân hàng mua lại nợ xấu của ngân hàng để tự xử lý, nhưng phần lớn vẫn còn nằm lại VAMC. Theo cơ chế mua nợ xấu, VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt cho các tổ chức tín dụng bán nợ, có kỳ hạn 5 năm hoặc 10 năm. Nếu trái phiếu đáo hạn mà nợ xấu không được xử lý, nó sẽ trở lại với các ngân hàng. Tính từ thời điểm bán nợ mạnh nhất của các tổ chức tín dụng cho VAMC vào năm 2015 thì thời gian 5 năm đã sắp trôi qua và một lượng lớn nợ xấu có khả năng sẽ phải hạch toán vào bảng cân đối kết quả kinh doanh của các ngân hàng.
Câu hỏi đặt ra là, liệu đến thời điểm đó, cơ quan quản lý có cho phép ngân hàng tiếp tục duy trì tài sản nợ tại VAMC. Vì những khoản nợ trải qua 5 năm không thu hồi được sẽ là những khoản nợ rất khó thu hồi. Nếu trở lại các ngân hàng thì ngân hàng sẽ phải xóa nợ ngay và những khoản nợ này sẽ bị trừ vào vốn chủ sở hữu, ảnh hưởng đến toàn bộ bảng cân đối kế toán.
Dù đánh giá cao những nỗ lực xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua, nhưng theo ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho rằng, về lâu dài vấn đề xử lý nợ xấu phải gắn với việc phát triển thị trường vốn để san sẻ bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. “Nếu ngân hàng tiếp tục phải gánh cung cấp tín dụng cho cả nền kinh tế thì nó có thể tiếp tục là nguyên nhân “đẻ” ra nợ xấu trong tương lai. Vì vậy cần phát triển thêm kênh thị trường vốn để san sẻ bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, từ đó giúp giảm nợ xấu”.
Nhưng theo vị chuyên gia này, quá trình phát triển thị trường vốn không phải dễ dàng, đòi hỏi hệ thống về thể chế, về pháp luật cũng như là các biện pháp để đảm bảo phát triển thị trường vốn một cách lành mạnh. “Đặc biệt những vấn đề như vừa rồi các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có dấu hiệu mua trái phiếu để đảo nợ cho thấy thị trường vốn vẫn còn nhiều vấn đề. Tuy nhiên đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác cũng đều xảy ra như thế”.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc các ngân hàng đang cấp tập thực hiện những yêu cầu của Basel II cũng đang là một giải pháp quan trọng về lâu dài để các ngân hàng hạn chế nợ xấu. Vì việc thực hiện Basel II buộc các ngân hàng phải tuân thủ những yêu cầu chặt chẽ về vốn, nhất là tỷ lệ an toàn vốn.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/no-xau-ngan-hang-nhung-gam-mau/827035.antd