Nợ xấu nhảy nhóm (Phần 1): Nợ nhóm 5 tăng vọt tại nhiều ngân hàng

Tại thời điểm 31/12/2024, ước tính tổng dư nợ nhóm 5 tại 27 ngân hàng niêm yết trong hệ thống tăng 42% so với cùng kỳ 2023.

Tính đến thời điểm cuối quý IV/2024, tỷ lệ nợ xấu bình quân của các ngân hàng niêm yết đã giảm 34 điểm cơ bản so với quý liền trước xuống còn 1,91%, sau 4 quý liên tiếp tăng. Tỷ lệ hình thành nợ xấu cũng giảm 10,1% so với quý trước. Theo các chuyên gia, nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng song song với xử lý nợ xấu tích cực của các ngân hàng trong quý cuối năm đã góp phần cải thiện chất lượng tài sản của toàn ngành trong năm qua.

Thống kê của người viết từ báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2024 của 27 ngân hàng niêm yết trong hệ thống cho thấy tại thời điểm kết thúc quý IV/2024, tổng dư nợ xấu đạt hơn 226.000 tỷ đồng. Trong khi nợ nhóm 3 và nhóm 4 có xu hướng cải thiện, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng mạnh 42% lên hơn 130.000 tỷ đồng, vượt xa mức tăng của nợ xấu nói chung (16,5%).

Nợ nhóm 5 tăng mạnh tại nhiều ngân hàng

Thống kê cho thấy, tại thời điểm cuối quý IV/2024, có 24/27 ngân hàng ghi nhận nợ nhóm 5 tăng so với đầu năm, chỉ 3/27 ngân hàng báo nợ nhóm 5 giảm với mức giảm khiêm tốn loanh quanh 1-3%.

 Ảnh: T.D tổng hợp từ BCTC ngân hàng.

Ảnh: T.D tổng hợp từ BCTC ngân hàng.

Theo đó, dư nợ nhóm 5 tại top 10 ngân hàng có nợ nhóm 5 lớn nhất đạt gần 100.000 tỷ, chiếm khoảng 76% tổng dư nợ nhóm 5 toàn hệ thống và tăng 37% so với đầu năm.

Trong 4 ngân hàng ghi nhận dư nợ nhóm 5 vượt 10.000 tỷ thì có 3 ngân hàng thuộc nhóm Big4 (BIDV, VietinBank, Vietcombank) do đặc thù dẫn đầu hệ thống về cung ứng vốn cho thị trường; cái tên còn lại là ngân hàng Quốc Dân (NCB).

Một số nhà băng ghi nhận nợ nhóm 5 chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu dư nợ xấu như NCB (nợ nhóm 5 chiếm gần 95% dư nợ xấu), ACB (78%), SeABank (77%), Eximbank (71%)...

 Ảnh: T.D tổng hợp từ BCTC ngân hàng.

Ảnh: T.D tổng hợp từ BCTC ngân hàng.

Xét về mức tăng, nhiều ngân hàng trong hệ thống ghi nhận nợ nhóm 5 tăng ba chữ số trong năm qua, có thể kể tới như VIB (191%), Nam A Bank (165%), Techcombank (137%), LPBank (107%), ABBank (104%). Chỉ 3 ngân hàng có dư nợ nhóm 5 tại thời điểm kết thúc năm 2024 giảm so với đầu năm là SHB, TPB và NCB với mức giảm loanh quanh 1-3%.

Đã phản ánh vào kết quả kinh doanh

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng toàn ngành đến cuối năm 2024 ước đạt hơn 15,6 triệu tỷ đồng, tăng 15,1% so với cuối năm 2023. Như vậy, ước tính 130.000 tỷ dư nợ nhóm 5 tại 27 ngân hàng trong hệ thống chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% trong tổng dư nợ tín dụng, tức rủi ro không phải quá lớn.

Bên cạnh đó, khoản mục nợ nhóm 5 trên BCTC thực chất đều đã được các ngân hàng trích lập dự phòng với tỷ lệ trích lập cụ thể 100%. Tại thời điểm 31/12/2024, hầu hết các ngân hàng trong hệ thống đều ghi nhận dự phòng rủi ro tín dụng tăng so với đầu năm, chỉ có 2 ngân hàng giảm là BIDV và SHB. Một số ngân hàng có nợ nhóm 5 tăng mạnh trong năm qua cũng là những ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro thuộc top đầu hệ thống, chẳng hạn Nam A Bank (tăng 34%), VIB (tăng 33%), Techcombank (32%),MSB (29%), ABBank (27%), LPBank (25%)... Tức là rủi ro mất vốn từ các khoản này về cơ bản đã được phản ánh đầy đủ vào kết quả lợi nhuận năm qua của các ngân hàng.

Nhìn vào bức tranh lợi nhuận toàn ngành năm qua, trong 4 ngân hàng báo lãi giảm hoặc lỗ là VIB, SaiGonBank, OCB và NCB; đây đều là những ngân hàng có dư nợ xấu cao hoặc nợ xấu tăng đáng kể trong năm qua, đặc biệt là nợ nhóm 5. Riêng tại NCB, ngân hàng duy nhất trong hệ thống báo lỗ trong 2024 với lợi nhuận trước thuế cả năm -5.128 tỷ đồng, mức lỗ ròng chủ yếu đến từ chi phí thực hiện phương án cơ cấu lại (PACCL) khoảng 4.586 tỷ đồng trong 2024, bao gồm các khoản chi phí dự phòng rủi ro, trích lập dự phòng cụ thể cho vay khách hàng, thoái lãi dự thu cho vay và đầu tư chứng khoán nợ…

Dù vậy nhìn chung đa số bức tranh kết quả kinh doanh toàn ngành là gam màu tích cực nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và động lực từ các khoản thu nhập ngoài lãi. Theo các chuyên gia, với mức biên lãi ròng trung bình của 27 ngân hàng niêm yết đạt 3,38% tính đến cuối năm 2024 (cá biệt có một vài ngân hàng NIM vượt 5%), phần lợi nhuận mà ngân hàng thu về từ các khoản tín dụng chất lượng vẫn dư sức bù đắp rủi ro mất vốn ở các khoản nợ nhóm 5.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ nợ xấu nói chung và nợ nhóm 5 nói riêng tăng gây ảnh hưởng đến động lực giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng bởi kỳ vọng duy trì biên độ lãi suất đầu ra - đầu vào hợp lý để bù đắp rủi ro.

 Ảnh: T.D tổng hợp từ BCTC ngân hàng.

Ảnh: T.D tổng hợp từ BCTC ngân hàng.

Thùy Dung

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/no-xau-nhay-nhom-phan-1-no-nhom-5-tang-vot-tai-nhieu-ngan-hang.html