Nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ suy giảm, gánh nặng vẫn đè vai ngân hàng

Tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các ngân hàng tăng trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi tỷ lệ bao phủ lại giảm. Các chuyên gia kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm, kinh tế, tín dụng phục hồi sẽ giúp các ngân hàng cải thiện tiến trình xử lý nợ xấu.

Gánh nặng nợ xấu tăng thêm

Khảo sát báo cáo tài chính quý II/2024 của các ngân hàng thương mại cho thấy, tính tới cuối tháng 6/2024, có tới 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2023. Số dư nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng đã tăng hơn 20% trong nửa đầu năm, tại nhiều ngân hàng, nợ xấu tuyệt đối thậm chí đã tăng 30-50%.

Chẳng hạn như tại BIDV, nợ xấu đã tăng 28% lên mức 28.687 tỷ đồng; VietinBank tăng 48,4% lên 24.646 tỷ đồng.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, BacABank ghi nhận số dư nợ xấu tăng mạnh đến 65,4% trong nửa đầu năm; VietABank tăng 52,3%, VietBank tăng 47,4%, ACB tăng 37,9%. Một số ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu/cho vay ở mức trên 3% như VietBank, ABBank, BVBank...

Theo ông Lê Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục 4, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2024, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022.

Tổng nợ xấu nội bảng, nợ tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6/2024 chiếm tỷ lệ 6,44% so với tổng dư nợ.

Các ngân hàng tiếp tục phải tăng trích lập dự phòng rủi ro

Các ngân hàng tiếp tục phải tăng trích lập dự phòng rủi ro

Do quy mô nợ xấu tăng nhanh, nên dù các ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro, song bao phủ nợ xấu vẫn suy giảm. Tính tới giữa năm nay, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành giảm xuống chỉ còn gần 85% so với mức gần 99% cuối năm ngoái.

Theo thống kê, có tới 23/29 ngân hàng suy giảm bao phủ nợ xấu. Trong đó VietinBank dù tăng trích lập dự phòng rủi ro thêm 21% so với cùng kỳ năm trước, lên 7.817 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn giảm mạnh tới 53,5%.

Tương tự, BIDV tăng trích lập thêm 36%, lên 5.385 tỷ đồng, song tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm gần 49%. Vietcombank tỷ lệ này cũng giảm hơn 18%...

Hiện tại, các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao tiếp tục tập trung ở nhóm ngân hàng Nhà nước như Vietcombank (212%), BIDV (132%), VietinBank (113%) và Agribank (114%); trong khi hầu hết các ngân hàng thương mại tư nhân có bộ đệm giảm. Toàn hệ thống đang có hơn chục ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ dưới 50%, trong đó có ngân hàng bao phủ nợ xấu chỉ đạt 5%.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nợ xấu ghi nhận tăng như một hệ quả của quá trình từ dịch Covid-19 cho đến hậu dịch và khó khăn chung của nền kinh tế, không phải là quá trình mới phát sinh hay do khả năng kiểm soát chất lượng tín dụng kém của hệ thống ngân hàng.

Kỳ vọng thêm gam màu sáng trong xử lý nợ xấu

Các chuyên gia đánh giá, mục tiêu đưa nợ xấu giảm trong nửa cuối năm 2024, đặc biệt là về dưới 3% trong năm 2025 sẽ gặp phải nhiều thách thức khi bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và đặc biệt là khi các Thông tư 02, 06 đang cho phép cơ cấu nợ sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2024 và có thể không được gia hạn

Nhiều ngân hàng thương mại cho hay, các ngân hàng đang đứng trước khó khăn kép về nợ xấu. Không chỉ nợ xấu tăng cao, bao phủ nợ xấu suy giảm, mà việc thu hồi, xử lý nợ ngày càng khó khăn trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực.

Số liệu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, chủ yếu trong số này là xử lý bằng dự phòng rủi ro với 82.600 tỷ đồng, chiếm 49,4% và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Còn lại, khách hàng trả nợ đạt 60.600 tỷ đồng; bán phát mại tài sản đảm bảo đạt 4.110 tỷ đồng; bán nợ cho VAMC đạt 2.560 tỷ đồng...

Theo ghi nhận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu gặp một số vướng mắc chính liên quan đến quyền thu giữ, kê biên tài sản bảo đảm; thứ tự ưu tiên thanh toán đối với nguồn tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm; khó khăn trong việc áp dụng quy trình thủ tục rút gọn khi tố tụng tại tòa; khó khăn trong việc xử lý, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự; xử lý tài sản bảo đảm là cổ phần, cổ phiếu; xử lý các tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai…

Dù vậy, một số góc nhìn vẫn tương đối tích cực về nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối phân tích Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, mặc dù phải thừa nhận chất lượng tài sản đã suy giảm trong thời gian gần đây nhưng chất lượng tài sản sẽ phục hồi trong những tháng tới khi nền kinh tế Việt Nam được cải thiện.

Hơn nữa, Luật Bất động sản mới sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc ghi nhận giá trị từ tài sản thế chấp.

Quan trọng hơn, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ mạnh mẽ, vượt mục tiêu 15% của Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy thu nhập.

Các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, quy mô nợ xấu sẽ giảm nhẹ vào cuối năm khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023 để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối.

Ngoài ra, hoạt động kinh tế phục hồi giúp giảm áp lực nợ xấu hình thành và giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.

Nhật Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/no-xau-tang-ty-le-bao-phu-suy-giam-ganh-nang-van-de-vai-ngan-hang-post585784.antd