Nobel Kinh tế 2023 và vai trò của lao động nữ
Chuyên gia lịch sử lao động và kinh tế người Mỹ Claudia Goldin thắng giải nhờ công trình nghiên cứu về bất bình đẳng tiền lương giữa nam giới và nữ giới
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển hôm 9-10 quyết định trao giải Nobel Kinh tế 2023 cho bà Claudia Goldin, giáo sư 77 tuổi hiện làm việc tại Trường ĐH Harvard (Mỹ), vì đã giúp nâng cao hiểu biết về vai trò của nữ giới trong lực lượng lao động.
Ủy ban Nobel đánh giá bà Goldin là người đầu tiên cung cấp báo cáo toàn diện về thu nhập và đóng góp của phụ nữ vào thị trường lao động qua nhiều thế kỷ.
Nghiên cứu của bà không chỉ tiết lộ các xu hướng mới mà còn chỉ ra các nguyên nhân chính tạo nên tình trạng bất bình đẳng giới: Phụ nữ chiếm tỉ lệ rất thấp trong thị trường lao động toàn cầu và khi đi làm, họ kiếm được thu nhập thấp hơn nam giới.
Chuyên gia lịch sử lao động và kinh tế người Mỹ này đã nghiên cứu dữ liệu được thu thập trong hơn 200 năm qua trong các kho lưu trữ của Mỹ, cho phép bà chứng minh cách thức và lý do khác biệt về giới tính trong thu nhập và tỉ lệ việc làm thay đổi theo thời gian.
Theo thông báo của Ủy ban Nobel, bà Goldin cho thấy sự tham gia của nữ giới vào thị trường lao động trong 200 năm qua không có xu hướng tăng lên mà thay vào đó là xu hướng "hình chữ U".
Xu hướng phụ nữ kết hôn tham gia thị trường lao động giảm trong giai đoạn chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp vào đầu thế kỷ XIX và bắt đầu tăng cùng với sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ vào đầu thế kỷ XX.
Theo bà Goldin, mô hình này là kết quả của sự thay đổi cơ cấu và các chuẩn mực xã hội liên quan đến trách nhiệm của phụ nữ đối với gia đình.
Vào thế kỷ XX, trình độ học vấn của phụ nữ liên tục tăng lên và ở hầu hết các nước có thu nhập cao, trình độ học vấn của phụ nữ hiện cao hơn đáng kể so với nam giới.
Dù vậy, bất chấp tiến trình hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế và tỉ lệ phụ nữ đi làm ngày càng tăng, khoảng cách thu nhập giữa phụ nữ và nam giới vẫn không được thu hẹp.
Theo bà Goldin, một phần nguyên nhân nằm ở việc các quyết định về giáo dục hướng nghiệp được đưa ra ở độ tuổi tương đối trẻ. Nếu phụ nữ theo bước các thế hệ trước - tức đợi con cái lớn lên mới đi làm lại - thì triển vọng nghề nghiệp sẽ bị hạn chế.
Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Nobel Kinh tế Jakob Svensson nhận định: "Hiểu được vai trò của phụ nữ trong thị trường lao động là điều quan trọng đối với xã hội. Nhờ nghiên cứu mang tính đột phá của bà Goldin, chúng ta đã biết nhiều hơn về các yếu tố nền tảng và những trở ngại cần được giải quyết trong tương lai".
Theo hãng tin Reuters, bà Goldin là người phụ nữ thứ 3 giành được giải Nobel Kinh tế, sau nhà khoa học chính trị người Mỹ Elinor Ostrom (năm 2009) và nhà kinh tế Esther Duflo (năm 2019). Thư ký Thường trực Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển Hans Ellegren cho biết: "Bà ấy rất ngạc nhiên và vô cùng hạnh phúc".