Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Cuối tuần, các em học sinh học nội trú lại trở về thôn Làng Nủ và nỗi nhớ bạn càng thêm quay quắt. Cậu học sinh Ma Trường Quyền vẫn mơ thấy người bạn thân, nhưng khi tỉnh dậy lại buồn vì bạn đã mất rồi.

Mơ bạn

Ma Trường Quyền, học sinh lớp 9 Trường THPT&THCS số 1 Phúc Khánh ngồi cạnh anh trai và mắt không rời chiếc xe xúc đang lê lết trên vũng bùn ở bờ suối thôn Làng Nủ. Đã hơn nửa tháng trôi qua, công việc tìm kiếm vẫn tiếp tục, dù nỗi tuyệt vọng mỗi ngày lớn dần. Chiều 26/9, có thêm 1 thi thể được tìm thấy. Cậu bé nổi da gà khi nghe người lớn nói rằng, không thể tìm được nữa, vì chôn sâu tới 30 mét.

Hoàng Trần Bảo Sơn với ánh mắt đăm đăm nhìn ra bờ suối. Ảnh: Văn Chương

Hoàng Trần Bảo Sơn với ánh mắt đăm đăm nhìn ra bờ suối. Ảnh: Văn Chương

Quyền vừa ở trường nội trú và trở về nhà vào ngày cuối tuần. Nỗi ám ảnh lớn tới mức, ngày đầu tiên đi học sau trận lũ quét, người mẹ phải chở cậu đi 5 km ra trường học vì cậu vốn sợ ma. Quyền nói một câu khiến tôi cũng giật cả mình: “Hai người bạn thân của em là Ánh Nam và Quỳnh Mai chết, nhưng có một người bạn thân nhất là Ánh Nam về gọi em, rủ đi tắm, em mừng quá vì thấy bạn còn sống, nhưng mở mắt biết là ngủ mơ”.

Cậu học sinh Ma Trường Quyền nhìn ra bờ suối, nhớ bạn. Ảnh: Văn Chương

Cậu học sinh Ma Trường Quyền nhìn ra bờ suối, nhớ bạn. Ảnh: Văn Chương

Ma Trường Quyền nhìn ra bờ suối, cũng chỗ đó vào ngày 10/9 lúc sáng tinh mơ, tiếng người la hét vang cả xóm và cậu nhìn ra thì thấy người bạn thân nhất của mình là Hoàng Anh Trường đang chới với giữa bùn đất. Con suối chảy qua làng rất hiền hòa nhưng sau tiếng nổ của núi thì giống như một phép màu và còn hơn cả ác mộng, núi đất cao khoảng 30 mét tuôn xuống và cuốn theo rất nhiều người. Khi thấy một người kéo được Ánh Nam vào gần bờ, Quyền không ngại nguy hiểm nên nhào ra đỡ và gọi tên. “Bạn ấy chắc không kịp nhìn thấy mình, chỉ ngáp mấy cái rồi nhắm mắt lại luôn” - Quyền khóc và kể.

Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT&THCS số 1 Phúc Khánh, chia sẻ: “Có 13 em học sinh đã vĩnh viễn không còn quay lại trường học. Nhà trường vừa tiếp nhận và sắp xếp học nội trú cho 107 em học sinh ở thôn Làng Nủ. Khoảng cách từ nhà trường đến Làng Nủ chỉ có khoảng 5 km, theo quy định các em học sinh này không được ở nội trú, vì vậy nhà trường mong muốn các cấp chính quyền xem xét tạo cho nhà trường cơ chế đặc biệt để giúp các em”.

Từ ngày chuyển sang chế độ học nội trú và cuối tuần mới về nhà, Quyền và người anh trai là Ma Trường Huy cùng nhau rời thôn Làng Nủ, nhưng hình ảnh núi rừng và người bạn khép dần đôi mắt, thở hắt hơi và qua đời khiến cậu bàng hoàng và mong trở về nhà vào ngày cuối tuần.

Chờ bạn

Sáng ngày 24/9, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) và lực lượng Bộ đội Biên phòng đã rút quân sau 15 ngày tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong trận sạt lở tại thôn Làng Nủ, nhưng tại hiện trường vẫn còn một số ít anh em bộ đội hỗ trợ bà con thêm vài ngày nữa. Cậu bé Hoàng Trần Bảo Sơn, Hoàng Thị Chi và Hoàng Thị Ánh Hồng từ Trường THPT&THCS số 1 Phúc Khánh trở về nhà, bà con thôn Làng Nủ lao xao kể chuyện từng bắt con trăn trên núi Con Voi bò xuống, có khi bị quở phạt.

Dọc bờ sông, những chiếc xe múc vẫn ầm ầm đào đất, mỗi khi chiếc gàu sục xuống bùn, nhiều người lớn dán mắt nhìn theo vì sợ sẽ chạm và làm đau ai đó đang nằm dưới bùn đất. Những ngày học ở trường, các bạn luôn nhắc tới những cô, cậu bé học cùng trường may mắn sống sót và đang nằm điều trị tại bệnh viện, đó là em Sầm Văn Nhuận, Nguyễn Thị Tuynh, Hoàng Ngọc Lan.

Khi trở về trên con đường với những đồi cọ lô xô hiện ra bên cạnh dòng suối, Bảo Sơn lại rơi nước mắt. Cậu nói: “Chỗ đó chứ đâu, cháu với bạn Trường hay chạy dưới rừng cọ, rồi rủ nhau lên tắm suối ở chân núi Con Voi”. Bóng dáng tin hin của 3 em học sinh đứng bên bờ suối trong âm thanh ầm ầm của máy xúc, bóng người lao xao đi lại và nét mặt hiện nỗi u uẩn, bà Hoàng Thị Cảnh gọi: “Thôi về lo học đi, đừng ra đây chờ nữa, tối về ngủ lại chiêm bao”.

Tại ngôi nhà sàn của vợ chồng anh Hoàng Thị Bài và Bàn Văn Tiếp nằm gần điểm trường mẫu giáo thôn Làng Nủ, cháu bé Bàn Thị Khánh Vy vừa đi học về nhà đã hỏi mẹ về bạn Minh Khôi. Dù còn bé và ý thức chưa hiểu hết chuyện buồn của người lớn, nhưng cô bé học lớp mẫu giáo vẫn đăm chiêu trên khuôn mặt và thỉnh thoảng lại nhắc “Khánh Vy khi nào lại đến trường”.

Với Hoàng Thị Thảo My, hiện đang học lớp 7, mỗi khi đi qua khóm cọ nằm ở triền đồi lại nhắc tới người bạn thân là Hoàng Thị Quỳnh Linh. Thảo My cho biết, hiện nay vừa chuyển sang học nội trú, nhưng các bạn trong lớp và cô giáo Ngô Thị Bích Phượng vẫn nhắc tên các bạn đã mất. Thỉnh thoảng gặp người bạn cùng lớp và cùng thôn là Hoàng Trần Bảo Sơn, hai đứa lại nói câu nhớ bạn Quỳnh Linh.

Tuổi thơ

Ngày cuối tuần, các em học sinh lại ra suối chờ tin tìm người thân. Ảnh: Văn Chương

Ngày cuối tuần, các em học sinh lại ra suối chờ tin tìm người thân. Ảnh: Văn Chương

Tuổi thơ của những đứa trẻ ở vùng sơn cước này tràn ngập ký ức, giống như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường mô tả. Cái ngọn núi Con Voi gây tang tóc cho dân làng khiến 57 người chết trong vụ lũ quét sạt lở đất vào sáng sớm ngày 10/9 lại chính là nơi các bạn nhỏ vui đùa. Ngày trước, mỗi khi đi học về, nhóm bạn của Ma Trường Quyền lại chạy hơn 1 km, tới chân núi Con Voi, sau đó đi dần lên hướng vách núi, nơi có con suối trong vắt, dòng chảy như trong cõi mơ.

Quyền thường nhảy xuống nước trước, các bạn nhảy sau. Cả buổi trưa, thậm chí kéo dài tới chiều, cuộc vui chơi của những đứa trẻ cứ miên man bất tận. Nếu ở miền xuôi, cha mẹ thấy con vắng nhà lâu thì sẽ đi tìm kiếm cùng với lời răn đe “cấm ra sông, xuống suối”. Còn ở vùng cao này, sông suối giống như sân chơi, lũ trẻ lớn lên và hòa mình vào núi rừng. Trường và các bạn không cần phải tới hồ bơi và mời thầy dạy như ở các thành phố, cả đám cứ tự học bơi rồi dần dần đứa nào cũng bơi giỏi, bắt cá lẹ tay.

Thỉnh thoảng cụ bà Hoàng Thị Len, Hoàng Thị Sên nheo mắt nhìn lũ trẻ, nở nụ cười vì nhớ đến tuổi thơ của mình. Bà Len vuốt đầu cậu và đám nhóc rồi nói: “Sau này lớn thì lên tới đỉnh núi, trên đó có rừng lá giang”. Nghe rừng trên đỉnh núi, đám nhóc chơi cùng Quyền có vẻ mê mẩn. Nhiều đứa tắm dưới suối nhưng ngửa mặt lên trời nói rằng, chừng nào học tới lớp 10 thì leo lên đỉnh để ngắm dòng suối.

Cái dòng suối róc rách chảy qua làng tạo thêm cảnh sắc yên bình ở vùng quê Tây Bắc. Nhiều cháu nhỏ không ngờ rằng, sau siêu bão Yagi, dòng suối thành thác dữ. Và 32 trẻ nhỏ bị vùi lấp, nỗi đau thấu tận trời xanh.

Lê Văn Chương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/noi-am-anh-khon-nguoi-o-lang-nu-post1677181.tpo