Nỗi ân hận của chàng trai trẻ khiến chị gái vướng vòng lao lý

Từng một lần bị quản thúc nên chuyện vào trại cải tạo không làm Lầu Văn Dình, SN 1995 ở Lao Chải, Sa Pa (Lào Cai) cảm thấy bỡ ngỡ. Thế nhưng khi nhắc tới chị gái thì vẻ trâng tráo của thanh niên này biến mất, thay vào đó là ánh mắt se buồn, ân hận.

“Vì tôi mà chị ấy đã không thể thực hiện được mơ ước của mình. Cho dù bây giờ chị ấy đã đi làm công nhân, thu nhập cũng ổn định rồi nhưng ai dám chắc là không có lúc nào chị ấy buồn khi bất chợt gặp lại mơ ước của mình ngày trẻ”, Dình bộc bạch.

Theo lời Dình thì chị gái anh ta từng mơ ước sau này là cô giáo mầm non nhưng đúng thời điểm đi xin việc thì đi tù. Vì gọi điện thông báo cho Dình chạy trốn nên chị gái anh ta bị bắt vì tội che giấu tội phạm.

Giá phải trả của thói côn đồ

Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ chỉ quanh quẩn với ruộng vườn và chăn nuôi theo kiểu lấy ngắn nuôi dài nên cuộc sống của gia đình Dình mãi không thể̉ thoát khỏi sự túng thiếu. Nhà chỉ có 2 chị em nhưng chuyện học với Dình cũng chỉ để xóa mù, nên học chưa hết cấp 2, cậu ta đã nghỉ ở nhà. Dình bảo nhiều lúc cũng muốn như đám thanh niên trong bản, xuống thị xã bán hàng rong cho khách du lịch nhưng vì ngại học tiếng Anh cho dù là học miệng nên Dình đành ở nhà. Lúc nào có hứng thì ra đồng chở mạ, gánh lúa giúp bố mẹ còn không thì túm năm tụm ba tán gẫu, chán thì ở nhà nằm khểnh. Ly- chị gái Dình tỏ ra có chí hơn với mơ ước sau này trở thành một cô giáo mầm non nên sau khi học hết phổ thông đã nộp đơn thi vào trường CĐ mẫu giáo TW. Tuy nhiên, ước mơ ấy của Ly đã bị em trai làm cho dang dở.

Tâm sự với chúng tôi, Dình tỏ ra ân hận khi nhắc tới chị gái nhưng sự ân hận ấy cũng nhanh chóng qua đi để rồi nhắc đến sai lầm của mình, nét mặt Dình lạị câng câng, bất cần như cái tính nghịch ngợm có từ bé của anh ta.

Bỏ học ở nhà chơi, Dình lêu lổng và thường tụ tập đánh nhau nên hầu như ngày nào cũng có người tới nhà mách với bố mẹ. Cũng vì thế mà năm 14 tuổi, Dình phải đi cơ sở giáo dục, chịu sự quản thúc mất 2 năm. Trở về nhà, Dình vẫn không bỏ được cái tính côn đồ, hiếu thắng của mình.

“Tôi cũng từng muốn tìm một việc làm gì đó để không bị coi là ăn bám nhưng không theo được vì độc hại”, Dình tâm sự. Hỏi Dình đã học những nghề gì, anh ta bảo học hàn xì, phun sơn nhưng lương thấp, vất vả mà chủ toàn ăn bớt nên bỏ vì sợ “nóng tính lên rồi không kìm được lại gây nên chuyện” như lời anh ta nói.

Một ngày con đường chạy qua xóm nhà Dình được nâng cấp. Công nhân ở tỉnh khác về dựng lán, ăn ở trong thời gian làm đường. Họ chia thành từng tốp đi làm nên lán trại của đám công nhân này lúc nào cũng có người ở nhà. Trong số ấy phần lớn là những người đã có gia đình, vợ con song cũng có nhiều thanh niên trẻ, trước vùng đất lạ cũng háo hức tìm hiểu, khám phá. Thế nhưng ở cái nơi sơn cùng cốc đế này, làm gì có gì để chơi bời, giải trí nên tối tối họ lại ngồi dọc ven đường vừa hóng mát vừa tán gẫu.

Bỗng nhiên xuất hiện đám người lạ dọc trục đường chính khiến cho nhóm của Dình cảm thấy như chỗ chơi của mình bị thu hẹp. Có đám thanh niên này ngồi chơi, đám con gái trong làng mỗi khi đi qua cũng ý nhị hơn, không còn cười thét lên mỗi khi nhóm của Dình rồ ga phóng xe qua trêu chọc. Để thể hiện chủ quyền của mình, Dình và nhóm bạn hay tìm cách chọc phá những người công nhân làm đường. Không chỉ ném đất đá làm rách lán trại của họ, nhiều lần nhóm của Dình còn mò vào ăn trộm nhưng vì tài sản bị mất chỉ là ít nồi xoong, bát đĩa bị đập vỡ không giá trị mấy nên những công nhân này không trình báo mà chỉ cẩn thận hơn trong cách sinh hoạt. Được đà, nhóm của Dình càng lấn tới.

Theo cáo trạng, khoảng 20g ngày 30-8-2015, sau khi tụ tập uống rượu xong, Dình rủ nhóm bạn ra khu lán của công nhân làm đường, quậy chơi. Đến nơi, cả bọn xông vào, dùng cành cây, gạch đá mang theo đập vào cửa lán, miệng quát tháo: “Thằng nào ở trong đó ra đây không tao đập chết”. Thời điểm đó vì trời nóng, mọi người kéo nhau ra hồ tắm hết, chỉ có hai anh Tuấn và Giang, quê ở Kim Bảng (Hà Nam) ở lại trông lán. Thấy chỉ có hai người, Dình quát: “Có bao nhiêu tiền bỏ hết ra, cả điện thoại nữa không thì bỏ xác bây giờ”. Vừa nói, Dình vừa cầm cành cây quật vào người hai thanh niên này. Trước đám đông mặt mũi dữ tợn, cả hai anh Tuấn và Giang chỉ biết cất lời xin. Họ bảo chưa đến ngày lương nên không có tiền, chỉ có chiếc điện thoại đang dùng thôi. Một tên trong nhóm của Dình chạy tới lấy điện thoại rồi cả bọn bắt đầu lục soát tất cả các túi đựng tư trang của mọi người trong lán. Trước khi bỏ đi, nhóm của Dình còn đập phá lán trại tan hoang. Khi lực lượng CA vào điều tra, Dình và nhóm bạn bỏ trốn. Người phát hiện ra CA, báo tin để nhóm của Dình bỏ trốn chính là chị gái của Dình, vì thế mà bị bắt giam về tội che giấu tội phạm.

 Phạm nhân Lầu Văn Dình trong trại giam

Phạm nhân Lầu Văn Dình trong trại giam

Mong được tha thứ

Nhớ lại ngày đó, Dình tâm sự: “Ngày hầu tòa, nhìn thấy chị gái đứng chung vành móng ngựa với mình, tôi đã rất đau khổ. Những ngày ở trại tạm giam, nghe mọi người bàn luận về bản án của mình, tôi cứ nghĩ chị ấy sẽ không làm sao cả. Đến khi nhận được cáo trạng, thấy có tên chị gái thì tôi không sao ngủ được”.

Theo lời Dình thì anh ta mắc một lỗi không thể tha thứ đó là làm hỏng đi ước mơ của chị gái mình. 12 năm ăn học cho một ngày thỏa nguyện ước mơ, đâu ngờ vì thương em, không đành nhìn thấy em trai bị bắt mà Ly trở thành kẻ phạm tội. Sau khi Dình bị bắt, mấy ngày sau, Ly cũng bị tạm giam, chờ ngày xét xử. Không bị bắt cùng nhau nên Dình không hay biết tin gì về chị gái. Chỉ tới khi nhận cáo trạng, chờ ngày hầu tòa, kẻ côn đồ xóm ấy mới ngỡ ngàng, ân hận. Dình bảo hôm hầu tòa, anh ta chẳng còn tâm trí gì về mức án dành cho mình bởi trong đầu chỉ ong ong một nỗi niềm thương chị. “Khi nghe tòa kết tội chị ấy bị 9 tháng tù giam nhưng được tha ngay tại tòa, em cũng thấy nguôi ngoai phần nào”, Dình kể.

9 tháng tạm giam là chừng ấy thời gian trả án song với một cô gái lớn lên ở vùng nông thôn như chị gái của Dình, đâu dễ được người dân chấp nhận. Không thể theo đuổi ước mơ làm cô giáo mầm non, cô gái xinh xắn nhưng yếu đuối ấy đã bỏ vào Bình Dương sinh sống. Dình bảo nghe bố mẹ nói chị gái giờ làm công nhân trong khu công nghiệp, mỗi năm chỉ về thăm nhà đúng một lần vào dịp Tết. “Vào đây phải lao động vất vả hơn ở nhà nhưng ăn ngủ có giờ giấc nên em béo khỏe chứ không gày nhẳng như ở nhà”, Dình tâm sự.

Cải tạo ở đội trồng rau trại giam Quyết Tiến, công việc của Dình là xới đất, nhặt cỏ và chiều tới là gánh nước tưới rau. Anh ta nhận xét công việc của mình là nặng nhọc nhưng lại cảm thấy thoải mái vì ngày nào cũng được ra ngoài “tắm nắng và hít thở không khí trong lành”. Dình bảo đã đi được hơn nửa thời gian bị phạt tù rồi nên sẽ cố gắng để năm nay có tên trong danh sách xét giảm. “Em còn phải cố gắng nữa mới mong sớm được về với gia đình. Em chưa có ý định làm gì nhưng có thể sau khi ra trại sẽ vào trong kia cùng đi làm với chị gái”, Dình thổ lộ.

Lần đầu tiên nam phạm nhân này xưng “em” với chúng tôi và qua cách xưng hô này, chúng tôi cảm nhận Lầu Văn Dình đã thay đổi. Hẳn là anh ta đã biết buông bỏ cái tính côn đồ xóm của mình để làm một người hướng thiện.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/noi-an-han-cua-chang-trai-tre-khien-chi-gai-vuong-vong-lao-ly-181164.html