Nói bao giờ cũng dễ hơn làm
'Chúng ta nỗ lực để cuối cùng cũng có thể chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất mà nước Mỹ tham dự và đưa những người lính của chúng ta về nhà' - đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói như vậy ngày 29-2 - thời điểm mà Bộ Ngoại giao Mỹ và Taliban chính thức ký 'một thỏa thuận hòa bình lịch sử'.
Thế nhưng, chưa đầy một tuần sau, tất cả những nghi ngờ của giới quan sát quốc tế đã được thực tế chứng minh là hoàn toàn có cơ sở.
Lời hăm dọa của bóng tối
Đêm 2-3, nghĩa là sau khi “thỏa thuận lịch sử” đã được ký kết, 13 trên tổng số 24 tỉnh của Afghanistan rung chuyển bởi những cuộc tấn công từ phía Taliban vào các lực lượng vũ trang dưới quyền chính phủ Kabul.
Không gì khác, đây là một thông điệp rõ ràng: Thỏa thuận giữa Mỹ với Taliban chẳng liên quan gì đến “chuyện nội bộ” của Taliban và chính phủ Kabul. Một thứ sức ép ghê gớm xem như đã ngay lập tức được áp đặt mạnh mẽ lên vòng đàm phán giữa hai phe xung đột của Afghanistan, dự kiến bắt đầu từ 10-3.
Chắc chắn là trước một cuộc thương thảo như vậy, bất cứ phía nào cũng sẽ cố gắng hết sức để chiếm hữu nhiều ưu thế trên thực địa nhất có thể và Taliban đang thể hiện rằng họ không bỏ phí thời gian. Thực chất, nếu không có sự hậu thuẫn của các binh sĩ Mỹ, những lực lượng vũ trang mới được xây dựng gần đây của chính quyền Kabul khó có thể xem là đối thủ của các chiến binh Hồi giáo cực đoan lão luyện - những kẻ đã nung thù nấu hận để tiếp tục chiến đấu suốt 18 năm qua, sau khi bị đánh bật khỏi trung tâm quyền lực quốc gia Trung Á đó.
Và, nếu nước Mỹ thực sự “phủi tay”, một kịch bản sụp đổ - theo cách mà chính quyền Baghdad của Iraq đã từng phải trải qua lúc lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy - cũng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Ngày đó, hết thành phố này đến thành phố khác, hết tỉnh này đến tỉnh khác của Iraq dễ dàng bị tràn ngập và tiến chiếm bởi những lá cờ đen chết chóc.
Và, nếu cộng đồng quốc tế không kịp thời can thiệp trở lại, với bao nhiêu công sức lẫn xương máu, chưa chắc đến hiện tại chúng đã bị quét sạch khỏi những thành lũy cuối cùng, ở Iraq và cả ở Syria.
Sau thời điểm đó, đã có những đám tàn quân của IS rút chạy về Afghanistan, nương tựa nhóm Al-Qaeda để xây dựng căn cứ địa. Giữa hai lực lượng ấy, sự tương đồng về tinh thần Hồi giáo cực đoan là rất rõ, để dễ dàng thiết lập các mối liên hệ mật thiết. Nhưng, Al Qaeda thì lại rất gần gũi với Taliban.
Chính bởi vậy, trong thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban có các điều khoản: Taliban phải cắt đứt quan hệ với Al Qaeda và Taliban phải chiến đấu chống lại IS.
Cũng bởi vậy, ngay trong ngày 29-2, sau khi “thỏa thuận lịch sử” được ký, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley đã phải lập tức lên tiếng: “Tôi muốn cảnh báo mọi người rằng đừng chờ đợi việc bạo lực biến mất hoàn toàn và ngay tức khắc tại Afghanistan”.
Bởi vậy, lộ trình 14 tháng triệt thoái binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan, dù được lên kế hoạch triển khai ngay trong vòng 10 ngày sau khi thỏa thuận được ký kết, vẫn có một “đường lui”: Sau khi cắt giảm quân số đồn trú từ 12.000 xuống còn 8.600 người trong vòng 135 ngày, giai đoạn 1 sẽ kết thúc và sẽ có một “chặng nghỉ” để Lầu Năm Góc đánh giá tình hình, trước khi quyết định có tiếp tục tiến hành giai đoạn 2 không.
Và bởi vậy, ngày 3-3, sau khi bạo lực lại lên tiếng đầy hăm dọa, ông Jens Stoltenberg - Tổng Thư ký Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhấn mạnh: “Hòa bình là một con đường dài và đầy khó khăn phía trước. Nếu Taliban không tuân thủ thỏa thuận, các lực lượng chiến đấu nước ngoài sẽ không rút khỏi Afghanistan”.
“Vũng lầy” của nước Mỹ
Điều đáng ngạc nhiên là không trùng với màu sắc trong tuyên bố của Tổng thư ký NATO, những gì tướng Mark Milley nhận định ngày 4-3 lại khá là “nhẹ nhàng”. Theo ông, các vụ tấn công của Taliban tối 3-3 “chỉ là các cuộc tấn công nhỏ, nhằm vào các chốt kiểm soát”.
Cùng đó, vị quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cũng đưa ra những lời biện hộ: “Taliban đã ký kết một loạt điều kiện trong thỏa thuận mới nhất và những điều khoản này không hề bị vi phạm bất chấp tình hình bạo lực hiện nay. Cụ thể, Taliban đã không thực hiện vụ tấn công nào tại thủ đô Kabul, hay 34 thủ phủ của các tỉnh. Không có vụ tấn công liều chết, cũng như không có vụ tấn công nào nhằm vào lực lượng Mỹ hay liên quân”.
Và đồng vọng với ông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rõ: “Taliban vẫn tôn trọng các cam kết của thỏa thuận về ngừng tấn công nhằm vào quân đội Mỹ và liên quân, song lại không tuân thủ nghĩa vụ về giảm tình hình bạo lực nói chung”. Theo ông, “đây là một thách thức của Taliban trong việc kiểm soát lực lượng”.
Có thể là các tướng lĩnh Mỹ không muốn tạo thêm căng thẳng để bảo vệ những thành quả ngoại giao vừa đạt được. Cũng có thể, với họ cũng như với các binh sĩ Mỹ, đúng như nhận xét của Tổng thống Mỹ Donald Trump, “cuộc chiến tranh này quá dài và quá mệt mỏi”. Họ muốn rút chân khỏi vũng lầy này càng sớm càng tốt. 18 năm qua, đã có hơn 2.400 lính Mỹ thiệt mạng tại đây.
Vấn đề là, nếu những lợi ích cốt lõi của nước Mỹ ở Afghanistan bị đe dọa, liệu tiến trình “hồi hương” ấy có trót lọt?
Nếu Taliban cứ tiếp tục gây sức ép bằng quân sự lên chính quyền Kabul - sản phẩm mà nước Mỹ tạo nên sau khi tiến vào Afghanistan năm 2001? Nếu IS - những bậc thầy về khả năng tận dụng các khoảng trống quyền lực cũng như khích động hận thù - trở lại và hoạt động mạnh mẽ hơn, hệu quả hơn? Nếu những thế lực bên ngoài và những “kình địch” của nước Mỹ trong khu vực cũng cố gắng tận dụng các khoảng trống quyền lực đó, trong bối cảnh khó ai dám khẳng định là chính quyền Kabul đã đủ vững vàng để tự đứng trên đôi chân của mình?
Và, nếu tất cả những điều đó ảnh hưởng đến cả vị thế quân sự, tầm ảnh hưởng địa chính trị lẫn lợi ích kinh tế của nước Mỹ tại Afghanistan, Trung Á cũng như Trung Đông, liệu ông chủ Nhà Trắng có còn thực sự thiết tha với việc đưa tất cả những người lính Mỹ “về nhà”?
Những câu hỏi chỉ thời gian mới có thể trả lời. Song, không nên quên rằng ngay trước khi “thỏa thuận lịch sử” được ký, cựu tham mưu trưởng liên quân Mỹ - cựu cố vấn về các vấn đề Afghanistan dưới thời các Tổng thống Mỹ George W.Bush và Barack Obama, ông Carter Malkasian, đã chỉ ra: “Sau khi Mỹ rút quân, Taliban sẽ nhận thấy sự thay đổi trong cân bằng lực lượng và không tuân thủ các cam kết”.
Đồng thời, trong một báo cáo gần đây, Tổng Thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) John Sopko nhấn mạnh: “Việc tái hòa nhập các tay súng vào xã hội Afghanistan là một tiến trình phức tạp và mất nhiều thời gian. Chính phủ Mỹ sẽ cần hỗ trợ tài chính lớn cho chương trình này, nếu không, khoảng 60.000 tay súng Taliban sẽ có nguy cơ quay lại với bạo lực.
Chắc chắn, tất cả những nhận xét đó đã lọt đến tai của đương kim Tổng thống Mỹ. Chỉ có điều, hiện tại, ông chủ Nhà trắng đang bận tâm đến một câu chuyện khác nhiều hơn: Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào cuối năm. Triệt thoái binh sĩ Mỹ khỏi quốc gia Trung Á đó là một trong những điểm cốt lõi trong cương lĩnh tranh cử, một lời hứa với cử tri Mỹ. Ít nhất, ngài Donald Trump cũng sẽ cố gắng đến cùng để bảo vệ lời hứa đó, cho dù có phải trả giá một chút...
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/noi-bao-gio-cung-de-hon-lam-586431/