Nổi bật những kết quả đáng mừng
Với khoảng trên 1 triệu thí sinh tham gia, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra hàng năm được xem là một sự kiện thu hút sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Từ năm 2022, việc đăng ký dự thi và tuyển sinh trực tuyến theo lộ trình của Đề án 06 Chính phủ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện có sự hỗ trợ của Bộ Công an, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, đã mang lại kết quả rất lớn cho xã hội. Tiếp đà những kết quả trên, hiện Bộ Công an đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai hàng loạt các biện pháp hỗ trợ, phục vụ thí sinh, tuyển sinh đảm bảo hiệu quả, an toàn, minh bạch, công bằng…
Nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế
Còn nhớ tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số quốc gia, được Chính phủ tổ chức trực tuyến trên toàn quốc vào cuối năm 2022 vừa qua, cùng với các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định những kết quả rất lớn khi ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, thực hiện Đề án 06 trong đăng ký, tuyển sinh trực tuyến. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT được diễn ra hằng năm với khoảng trên 1 triệu thí sinh tham gia. Đáng chú ý, 2/3 trong số đó đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng với khoảng trên 3 triệu nguyện vọng vào 18.000 mã tuyển sinh và hơn 300 cơ sở đào tạo.
Từ năm 2021 trở về trước, quy trình đăng ký thi rất khó khăn và phức tạp, dẫn đến mất nhiều công sức của cả thí sinh, giáo viên, gia đình và nhà trường. Để đăng ký dự thi, thí sinh sử dụng túi hồ sơ do các Sở Giáo dục và Đào tạo in theo mẫu của Bộ quy định, đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học và điền 2 phiếu giống nhau, mỗi phiếu gồm 16 trường thông tin dự thi. Để khai vào hai phiếu này, thí sinh thường khai thử bằng bút chì, sửa sai nhiều lần để có được bản khai đầy đủ, chính xác. Tiếp theo, thí sinh nộp 2 ảnh chân dung. Nếu thí sinh thuộc diện ưu tiên sẽ bổ sung những giấy tờ chứng minh khác.
Trường THPT nơi thí sinh đang học hoặc Công an xã, phường ký tên, đóng dấu giáp lai chứng nhận lên ảnh để xác nhận nhân thân. Bước tiếp theo, giáo viên, cán bộ tại điểm tiếp nhận đăng ký dự thi kiểm tra, nhập dữ liệu vào máy tính, cấp tài khoản đăng nhập vào hệ thống cho thí sinh và trả phiếu lại cho thí sinh sau khi đã ký, đóng dấu xác nhận. Cuối cùng, thí sinh phải sử dụng tài khoản được cấp để rà soát, nếu phát hiện sai thì báo lại điểm tiếp nhận đăng ký dự thi để sửa lại (thí sinh không được phép trực tiếp sửa).
Tương tự như việc đăng ký dự thi, quy trình đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí nhập học từ năm 2021 trở về trước cũng gây nhiều khó khăn, vất vả, tốn kém chi phí, công sức của thí sinh, giáo viên, gia đình và nhà trường. Trước tiên, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên cùng phiếu với phiếu đăng ký dự thi (gồm 5 mục thông tin). Tiếp theo, thí sinh nộp phí bằng tiền mặt tại điểm tiếp nhận hồ sơ với số tiền tương ứng với nguyện vọng đã đăng ký. Sau đó, thí sinh được phép điều chỉnh lại nguyện vọng vào thời điểm mở hệ thống trực tuyến. nếu số lượng nguyện vọng tăng lên, thí sinh cần tới điểm tiếp nhận hồ sơ để nộp thêm tiền lệ phí. Cuối cùng, nếu thí sinh trúng tuyển sẽ tới cơ sở đào tạo để làm thủ tục nhập học.
Cũng theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay cả việc đăng ký dự thi, xét tuyển đại học và cao đẳng từ những năm trước đó gây tốn nhiều công sức, chi phí, song vẫn còn nhiều sai sót, thiếu minh bạch. Thí sinh phải in 3 ảnh, photo CMND/CCCD và các giấy tờ chứng minh cần thiết khác. Khi dùng bút điền thông tin, chỉ một sai sót nhỏ cũng khiến thí sinh phải điền vào phiếu mới. Giáo viên tại điểm tiếp nhận phải nhập thêm thông tin trên phiếu giấy vào hệ thống phần mềm. Chính vì vậy, cả thí sinh, giáo viên phải mất nhiều công sức mới hoàn thành 1 hồ sơ dự thi.
Nếu thí sinh có đăng ký thêm nguyện vọng xét tuyển sẽ phải tiếp tục đến điểm tiếp nhận hồ sơ để nộp thêm lệ phí, mất thời gian, công sức của gia đình, bản thân, những người có liên quan. Các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng mất chi phí in hồ sơ. Cả thí sinh và giáo viên trong những trường hợp nếu viết không rõ, điền thông tin sai, lệch, sẽ phải làm lại, gia tăng chi phí, thời gian, công sức.
Dù vất vả, mất thời gian, công sức và chi phí là vậy, song hình thức đăng ký dự thi, xét tuyển trực tiếp vẫn còn thiếu sự minh bạch. Từ năm 2021 trở về trước, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển địa học theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp. Chính vì vậy đã không đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh, đồng thời dẫn tới việc không loại trừ cơ sở đào tạo thiếu minh bạch trong việc xét tuyển ở các phương thức xét tuyển khác.
Ví dụ, dành tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng đại học quá nhiều làm tăng điểm xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp; hay như do không xét tuyển chung tất cả các phương thức dẫn tới tình trạng một thí sinh trúng tuyển vào quá nhiều trường, mất đi cơ hội của những thí sinh khác. Do không xét tuyển chung nên thí sinh không phải xác nhận nhập học trên hệ thống chung, chính vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo không có thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về kết quả tuyển sinh của các trường để điều phối kịp thời, hiệu quả.
Lợi ích không đong đếm được hết
Đánh giá về công tác đăng ký dự thi, tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ: "Đây là bài toán có quy mô lớn, phức tạp, khó, nhạy cảm và được xã hội rất quan tâm. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Tổ công tác Đề án 06, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được "chìa khóa" để giải quyết câu chuyện trên bằng chính dữ liệu, kết nối, đồng bộ giữa dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ tối đa, hiệu quả cho thí sinh, tạo ra lợi ích rất lớn phục vụ xã hội".
Mỗi thí sinh tham dự kỳ thi sẽ nhận được sự quan tâm của các thành viên trong gia đình, dòng họ. Áp lực đè lên vai thí sinh và đối với ngành giáo dục, áp lực đó cũng không hề nhẹ nhàng. Nhận diện rõ những khó khăn, tồn tại, đồng thời với quyết tâm chính trị cao nhất của người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với lãnh đạo các cấp, cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện Đề án 06, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai hệ thống đăng ký thi và xét tuyển trực tuyến từ năm 2022 trên nền tảng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Với những dữ liệu từ hệ thống này, đã khắc phục hầu hết những bất cập, tồn tại, vướng mắc trong các kỳ thi trước đó.
Việc triển khai hệ thống đăng ký thi và xét tuyển trực tuyến đã tạo thuận lợi vô cùng lớn cho thí sinh, gia đình, nhà trường, cơ quan quản lý và xã hội. Nhờ có tính xác thực duy nhất của mã định danh cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên hệ thống thi và xét tuyển có thể khai thác dữ liệu sẵn có trong cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Chính vì vậy, phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp của thí sinh thay vì phải điền đầy đủ 16 trường thông tin, thì chỉ cần điền 8 trường thông tin, giảm đi 1 nửa. Hơn nữa, hệ thống đăng ký, xét tuyển trực tuyến còn cho phép chia sẻ điểm học bạ từ cơ sở dữ liệu ngành lên hệ thống thi và xét tuyển để hỗ trợ việc xét tuyển dựa trên điểm học bạ.
Ngoài ra, nhờ tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia nên hệ thống thi và xét tuyển có thể xây dựng chức năng cho phép thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển. Thí sinh chỉ cần ngồi nhà, hay bất cứ đâu, có thiết bị thông minh, thậm chí điện thoại thường cũng có thể thanh toán lệ phí dự thi, xét tuyển được. Với hệ thống xét tuyển trên, cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển với các phương thức xét tuyển khác ngoài phương thức theo điểm thi tốt nghiệp THPT và thí sinh dễ dàng xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đồng chí Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Những kết quả, lợi ích khi triển khai đăng ký thi và xét tuyển trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong thực hiện Đề án 06 đối với ngành giáo dục là vô cùng to lớn. Hàng triệu thí sinh, người thân trong gia đình không phải mất chi phí, thời gian đi lại, chuẩn bị giấy tờ thủ tục nộp hồ sơ.
Việc này cũng có tác động rất lớn tới các yếu tố xã hội khác như hạn chế ùn tắc giao thông, không xảy ra TNGT do thí sinh và người nhà không phải đi nộp, đăng ký hồ sơ, xét tuyển, dự thi trực tiếp như trước. Ngoài ra, thí sinh không phải mất chi phí in 3 ảnh, photo những giấy tờ có liên quan. Các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng không mất chi phí in hồ sơ. Chỉ tính con số nhỏ về việc không phải in những giấy tờ có liên quan đã tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Việc đăng ký dự thi, xét tuyển trực tuyến cũng giúp cả thí sinh và giáo viên, cán bộ tiếp nhận hồ sơ "nhàn" đi rất nhiều.
Một lợi ích cốt lõi và to lớn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai hệ thống đăng ký dự thi, xét tuyển trực tuyến, đó là sự minh bạch trong công tác tuyển sinh toàn ngành. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng theo tất cả các phương thức xét tuyển, từ đó Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ sở dữ liệu toàn bộ, đầy đủ, chính xác về kết quả tuyển sinh của các trường.
Đây là công cụ quan trọng, hữu hiệu để phân tích chính sách, từ đó kịp thời điều chỉnh những bất cập, hạn chế. Việc lọc đi những thí sinh "ảo" không chỉ đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh mà thí sinh trúng tuyển duy nhất một nguyện vọng đó cũng sẽ không làm mất đi cơ hội học tập của các thí sinh khác. Việc xác nhận nhập học trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đơn vị có thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về kết quả tuyển sinh của các trường.
Các hệ thống trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022 đã hoạt động an toàn, ổn định, góp phần vào thành công chung của kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng, mầm non. Thống kê có tới 93,12% thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến. Kết nối, tích hợp 2 dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia gồm "Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT" và "Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non" trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Có tới trên 900.000 hồ sơ thí sinh được xác thực, làm sạch dữ liệu thí sinh thông qua kết nối, khai thác từ Cơ sơ dữ liệu quốc gia về dân cư, tương ứng từng đó hồ sơ thí sinh được đồng bộ, chia sẻ thông tin cá nhân và kết quả học tập rèn luyện. Trên 616.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Có trên 97% số nguyện vọng xét truyển của thí sinh được thanh toán lệ phí tuyển sinh trực tuyến. Có trên 82% thí sinh nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. (Còn nữa)
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/noi-bat-nhung-ket-qua-dang-mung-ky-1--i690007/