Nổi bật tuần qua: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Tuần từ ngày 12-18/8, diễn ra một số sự kiện nổi bật thu hút sự quan tâm của bạn đọc, như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 trước ngày 2/9/2024; điều tra tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp; Hà Nội triển khai Học bạ số ở tất cả các trường phổ thông; căng sức đối phó dịch bệnh gia tăng tại các địa phương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Theo đặc phái viên TTXVN, vào 9 giờ 27 phút (giờ địa phương) ngày 18/8, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân.
Đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Sân bay Quốc tế Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) về phía Trung Quốc có Ủy viên Trung ương Đảng, Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Vương Vĩ Trung, Thị trưởng thành phố Quảng Châu Tôn Chí Dương, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba.
Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai và Phu nhân, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng và Phu nhân, cùng một số cán bộ Tổng Lãnh sự quán và bà con cộng đồng tại Quảng Châu.
Sân bay Quốc tế Bạch Vân rực rỡ Quốc kỳ Việt Nam và Quốc kỳ Trung Quốc. Hai hàng tiêu binh dọc hai bên thảm đỏ. Đồng chí Vương Vĩ Trung cùng các quan chức tỉnh Quảng Đông nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Theo chương trình, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Công viên Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, dâng hoa tại mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái; thăm Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông; gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, chuyến thăm này khẳng định sự coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong chính sách đối ngoại; qua đó, tiếp tục đối thoại chiến lược cấp cao nhất; tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa hai đồng chí đứng đầu của hai Đảng, hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi về các vấn đề quan tâm cũng như thúc đẩy hợp tác với đối tác vừa là láng giềng, vừa là một nước xã hội chủ nghĩa và cũng là một nước lớn. Qua đó, củng cố môi trường đối ngoại và vị thế đối ngoại thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho việc thực hiện thành công những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và triển khai công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế do Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tiến hành thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc đầu tiên sau khi đảm nhiệm cương vị mới thể hiện sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả hai bên trong việc củng cố và phát triển quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc.
Hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 trước 2/9/2024
Tuần qua tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp với các bộ, ngành; trực tuyến với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường dây tải điện 500 kV mạch 3 (từ Phố Nối, tỉnh Hưng Yên đến Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối, dài 519 km, đi qua 9 tỉnh, có tổng mức đầu tư 22.000 tỷ đồng, khởi công tháng 1/2024. Đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng 100% vị trí móng cọc và hành lang tuyến; đúc cột tại 100% vị trí; lắp dựng được 1.159/1.177 vị trí móng cột; kéo dây được 321/513 khoảng néo...
Các phần việc chưa hoàn thành chủ yếu thuộc 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, đang được khẩn trương thi công các phần việc còn lại để hoàn thành, đóng điện trước ngày 19/8/2024. Tuy nhiên, trong giai đoạn nước rút, các đơn vị thi công vẫn khó khăn về nhân lực kéo dây; điều kiện thời tiết bất lợi... Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đường dây tải điện 500kV mạch 3 là đường dây mạch kép, tăng nguồn cung điện cho miền Bắc, phục vụ điện ổn định cho sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Khối lượng công việc dự án còn lại không nhiều, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nhân lực, phương tiện thi công, vận hành thử nghiệm, nghiệm thu từng phần, tiến tới nghiệm thu toàn dự án.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương “đã quyết tâm rồi, quyết tâm cao hơn nữa; nỗ lực rồi, nỗ lực cao hơn nữa; cố gắng rồi, cố gắng cao hơn nữa; quyết liệt rồi, quyết liệt hơn nữa”, “làm việc có trọng tâm, trọng điểm rồi, cần có trọng tâm trọng điểm hơn nữa”; rà soát, phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm”; tổ chức thi công và thực hiện các phần việc còn lại trên tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, tổ chức “3 ca, 4 kíp, làm việc liên tục 24/7”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “bàn làm, không bàn lùi”… hoàn thành dự án trước ngày 2/9/2024, chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh.
Điều tra tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp
Trong tuần qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã quyết định điều tra năm 2024 về lao động, tiền lương trong doanh nghiệp, tiến hành tại 3.400 doanh nghiệp, với 6.800 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành phố, đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển, gồm: Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Việc điều tra nhằm làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2025.
Kết quả điều tra sẽ phục vụ công tác quản lý, công bố mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động để doanh nghiệp, người lao động tham khảo làm cơ sở thương lượng tiền lương.
Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành điều tra về tình hình doanh nghiệp điều chỉnh tiền lương của người lao động khi Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng gần nhất; tác động về chi phí của doanh nghiệp; mức độ tuân thủ của doanh nghiệp trong năm 2023, năm 2024.
Theo quy định tại Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu điều tra về lao động, tiền lương trong doanh nghiệp năm 2024 bảo đảm thực hiện đúng các nội dung quy định trong phương án điều tra; phạm vi, nội dung điều tra cần đầy đủ, thống nhất, không trùng chéo với các điều tra khác. Đặc biệt, bảo mật thông tin thu thập từ doanh nghiệp và người lao động theo quy định.
Hà Nội triển khai học bạ số ở tất cả các trường phổ thông
Tuần qua theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2024-2025, các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tại TP Hà Nội sẽ triển khai Học bạ số. Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số các trường phổ thông. Theo đó, bậc Tiểu học sẽ thực hiện thí điểm từ tháng 4/2024, bậc Trung học sẽ triển khai thí điểm từ tháng 5/2024. Việc thực hiện thí điểm chỉ được thực hiện với các khối lớp 1, 2, 3, 4 ở bậc Tiểu học; lớp 6, 7, 8 ở bậc Trung học cơ sở; lớp 10 và 11 ở bậc Trung học phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh để thực hiện từ năm học 2024-2025, gồm: Phần mềm hệ thống; tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, việc triển khai học bạ số qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy đây vấn đề mới, khó, tác động đến số lượng lớn học sinh trong cả nước, với điều kiện kinh tế xã hội, năng lực trình độ, cơ sở vật chất khác nhau, nên cần thận trọng từng bước.
Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số. Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập; đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ đã được phát hành (không thể thay đổi thông tin) và đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến theo mẫu học bạ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Căng sức đối phó dịch bệnh gia tăng tại các địa phương
Trong tuần qua, theo rà soát của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca bệnh sởi tăng mạnh tại các tỉnh, thành phố như: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An… và diễn biến phức tạp khi đã ghi nhận một số ca biến chứng nặng dẫn đến tử vong.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2024 đến nay đã phát hiện 597 ca, trong đó, số ca dương tính với sởi là 346 ca. Bệnh sởi đã xuất hiện tại 57 phường, xã thuộc 16/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Tỉnh Đồng Nai ghi nhận từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8 có 35 ca bệnh nhi mắc bệnh sởi, trong đó nhiều trẻ phải hỗ trợ thở oxy vì có viêm phổi kèm theo...
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, có 7/63 tỉnh được đánh giá có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi, các địa phương cần khẩn trương, duy trì tổ chức tiêm chủng thường xuyên các mũi vaccine sởi cho trẻ dưới 1 tuổi; tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine chứa thành phần sởi...
Các ổ dịch sốt xuất huyết cũng đang xuất hiện gia tăng tại các tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Hải Phòng, Đắk Lắk... với hàng nghìn ca mắc từ đầu năm đến nay và đang diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết tại TP Buôn Ma Thuột, đây là trường hợp đầu tiên tại Đắk Lắk tử vong vì bệnh này tính từ đầu năm tới nay và tỉnh đã ghi nhận hơn 1.230 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố... Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, các ổ dịch, các ca sốt xuất huyết năm nay xảy ra sớm và nặng hơn mọi năm. Người có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người... cần đến các cơ sở y tế sớm để bác sĩ chẩn đoán và có pháp đồ điều trị sớm, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà.
Tại tỉnh Thanh Hóa (huyện Mường Lát), Cục Y tế dự phòng đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu và nhiều trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh. Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan diện rộng, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Sở Y tế Thanh Hóa yêu cầu giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng; lấy mẫu, xét nghiệm xác định các trường hợp mắc bệnh và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly y tế, xử lý ổ dịch và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.