Nỗi buồn bóng đá Việt Nam: Thai League đi sau nhưng bỏ xa V.League
Từng đi trước Thai League và từng thu hút những ngôi sao lớn của Thái Lan, V.League bây giờ tụt lại phía sau.
23 tuổi vẫn không lớn
Năm 2000, V.League dịch chuyển sang chuyên nghiệp với 10 đội tham gia. Năm 2006, 13 đội tham gia. Năm 2007 đi vào lịch sử với 14 đội. Con số này duy trì được 6 năm, khi năm 2013 chỉ còn 12 đội do một số CLB giải thể, bỏ giải.
Năm 2015 - 2021 có 14 đội. Năm 2022 có 13 đội đá V.League, giải hạng Nhất có 12 đội. Năm nay (2023) có 14 đội V.League và giải hạng Nhất ít hơn 12 đội, bởi CLB Cần Thơ đã bỏ giải và Sài Gòn FC chờ chuyển giao (trường hợp không có đội hạng Nhì lấy suất thì Sài Gòn FC phải bỏ giải, tức còn 11 đội đá V.League 2).
Câu chuyện của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có thể thấy lên tuổi 23 vẫn chông chênh. Số phận các đội bóng phụ thuộc vào suất đá V.League, trường hợp rớt hạng dễ bị “chết chìm”. Cần Thơ, Sài Gòn FC, Đồng Tháp, Đồng Nai… đều rơi vào cảnh xuống hạng thì bỏ bóng đá chuyên nghiệp.
Qua thời sao Thái Lan đến V.League
Hãy nhìn sang Thai League của Thái Lan để thấy bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam “xây nhà từ nóc” và tồn tại nhiều vấn đề nan giải. Thai Premier League dịch chuyển sang chuyên nghiệp từ năm 2001 với sự dao động 10-12 đội trong các mùa đầu tiên, tức đi sau so với V.League (năm 2000). Hồi đó, V.League mới khai sinh nhưng nhanh chóng trở thành “anh cả” Đông Nam Á. Sự quyết đoán và tầm nhìn của bầu Đức đã thu hút toàn bộ cầu thủ giỏi từ Thái Lan sang Việt Nam. Điển hình ngôi sao Kiatisuk và trung vệ Chukiat đã đến Pleiku thi đấu cho CLB HAGL vào ngày 18/2/2002. Hiệu ứng “Zico Thái” tạo đà cho một loạt ngôi sao khác của Thái Lan đến HAGL gồm Dusit, Tawan…
Năm 2004 có câu chuyện đặc biệt để nói về chất lượng và sức hút khủng khiếp của V.League, 8 cầu thủ thi đấu ở Việt Nam được gọi vào đội tuyển Thái Lan gồm: Dusit Chalermsan, Tawan Sripan, Kiatisak Senamuang (HAGL); Therdsak Chaiman, Sakda Joemdee, Niweat Siriwong (Ngân Hàng Đông Á); Issawa Singhtong, Nirut Surasieng (Bình Định).
Từ cảnh ngước nhìn V.League thu hút toàn bộ ngôi sao của tuyển Thái Lan, người Thái buộc phải nâng tầm Thai League để thay đổi mạnh mẽ theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. Bây giờ Thai League 1 có 16 đội, Thai League 2 có 18 đội. Cấu trúc giải đấu cho thấy tính bền vững bởi phần gốc lớn (Thai League 2: 18 đội) lớn hơn phần đỉnh (Thai League 1: 16 đội).
Hiện không có chuyện cầu thủ Thái Lan sang V.League chơi bóng, bởi các cầu thủ giỏi xuất ngoại đến Nhật Bản sau khi gặt hái thành công ở Thai League. Ví dụ Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, Supachok Sarachat… đã thi đấu ở Nhật Bản và thành công. Người Thái đang tiếp tục hướng đến châu Âu để nâng tầm mặt bằng cầu thủ và hướng đến World Cup. Đó là sự phản ánh về chất lượng của Thai League vượt V.League, dù thời điểm ban đầu thì bóng đá Thái Lan phải chịu cảnh nhìn các ngôi sao sang V.League.
Sự khác biệt giữa Thai League và V.League phản ánh lý do tuyển Việt Nam chưa thể vượt Thái Lan. Bởi sân chơi chuyên nghiệp là nền móng của các đội tuyển quốc gia.