Nỗi buồn có tên ve sầu

Nỗi buồn này không là của tuổi học trò khi đến mùa được nghỉ xa trường lớp, xa bạn bè.

Đây là nỗi buồn theo đúng nghĩa đen: loài côn trùng này có khả năng bị tận diệt; học trò không còn chỉ nghĩ đến Hè là vui chơi mà còn chăm chăm đi bắt ve kiếm tiền.

Một thầy thuốc ở Đắk Nông cho biết, rất nhiều em nhỏ ngày Hè đã đi vào rừng núi bắt ve bán, cứ mỗi một cân khô được cả triệu đồng. Thầy thuốc này nói, trời nắng chang chang mà mấy đứa rủ nhau lên nương rẫy, vào rừng núi truy lùng ve sầu. Bọn trẻ có ngày bắt được ve sầu bán cho thương lái được mấy chục ngàn đồng sinh mê, ngày nào cũng đi không sợ ốm đau, nguy hiểm.

Ở phía Bắc, một Facebooker đăng trên trang cá nhân cho biết, nhiều người vào vườn cà phê của anh để bắt ve sầu, nói về bán từ 500.000 - 950.000 đồng/kg, tùy theo độ lớn. Thương lái thu mua rồi bán cho người Trung Quốc.
Không chỉ là ve sầu, trên báo chí gần đây cho biết: thương lái ở Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… đang gom mua bọ xít khô với giá 5 - 8 triệu đồng/kg. Họ gom loại hàng này sau đó cũng bán cho thương lái Trung Quốc.

Điều đáng ngạc nhiên, ve sầu là côn trùng được làm thuốc (vị thuyền thoái) nên có giá trị; còn bọ xít thì không thể ăn, không được làm thuốc thì thương lái gom làm gì?

Ngoài bọ xít đen, xác ve sầu, trước đó, thương lái còn thu mua các loài côn trùng khác, như bọ hung, sâu ba vạch...

Việc bắt ve sầu, bọ xít… gây ra nhiều hệ lụy. Trước hết, giống như các cụ thu mua lá điều, rễ tre, đỉa… nhiều năm trước, vụ mua các loại côn trùng nhiều khả năng là cú lừa, phần thiệt hại sẽ là người dân và thương lái Việt Nam. Thứ đến, vì bỏ thời gian đi bắt ve sầu, bọ xít…, nhiều em nhỏ không còn cả thời gian chơi Hè, quá chú trọng tiền bạc (việc kiếm tiền cũng không dễ vì một cân khô côn trùng là rất nhiều, mấy tháng mới săn lùng được).

Điều cuối cùng, bất cứ sinh vật nào, có lợi hay có hại, cũng nằm trong hệ thống tự nhiên, chuỗi thức ăn… Việc tiêu diệt quá mức ve sầu, bọ xít… dẫn đến mất cân bằng sinh thái. Chưa nói, ăn côn trùng như bọ xít nhiều khả năng bị ngộ độc, như cảnh báo của chuyên gia y tế.

Trên thực tế, một số loài côn trùng có thể ăn được, nhưng một số có độc, hoặc mang các mầm bệnh (ký sinh trùng, vi khuẩn, virus) lây sang người. Rất nhiều người có cơ địa dị ứng với thực phẩm là côn trùng. Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, suy đa tạng do ăn bọ xít và ngộ độc.

Đã đến lúc, nhà trường hãy hướng cho con trẻ lòng yêu thiên nhiên, tôn trọng trật tự tự nhiên, không vì một số tiền nào đó mà đi truy lùng và hủy diệt côn trùng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng nên có biện pháp ngăn chặn việc săn bắt, buôn bán côn trùng để bảo vệ sự đa dạng sinh học.

Thành Thực

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/noi-buon-co-ten-ve-sau.html