'Nỗi buồn' của thế hệ trẻ lại trở thành cơ hội vàng cho nền kinh tế Trung Quốc

Việc người tiêu dùng trẻ tuổi sẵn sàng chi tiền cho các món đồ chơi hộp bí ẩn đã tạo nên một điểm sáng giữa bối cảnh ảm đạm của ngành bán lẻ Trung Quốc.

Theo báo cáo kinh doanh vừa công bố, Pop Mart - hãng đồ chơi hộp bí ẩn hàng đầu Trung Quốc - ước tính doanh thu quý III tăng từ 120 đến 125%, vượt xa kỳ vọng của thị trường. Nhờ sức hấp dẫn từ các sản phẩm đem lại giá trị tinh thần và xã hội, Pop Mart đã thu hút được hàng triệu fan trẻ, những người sẵn sàng chi tiền dù thu nhập còn khiêm tốn.

 Các món đồ chơi được người trẻ săn lùng tại Trung Quốc. Ảnh: Mandy Zuo

Các món đồ chơi được người trẻ săn lùng tại Trung Quốc. Ảnh: Mandy Zuo

Được hình thành bởi khoảng 280 triệu người sinh ra từ 1996 đến 2012, thế hệ Z Trung Quốc đang thúc đẩy xu hướng "tiêu dùng cảm xúc" - hoàn toàn trái ngược với tình hình kinh tế chậm lại tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Những món đồ tưởng chừng vô dụng nhưng mang lại niềm vui và giúp cải thiện tâm trạng đã trở thành lựa chọn phổ biến của người tiêu dùng trẻ.

Chuyên gia Mo Daiqing, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Điện tử Trung Quốc, cho biết: “Họ có nhu cầu cao về mặt cảm xúc khi phải sống và làm việc trong nhịp độ nhanh và áp lực cao.” Các sản phẩm như hộp bí ẩn, phụ kiện độc đáo hay đồ trang trí đã trở thành món hàng yêu thích, đáp ứng nhu cầu giải trí, an ủi, hay thể hiện cá tính.

Sức hấp dẫn của những món đồ chơi hộp bí ẩn nằm ở yếu tố bất ngờ. Người mua chỉ biết được món đồ mình nhận được sau khi mở hộp, tạo cảm giác hồi hộp và kích thích sự tò mò.

Cao Zuo, một sinh viên tại Thượng Hải, bày tỏ rằng các sản phẩm hộp bí ẩn của Pop Mart như “mua bằng tình yêu” bởi chúng “dễ thương” và đem lại “một loại thỏa mãn về tinh thần”. Cô nhận xét: “Giới trẻ cũng thường bốc đồng và sẵn sàng đón nhận những rủi ro chưa biết.”

Sự yêu thích của giới trẻ dành cho các sản phẩm có tính chất “chữa lành” và đem lại giá trị tinh thần cũng giúp thương hiệu gấu bông Jellycat từ Anh trở nên nổi tiếng tại Trung Quốc. Dù giá khá cao – lên tới vài trăm nhân dân tệ cho một sản phẩm nhỏ - các cửa hàng của Jellycat luôn đông khách và phải đặt lịch trước mới có thể vào cửa.

Theo một khảo sát từ Seashell Finance vào tháng 7, gần 30% giới trẻ Trung Quốc sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm mang lại giá trị cảm xúc hoặc hiệu ứng chữa lành.

Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc trong một báo cáo thường niên cũng khẳng định rằng ngoài yếu tố chi phí, nhu cầu giải tỏa cảm xúc sẽ là yếu tố quan trọng trong quyết định mua sắm của thế hệ trẻ, tạo nên một xu hướng tiêu dùng mới trong tương lai.

Trong báo cáo nghiên cứu công bố gần đây, Công ty Chứng khoán Soochow dự báo Pop Mart sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ các tài sản trí tuệ chất lượng. Được sinh ra và lớn lên trong một thế giới tràn ngập thông tin và vật chất đầy đủ, nhiều người trẻ tại Trung Quốc ít nhạy cảm với giá cả hơn và đôi khi mua sắm một cách tùy tiện.

Cao, sinh viên tại Thượng Hải, cho rằng các đồ chơi “thiết kế riêng” trong hộp bí ẩn của Pop Mart không chỉ là những hình ảnh đơn thuần, mà còn chứa đựng những yếu tố tinh thần khó tìm thấy trong đời thực.

Chuyên gia Mo tại Hàng Châu giải thích rằng mặc dù giá các sản phẩm này khá cao, chúng vẫn nằm trong khả năng chi trả của phần lớn giới trẻ, bởi đây không phải là các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Bà Mo cũng cho biết thêm rằng: “Người tiêu dùng hiện nay chú trọng hơn vào trải nghiệm mua sắm, và một số thương hiệu như Jellycat đã làm rất tốt, đem lại niềm vui và cảm giác thư giãn cho khách hàng.”

Dũng Phan (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/noi-buon-cua-the-he-tre-lai-tro-thanh-co-hoi-vang-cho-nen-kinh-te-trung-quoc-post318883.html