Nỗi buồn tảo hôn xứ Nghệ, ám ảnh lá ngón bao giờ dứt?

Có hai nguyên nhân cho những cuộc tảo hôn đang diễn ra tại nhiều huyện vùng cao Nghệ An. Một là cuộc tảo hôn rất dễ hình thành và hai là cực khó để ngăn chặn. Nỗi ám ảnh mang tên lá ngón bao giờ dứt ở những nơi này?

Tuyên truyền từ sớm, từ xa phòng trừ tảo hôn liệu có hiệu quả? Ảnh: An Lâm

Tuyên truyền từ sớm, từ xa phòng trừ tảo hôn liệu có hiệu quả? Ảnh: An Lâm

Vì sao khó ngăn chặn triệt để nạn tảo hôn?

Nạn tảo hôn đã và đang tồn tại trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên cả nước, chứ không riêng ở Nghệ An.

Để từng bước hạn chế, chấm dứt tảo hôn, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025". Ở Nghệ An cũng đã có đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020".

Thời gian qua, hàng tỉ đồng đã được bỏ ra nhưng hiệu quả trong công tác phòng chống, giảm thiểu tảo hôn đem lại rất ít ỏi. Theo các ngành chức năng huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, tình trạng tảo hôn, tổ chức tảo hôn được ghi nhận tại 10/21 xã, thị trấn và xảy ra chủ yếu ở đồng bào dân tộc Mông, một số ít trong cộng đồng đồng bào Thái, Khơ mú ở địa phương này.

Điều này xuất phát từ tập quán văn hóa và quan niệm hôn nhân cũng như sự bất bình đẳng về giới tính vốn "ăn sâu, bén rễ" trong đời sống của đồng bào.

Ngoài ra, điều kiện tự nhiên, đời sống của người dân còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao… Đặc biệt, nhận thức hiểu biết về hậu quả của tảo hôn và những quy định của pháp luật còn nhiều hạn chế.

Cùng với đó, dưới sự tác động và phát triển nhanh như vũ bão của mạng xã hội, chuyện giới trẻ được tiếp cận công nghệ thông tin hiện nay đã len lỏi về những xóm làng, thôn bản. Từ đây, các em được du nhập nhiều loại hình văn hóa phẩm khó kiểm soát, quen biết nhiều bạn bè trên mạng và tự do kết bạn, yêu đương.

Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, kinh phí đầu tư cho công tác này còn rất khiêm tốn... Các nguyên nhân khác cũng đã được ngành chức năng chỉ rõ, gồm công tác giáo dục, gia đình, lao động việc làm, tâm sinh lý và cả suy nghĩ, quan niệm tình yêu, hôn nhân, xu hướng nghề nghiệp của một bộ phận học sinh.

Ám ảnh về việc các học sinh ăn lá ngón kết thúc cuộc đời do thiếu hiểu biết và chưa nhận thức đầy đủ về hôn nhân, tình yêu, trách nhiệm xã hội, khiến việc phòng chống tảo hôn ngày càng khó.

Bà Nguyễn Thị Hồng, cán bộ Phòng truyền thông, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nghệ An tuyên truyền về tình yêu, giới tính, nạn tảo hôn. Ảnh: An Lâm

Bà Nguyễn Thị Hồng, cán bộ Phòng truyền thông, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nghệ An tuyên truyền về tình yêu, giới tính, nạn tảo hôn. Ảnh: An Lâm

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nghệ An tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên và tảo hôn ở các trường học. Ảnh: An Lâm

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nghệ An tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên và tảo hôn ở các trường học. Ảnh: An Lâm

Bà Nguyễn Thị Hồng, cán bộ Phòng truyền thông, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nghệ An chia sẻ, việc các em học sinh kết hôn trước độ tuổi theo quy định kéo theo bao hệ lụy.

Đó là việc cơ thể chưa phát triển toàn diện đối với cả nam nữ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Hơn nữa, khi người mẹ mang bầu thì thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng hoặc mẹ sinh non việc này ảnh hớn rất lớn đến cả mẹ, con cũng như hạnh phúc gia đình.

Việc kết hôn sớm khi nghề nghiệp, thu nhập của vợ chồng chưa đảm bảo thì cuộc sống sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, nuôi dạy con sẽ bị ảnh hướng rất lớn, thiệt thòi cho trẻ nhỏ. Bởi vậy, mỗi cán bộ công chức, viên chức, người dân cần hiểu biết, nâng cao nhận thức và có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến để mọi người cùng chung tay nói không với tảo hôn vì sức khỏe, cuộc sống hạnh phúc mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Chính vì lẽ đó, tảo hôn vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống. Trước mắt, với những cặp tảo hôn được thống kê, Nghệ An đã có ít nhất một nửa trẻ (thuộc về số cặp tảo hôn) thất học; một nửa trẻ sơ sinh không đảm bảo sức khỏe được sinh ra và có chừng đó hộ gia đình mới thành lập rơi vào cảnh đói nghèo...

Cán bộ Phòng tư pháp Kỳ Sơn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết tới học sinh bậc trung học cơ sở. Ảnh: Minh Vũ

Cán bộ Phòng tư pháp Kỳ Sơn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết tới học sinh bậc trung học cơ sở. Ảnh: Minh Vũ

Ra mắt mô hình phòng chống tảo hôn tại xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Minh Vũ

Ra mắt mô hình phòng chống tảo hôn tại xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Minh Vũ

Cần thiết phải xử lý hình sự để răn đe

Từ năm 2021, huyện miền núi Kỳ Sơn đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025". Nhiều giải pháp được huyện Kỳ Sơn đề ra và thực hiện trong những năm qua nhưng bất chấp nỗ lực của ngành chức năng, tình trạng tảo hôn tại huyện biên giới này vẫn còn rất gian nan và chưa có chiều hướng giảm.

Theo thống kê, từ năm 2020 đến năm 2024, huyện Kỳ Sơn có 768 trường hợp vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Riêng năm 2023, địa phương có 229 trường hợp vi phạm tảo hôn. Trong đó, có 175 trường hợp bị xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 328 triệu đồng.

Xã Na Ngoi là địa bàn có nhiều trường hợp vi phạm tảo hôn nhất với 42 trường hợp. Xã Huồi Tụ 29 trường hợp. Xã Mường Lống 31 trường hợp…

Đặc biệt, có nhiều trường hợp bị Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn xử phạt tù. Điển hình tuyên án 2 năm tù đối với bị cáo ở xã Mường Lống về tội "Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Cũng với tội danh, Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn tuyên án 4 năm tù đối với một bị cáo ở xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.

Các trường hợp bị xử phạt hành chính sẽ được thông tin rộng rãi trong các cuộc họp bản và trong cộng đồng dân cư nhằm nhắc nhở, răn đe, phòng ngừa các vụ việc tương tự. Cùng với xử phạt hành chính, việc tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết bằng nhiều hình thức tới từng xã, từng bản, từng cụm dân cư, từng hộ dân và trường học đã được các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành chức năng huyện Kỳ Sơn đã tổ chức cho người dân, học sinh ký cam kết không tảo hôn.

Đồng thời, các cấp ban ngành ở huyện Kỳ Sơn đã tổ chức lồng ghép 555 cuộc tuyên truyền tại cơ sở cho người dân và các em học sinh. Tổ chức cho tất cả các em học sinh ở tuổi vị thành niên và chủ hộ gia đình ký cam kết với nhà trường, chính quyền địa phương không vi phạm luật hôn nhân, gia đình.

Ngoài ra, UBND huyện Kỳ Sơn chỉ đạo triển khai, xây dựng và nhân rộng mô hình câu lạc bộ "Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" và "Bản làng không tảo hôn" tại các địa phương trên địa bàn, chủ yếu được xây dựng tại các bản làng.

Đến nay, các xã: Nậm Cắn, Tây Sơn, Bắc Lý và Tà Cạ… đã tổ chức ra mắt mô hình câu lạc bộ tại địa bàn xã; chỉ đạo chuyên môn tích cực hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện lồng ghép đưa nội dung phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong xây dựng hương ước, quy ước của bản.

Đến nay, 180/191 bản đã hoàn thành việc xây dựng hương ước, quy ước liên quan đến phòng chống tảo hôn trong cộng đồng.

Tất cả đều đang nỗ lực để đẩy lùi những ám ảnh về tảo hôn, nghèo đó và trẻ thất học ở miền núi. Mối đe dọa lá ngón cướp đi sinh mạng của những người trẻ tương đương với mối nguy hại về thất học, bệnh tật và huyết thống, giống nòi.

Và cuộc chiến chống tảo hôn vẫn còn rất gian nan.

An Lâm

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/noi-buon-tao-hon-xu-nghe-am-anh-la-ngon-bao-gio-dut-179240617134253955.htm