'Nội chiến' Taliban
Hai đối tượng thân tín của cựu thủ lĩnh Mullah Omar của Taliban tại Afganistan đã được phong làm lãnh đạo của phong trào nổi dậy của phiến quân. Liệu đây có phải là dấu hiệu chấm dứt mâu thuẫn nội bộ vốn âm ỉ về ngôi thủ lĩnh bấy lâu nay ở Taliban.
Hai đối tượng thân tín của cựu thủ lĩnh Mullah Omar của Taliban tại Afganistan đã được phong làm lãnh đạo của phong trào nổi dậy của phiến quân. Liệu đây có phải là dấu hiệu chấm dứt mâu thuẫn nội bộ vốn âm ỉ về ngôi thủ lĩnh bấy lâu nay ở Taliban.
Theo thông tin từ Taliban, Mullah Yaqub, con trai cả của cựu thủ lĩnh chột mắt Mullah Omar, sẽ phụ trách việc quản lý 15 trong số 34 tỉnh của Afghanistan trong Ủy ban Quân sự.
Em trai của Mullah Omar là Mullah Manan được bổ nhiệm làm trưởng ban Thuyết giáo và Hướng dẫn, nơi chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng, hướng dẫn các chiến binh mới gia nhập, cũng như việc tái hòa nhập và đào tẩu. Cả hai đều được bổ nhiệm vào Hội đồng lãnh đạo gồm khoảng 20 thành viên. Mặc dù họ không có quyền lực chính trị và quân sự chính thức nhưng cả hai đều đóng vai trò quan trọng nhằm giúp tăng tính hợp pháp của vị lãnh đạo tối cao mới của Taliban là Mullah Akhtar Muhammad Mansour.
Mâu thuẫn nội bộ
Tháng 7-2015, khi có thông tin thủ lĩnh chột mắt Mullah Omar đã chết từ 2 năm trước tại Pakistan, cả Mullah Yaqub và Mullah Manan đều phản đối việc bổ nhiệm Mullah Mansour là thủ lĩnh mới của Taliban.
Trong khi nhiều người bày tỏ sự ủng hộ với tân thủ lĩnh Mullah Mansour, gia đình của cựu thủ lĩnh Mullah Omar mong muốn Mullah Yaqub, 27 tuổi, tiếp tục sự nghiệp của cha. Nhưng sau nhiều tuần thương lượng và đàm phán, cả Mullah Yaqub và Mullah Manan đều chấp nhận Mullah Mansour là tân thủ lĩnh thay thế Mullah Omar. Quyết định trên chỉ được đưa ra vài ngày sau khi Mullah Abdul Qayyum Zaker, chỉ huy Ủy ban quân sự và là một trong những chỉ huy chủ chốt Taliban, tuyên bố ủng hộ thủ lĩnh mới Mullah Mansour.
Việc bổ nhiệm một vài người thân cận của cựu thủ lĩnh Mullah Omar vào các vị trí lãnh đạo, cùng với sự cam kết trung thành của các chỉ huy chủ chốt của Taliban như Mullah Qayyum Zaker, phần nào giúp hàn gắn những rạn nứt nội bộ và củng cố ngôi thủ lĩnh của Mullah Mansour, người được biết đến đã bí mật lãnh đạo tổ chức dưới cái tên Mullah Omar trong hơn 2 năm sau khi Mullah Omar thật qua đời. Nhưng điều này không có nghĩa là những rắc rối của thủ lĩnh Mullah Mansour chấm hết.
Trận chiến quyết định
Tình hình phức tạp hơn khi có một nhóm nhỏ các phiến quân chống đối Mansour tách ra hoạt động riêng và thể hiện quyết chiến đấu chống tân thủ lĩnh đến cùng.
Cuộc đụng độ giữa lực lượng của phe ủng hộ và không ủng hộ Mansour thỉnh thoảng nổ ra kể từ khi phe ly khai được thành lập vào tháng 11-2015 dưới sự lãnh đạo của Mullah Muhammad Rasool. Và Mullah Mansour vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa để “làm hài lòng” một số nhân vật chủ chốt của Taliban vẫn chưa cam kết trung thành với mình. Sự cam kết của các nhân vật này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hàn gắn mâu thuẫn nội bộ và thúc đẩy hợp nhất đoàn kết của nhóm. Việc này cũng sẽ có thể tác động phần nào đến các cuộc đàm phán hòa bình và thực hiện bất cứ thỏa thuận nào với Afghanistan trong tương lai.
Taliban cho đến nay nhiều lần từ chối đàm phán trực tiếp với chính phủ Afghanistan. Theo phiến quân, đàm phán chỉ có thể diễn ra khi việc chiếm đóng tại Afghanistan chấm dứt, lãnh đạo Taliban bị loại khỏi danh sách đen của LHQ và các tù nhân Taliban vô tội được phóng thích. Có thể thấy, việc gặp gỡ và thương lượng giữa phiến quân Taliban và chính phủ Afghanistan khó mà xảy ra và 2016 có vẻ sẽ là năm chứng kiến nhiều “hành động mới” của Taliban tại Afghanistan.
Tuệ Khanh
(Theo BBC)
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_146977_-no-i-chie-n-taliban.aspx