Nơi có người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai

Tại ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An có một khu di tích ghi dấu chiến công của Tiểu đoàn 309. Cũng trong trận đánh ấy, có người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Đó chính là anh hùng Nguyễn Văn Tịch trong trận đánh đồn Ông Tờn vào năm 1953 của bộ đội ta.

Bia tưởng niệm đồn Ông Tờn tại ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường

Bia tưởng niệm đồn Ông Tờn tại ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường

Thực dân Pháp xây dựng đồn Ông Tờn vào năm 1949 tại ấp Ông Tờn, xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa (nay là ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường). Vị trí đóng của đồn sát biên giới Việt Nam - Campuchia, cạnh bên Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp ngày nay, nhằm mục đích chia cắt đường liên lạc giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ. Năm 1953, Ban chỉ huy Tỉnh đội Tân Mỹ Gò (Mỹ Tho, Tân An, Gò Công) quyết định tấn công đồn Ông Tờn. Tiểu đoàn 309 có tăng cường một phân đội hỏa lực và đặc công của tỉnh được giao nhiệm vụ công đồn.

Theo miêu tả, đồn Ông Tờn khá kiên cố, tường dày 80-100cm, lỗ châu mai sát mặt đất, hỏa lực đan chéo, có khu cố thủ với 3 lớp kẽm gai, gài lựu đạn, chông, mìn. Hệ thống giao thông hào quanh đồn cũng có gài chông. Để tấn công đồn, lực lượng đặc công đặc biệt tinh nhuệ của ta vào trước nhận nhiệm vụ cắt rào, mở cửa. Trong tổ đặc công ấy, đồng chí Nguyễn Văn Tịch đảm nhận nhiệm vụ đội trưởng. Các anh đã vượt qua hàng rào kẽm gai, tiếp cận tường rào, đặt bộc phá vào bên trong lỗ châu mai. Tuy nhiên, quả bộc phá bị địch phát hiện, đẩy ngược ra ngoài. Lúc đó, anh Tịch đã lấy thân mình ép chặt quả bộc phá vào lỗ châu mai và châm ngòi nổ.

Bức tường bị phá hỏng một mảng lớn. Lực lượng ta kiên trì tiến công, tiêu diệt phần lớn quân địch trong đồn Ông Tờn. Đồn bị cháy rụi gần hết. Tuy nhiên, vẫn còn một số tên địch ngoan cố chống trả, lực lượng ta đành phải rút lui. Sau đó 10 ngày, địch rút về Campuchia, Mộc Hóa sạch bóng quân thù. Sau trận đánh đồn Ông Tờn, người con của huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Tịch được tuyên dương anh hùng. Sau này, đồng chí hy sinh khi giúp nước bạn Campuchia.

Trận công đồn Ông Tờn, tuy quân ta phải rút khi chưa tiêu diệt hoàn toàn quân địch nhưng cũng là bằng chứng thắng lợi của quân và dân ta trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. Người lập Hồ sơ di tích Đồn Ông Tờn - Nguyễn Văn Thiện nhận xét: “Di tích đã chứng minh cho lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc của quân và dân Đồng Tháp Mười anh dũng. Dù cho bọn giặc dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, xây dựng nhiều đồn bót kiên cố hòng thực hiện việc chiếm đóng lâu dài trên đất nước ta, nhưng quân và dân ta vẫn quyết tâm đánh chúng cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn”.

Đồn Ông Tờn ngày nay không còn lại dấu vết gì. Mọi thứ đã bị thời gian xóa sạch. Khu vực đồn trước đây giờ là một phần Quốc lộ 62 với 2 làn xe chạy. Bia tưởng niệm Đồn Ông Tờn được xây dựng trên dải phân cách đường quốc lộ, xung quanh là cây, hoa được trồng tạo cảnh quan.

Lá cờ Tổ quốc tung bay cạnh bên cửa khẩu, trên mảnh đất xưa kia ghi dấu chiến công của bộ đội ta. Khu căn cứ địch với hàng rào kẽm gai, hào chông, lựu đạn, giờ đây trở thành con đường huyết mạch của tỉnh. Hai bên đường, nhà dân san sát. Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp ngay cạnh đó, không chỉ là nơi giao thương mà còn là điểm du lịch nổi tiếng của Long An. Và trên đường đến điểm tham quan đó, hẳn là du khách sẽ dừng lại một lần để được nghe về những chiến công xưa trên vùng đất ấy./.

Mộc Châu

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/noi-co-nguoi-anh-hung-lay-than-minh-lap-lo-chau-mai-a119295.html