Nơi của thời xa xôi còn đó

Quán bia hè phố Brussels, Bỉ, chị ngồi đối diện nhìn anh cầm cốc bia sủi bọt, chợt nhớ về chuyện 28 năm trước…

Cũng trong giờ cuối buổi chiều như thế này, chỗ ngồi tương tự ở nhà hàng có kê ghế ngoài vỉa hè, chị đã gặp anh.

Hôm đó, trên đường phố Brussels, chị có cảm giác như ai đang nhìn mình. Chị ngoảnh lại, có một anh chàng khá cao to đang chăm chú nhìn chị. Anh lại gần: “Chào em! Em là người Việt Nam?”. Chị: “Sao anh biết?”. Anh nhận ra chị là người Việt Nam vì cái dáng vẻ người Á Đông, rồi đặc biệt là chị đang quàng trên vai cái khăn rằn của người Nam Bộ. Nhưng du khách Nhật Bản, hay Trung Quốc… cũng thích khăn rằn, cơ mà họ có thể mua?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sau này quen chị rồi anh mới giải thích, nhìn chị quàng cái khăn đó, anh cảm giác thân thương đến lạ, không thể giải thích được. Anh cũng ngỡ ngàng là chị không phải con gái miệt vườn miền Tây Nam Bộ mà là con gái Hà Nội gốc, mới theo gia đình vào TP Hồ Chí Minh khi đã học xong trung học phổ thông.

Anh mời chị vào quán, ngồi ở vỉa hè. Anh gọi một cốc bia, món đồ uống cho chị. Anh tự giới thiệu là bác sĩ sang Pháp tu học, được mấy ngày rỗi thì đi vài nước như Bỉ, Hà Lan để thăm thú… Chị cũng cho biết mình đang là sinh viên trường Y, ngày nghỉ hè được gia đình cho du lịch châu Âu. Hồi đó, chị nhìn anh bác sĩ trẻ này thấy anh thật cuốn hút, thầm nghĩ: “Anh này giống diễn viên Thế Anh nhưng… đẹp trai hơn, cao hơn”.

Về nước, họ liên lạc với nhau, thỉnh thoảng rủ nhau uống cà phê. Chị lúc đó mới biết anh là một bác sĩ đầy triển vọng, chuyên môn giỏi. Anh cũng biết, chị là con gái của một vị giáo sư đầu ngành, quản lý ở một bệnh viện lớn. Chị còn là “hoa khôi” trường Y như mọi người thầm công nhận. Chị gặp anh trong một giờ thực tập nơi khoa anh làm việc, chị mạnh dạn nói: “Anh về nhà em chơi nhé. Bố mẹ em không khó tính lắm đâu”.

Anh lặng lẽ gật đầu nhưng nghĩ: “Mình phận bác sĩ nghèo rớt mồng tơi, chắc không lọt vào mắt xanh của vị giáo sư lừng lẫy đâu”. Anh còn lo lắng, như sau này kể với chị, rất nhiều chàng trai con nhà quyền thế, giàu có bám lấy chị, nên cơ hội của anh rất ít.

Đến gia đình chị, anh được mời cơm. Bữa ăn rất ngon có thêm chai rượu vang.

Sau khi anh ra về, bố của chị nhìn chị cười cười rồi nghiêm giọng: “Anh ta có vẻ được đấy, thông minh, chững chạc. Nó còn tiến xa trong nghề, có khi còn hơn cả bố. Có điều bố nói trước, nếu lấy nó thì con chịu khổ vì nó đào hoa lắm đấy”.

Anh (sau đó là chồng chị) tài giỏi trong nhiều lĩnh vực. Anh vừa là giảng viên, bác sĩ trẻ đầy điển vọng. Hơn thế, anh còn là doanh nhân trong lĩnh vực y tế cực kỳ giỏi với hướng đi ít người lúc đó suy nghĩ đến. Ngoài việc giảng dạy, đi khám và chữa bệnh ở bệnh viện nhà nước, anh có phòng phòng mạch riêng, rồi thêm một phòng khám, một bệnh viện tư nữa. Bên cạnh đó, thi thoảng anh đầu tư vào lĩnh vực địa ốc...

Cuộc sống gia đình chị hết sức đầy đủ về kinh tế. Anh sau này có học vị tiến sĩ, rồi học hàm phó giáo sư... Chị cũng là thạc sĩ. Hai vợ chồng có hai đứa con ngoan, học giỏi.

Có điều, đúng như bố chị nói, anh làm khổ chị vì sự đào hoa của anh. Rất nhiều cô gái thích anh. Với bản tính hiền hậu, hào phóng của mình cùng vẻ điển trai, lịch lãm anh khiến nhiều cô mê say. Thực tế, do quá bận bịu nên anh cũng không có đủ thời gian để tình tang ngoài luồng. Tuy nhiên, chuyện không hay xảy ra là anh “say nắng” một cô ca sĩ trẻ.

Biết chuyện, chị chỉ nhìn anh với nước mắt ứa ra. Anh lại gần nắm tay chị xin lỗi, rồi kể hoàn cảnh gặp cô kia trong trạng thái không thực sự tỉnh táo. Anh gặp cô sau đêm nghe nhạc ở phòng trà, rồi đi ăn cùng bạn, người quen với cô kia...

Hôm nay, chiều đường phố Brussels vào Thu thật đẹp. Chị ngồi đối diện với anh. Chị hiểu lý do anh dẫn rất nhiều người thân trong gia đình du lịch châu Âu, nhưng riêng hôm nay tách đoàn để ngồi riêng với chị. Anh vẫn thế, ánh mắt vẫn ấm áp khiến chị nao lòng, dù đã qua 28 năm đằng đẵng, từ ngày chị và anh gặp nhau.

Anh nói với chị như thì thầm: “Em nhỉ, chúng ta như thời mới gặp nhau. Em có còn cảm giác đấy nữa không?”. Chị nhìn anh trìu mến rồi nhẹ nhàng gật đầu.

Phương Cát

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/noi-cua-thoi-xa-xoi-con-do.html