Nối dài 'chuyến tàu di sản miền Trung'

Kết nối các miền di sản

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, phương án chạy tàu kết nối "chuyến tàu di sản miền Trung" giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ góp phần gia tăng nguồn khách du lịch đến Quảng Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nội địa và khách quốc tế đến, đi từ Quảng Nam bằng đường sắt, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và ngành du lịch tỉnh Quảng Nam. Đồng thời sẽ đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đường sắt, góp phần phục hồi và phát triển mạnh mẽ ngành du lịch của ba địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho biết, việc nối dài "chuyến tàu di sản miền Trung" đang chạy giữa Huế - Đà Nẵng đến Quảng Nam, trước mắt đến ga Trà Kiệu (Duy Xuyên) sẽ giúp lan tỏa đến các điểm du lịch là di sản văn hóa thế giới như Hội An, Mỹ Sơn. Tuy vậy, so với Thừa Thiên Huế hay Đà Nẵng thì hạ tầng đường sắt cho du lịch tại Quảng Nam khó khăn hơn, do cơ sở vật chất còn hạn chế. Để đáp ứng nhu cầu du lịch bằng đường sắt, mới đây ngành du lịch Quảng Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khảo sát tại ga Trà Kiệu và ga Tam Kỳ. Thời gian tới, nếu tuyến ga nêu trên được đầu tư cho du lịch cần mở thêm một hành lang vận chuyển nâng cao năng lực tự chủ thu hút thêm khách đến Quảng Nam.

Đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung” đưa vào vận hành đã nhận được sự đánh giá cao của du khách

Đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung” đưa vào vận hành đã nhận được sự đánh giá cao của du khách

Trước mắt, cơ quan quản lý du lịch địa phương sẽ phối hợp xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các phương tiện vận tải đường bộ như: xe bus, các hãng taxi, dịch vụ thuê xe đạp, xe máy… kết nối với các ga Trà Kiệu, Tam Kỳ, Núi Thành đến các địa điểm du lịch, trung tâm thành phố để thuận tiện cho khách du lịch khi di chuyển. Bên cạnh đó, địa phương sẽ cùng các doanh nghiệp du lịch lên phương án xây dựng các sản phẩm chuyên biệt nguyên toa, các chuyến tàu thuê chuyến (charter) từ Hà Nội, Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh… đến Quảng Nam theo yêu cầu dành cho khách du lịch đi/đến Quảng Nam bằng đường sắt.

Hiện tại trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh qua tỉnh Quảng Nam đang duy trì thường xuyên 6 đôi tàu khách/ngày đêm, trong đó có 5 đôi tàu khách thống nhất và 1 đôi tàu khách chất lượng cao SE21/22. Số đôi tàu khách đi/đến sẽ được điều chỉnh tăng khi nhu cầu khách du lịch tăng. Hiện tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và ngành du lịch Quảng Nam đang phối hợp xây dựng các cơ chế riêng cho khách du lịch có vé đi tàu đến Quảng Nam, để thu hút khách du lịch đi/đến Quảng Nam bằng đường sắt. Bên cạnh đó cũng sẽ nghiên cứu đề xuất phát triển tuyến đường sắt mới, kết nối với tỉnh Quảng Nam để thu hút khách du lịch từ các tỉnh thành khác đi/đến Quảng Nam. Đặc biệt, trong khuôn khổ lễ công bố kích cầu du lịch Quảng Nam 2024, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030 để thúc đẩy du lịch đường sắt đến Quảng Nam.

Cơ hội phát triển du lịch đường sắt

Vào cuối tháng 3/2024, chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” từ Thừa Thiên Huế vào Đà Nẵng đưa vào vận hành đã nhận được sự đánh giá cao của du khách. Đây được xem là động lực để du lịch Quảng Nam tìm kiếm cơ hội nối dài tour du lịch di sản bằng đường sắt. Tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Quảng Nam dài 91,5km, gồm 8 ga: Nông Sơn, Trà Kiệu, Phú Cang, Tam Thành, An Mỹ, Tam Kỳ, Diêm Phổ, Núi Thành. Trong đó có 3 ga có tác nghiệp đón trả khách: Trà Kiệu, Tam Kỳ và Núi Thành. Tuyến đường sắt du lịch Đà Nẵng - Trà Kiệu khi đưa vào vận hành sẽ tạo ra hiệu quả, thu hút được sự hưởng ứng của du khách. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ vận hành đoàn tàu toàn bộ với sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam để đảm bảo hiệu quả triển khai.

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, việc đưa vào khai thác đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung” là một trong những nỗ lực kết nối vùng, quảng bá du lịch của các địa phương và là sản phẩm mới, mở đầu cho những sản phẩm kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch mà ngành Đường sắt Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới.

Tại ga Đà Nẵng và ga Huế, ngành đường sắt cũng bố trí phòng chờ VIP để phục vụ hành khách. Trên hành trình, du khách còn được thưởng thức ẩm thực đặc sắc của địa phương. Với thời gian di chuyển khoảng 3 giờ đồng hồ, đoàn tàu sẽ đưa du khách ngang qua đèo Hải Vân - nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Từ trên tàu, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp, nơi giao thoa giữa 2 miền Nam - Bắc với một bên là dãy Trường Sơn trùng điệp, một bên là biển cả mênh mông. Với 2 đoàn tàu xuất phát vào buổi sáng - chiều từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, du khách có thể đón bình minh hoặc hoàng hôn trên vịnh Lăng Cô - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới

Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, thời gian qua, đơn vị đã làm việc với các Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này ở các địa phương để đưa ra các sản phẩm du lịch chất lượng trên cơ sở trải nghiệm văn hóa vùng miền. Với nỗ lực của các bên liên quan, dự kiến trong năm 2024 sẽ vận hành thử nghiệm việc nối dài "chuyến tàu di sản miền Trung" từ ga Đà Nẵng đến ga Trà Kiệu, tiến độ thời gian vận hành phụ thuộc rất nhiều vào sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam.

Thảo Nguyên

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/noi-dai-chuyen-tau-di-san-mien-trung-152988.html